Linh hoạt chạy tàu, tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19

Chiều 8-11, phóng viên Báo Hànôịmới đã có cuộc trao đổi với Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) Vũ Hồng Trường nhằm đánh giá về kết quả hai ngày đầu dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức khai thác thương mại cũng như các giải pháp tăng cường phòng, chống dịch Covid-19.

Căng dây để phân luồng hành khách.

- Ông có thể đánh giá về kết quả 2 ngày đầu dự án chính thức vận hành khai thác thương mại?

- Từ 9h ngày 6-11, ngay sau lễ bàn giao, tiếp nhận, chúng tôi chính thức chở khách miễn phí. Tính từ 9h đến 22h (giờ đóng tuyến), đã có 109 lượt tàu phục vụ với tổng số người đi là 25.680 người.

Ngày 7-11 (bắt đầu thực hiện đúng kế hoạch chạy tàu đã được phê duyệt với giờ mở và đóng tuyến từ 5h30-22h), đã có 141 lượt tàu hoạt động với tổng số người đi là 54.121 người.

Về cơ bản, hai ngày đầu vận hành bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, đúng kế hoạch vận hành và biểu đồ đã được phê duyệt.

Niềm vui của những hành khách lần đầu trải nghiệm đường sắt đô thị.

- Công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các nhà ga, trên tàu được thực hiện ra sao, thưa ông?

- Từ trước khi tiếp nhận dự án, chúng tôi đã tạo mã QR tại các nhà ga, trên từng toa tàu để hành khách khai báo y tế điện tử và có sổ khai báo đối với hành khách không sử dụng điện thoại thông minh. Nhân viên nhà ga trực đo thân nhiệt hành khách.

Thông điệp “5K” được dán tại nhiều vị trí ở các nhà ga và trên tàu để nhắc nhở hành khách thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, số điện thoại đường dây nóng của các cơ quan chức năng được niêm yết để kịp thời thông tin khi có vi phạm về quy định phòng, chống dịch. Bình sát khuẩn được bố trí và khẩu trang được phát miễn phí cho hành khách. Các ga đều có phòng cách ly y tế tạm thời khi có ca nghi nhiễm.

Trong hai ngày đầu vận hành, do là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên đưa vào vận hành, lại đúng ngày nghỉ cuối tuần nên lượng khách đến trải nghiệm rất đông. Ùn ứ chủ yếu xảy ra vào 9h30-11h chủ nhật (7-11). Trước tình hình đó, công ty đã kịp thời bổ sung các giải pháp để phòng, chống dịch.

Cụ thể, chúng tôi chăng dây để phân luồng hành khách ở sảnh tầng 1 (như tại sân bay Nội Bài); điều phối hành hành khách trên tầng 3 đi hết thì mới cho khách ở tầng 2 lên, khách ở tầng 2 lên hết thì mới cho khách ở tầng 1 lên; bố trí hành khách lên, xuống ga theo đường một chiều.

Chúng tôi tăng cường nhân viên bảo vệ, huy động nhân viên của tất cả phòng, ban trong công ty để phân luồng hành khách và thường xuyên nhắc nhở hành khách giữ khoảng cách, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; trang bị tấm chắn giọt bắn cho nhân viên trực tiếp phục vụ hành khách.

Thông điệp 5K và mã QR được dán ở nhiều nơi phục vụ nhân viên và hành khách.

Từ đầu giờ chiều 7-11, các biện pháp này đã được triển khai đầy đủ và tình hình đã được kiểm soát tốt. Cùng với các biện pháp nói trên, tần suất chạy tàu mới được bố trí giãn cách 15 phút/chuyến, bằng 40% phương án tổ chức chạy tàu đầy đủ.

Về sử dụng sức chứa, trong ngày cao điểm (7-11) với 54.121 người đi và 141 lượt chạy tàu vẫn chưa vượt quá 50% sức chứa của tàu (bao gồm cả người đứng và người ngồi) là 960 hành khách/lượt tàu.

Sáng 8-11 (ngày làm việc bình thường), lượng khách đi tàu đã giảm nhiều, không còn hiện tượng ùn ứ ở tầng 1 ga Cát Linh.

Từ thực tế trên, cùng với tăng cường tuyên truyền, chúng tôi cũng kiến nghị Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội hỗ trợ tuyên truyền, khuyến cáo người dân không nên tập trung đông người, không đi vào giờ cao điểm đối với những hành khách đi trải nghiệm để bảo đảm giãn cách tốt nhất trong phòng, chống dịch.

Tất cả hành khách đều phải khai báo y tế điện tử hoặc bằng giấy.

- Ông có cho rằng lượng hành khách đông, dẫn đến ùn ứ vừa qua có một phần nguyên nhân từ việc miễn phí cho hành khách sử dụng dịch vụ trong 15 ngày đầu?

- Trước tiên phải khẳng định, việc thành phố áp dụng miễn phí sử dụng dịch vụ 15 ngày đầu là chủ trương đúng đắn nhằm khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng. Tuy nhiên, tôi cho rằng lượng khách đông không phải do được sử dụng miễn phí. Nhiều người đến trải nghiệm là vì mong mỏi được sử dụng một loại dịch vụ vận tải mới, tiên tiến lần đầu xuất hiện tại Hà Nội và cũng là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước được đưa vào khai thác. Người dân phải bỏ thời gian, mất các loại chi phí khác (ví dụ như đi taxi, xe buýt, tiền gửi ô tô, xe máy…) để đợi được đến lượt trải nghiệm dịch vụ. Những chi phí này lớn hơn nhiều so với số tiền 8.000-15.000 đồng nếu phải bỏ ra mua vé đường sắt đô thị.

Chúng tôi cảm nhận được niềm vui, sự phấn khởi từ những hành khách lần đầu trải nghiệm dự án. Đấy cũng chính là động lực để tập thể cán bộ, công nhân viên Hanoi Metro nỗ lực hơn nữa để phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/1016744/linh-hoat-chay-tau-tang-cuong-cac-giai-phap-phong-chong-dich-covid-19