Linh hoạt tuổi nghỉ hưu

Theo góp ý của bạn đọc Báo Người Lao động, Luật BHXH nên điều chỉnh theo hướng nữ đóng đủ 30 năm, nam đóng BHXH đủ 35 thì được phép hưu, không tính là bao nhiêu tuổi và hưởng 75% lương hưu.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến hết năm 2022, cả nước có hơn 17 triệu người tham gia BHXH, độ bao phủ mới đạt 38% lực lượng lao động trong độ tuổi và còn khoảng 28,4 triệu người chưa vào hệ thống. Độ bao phủ BHXH tăng chậm trong khi số người về một cục lại tăng, bình quân cứ hai người vào hệ thống thì một người rời đi. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống kê giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm gần 750.000 lao động hưởng BHXH một lần. Khoảng 10% lao động rút một lần có thời gian đóng BHXH từ đủ 10 năm trở lên.

Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ Dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Trong đó, nội dung được nhiều người lao động quan tâm nhất là quy định giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu.

Liên quan đến đề xuất này, Báo Người Lao Động có bài viết "Không một doanh nghiệp nào muốn thuê lao động ngoài 40" và nhận được nhiều phản hồi của độc giả. Bạn đọc Lê Xuân Khỏe bày tỏ: "Hơn 40 tuổi chẳng công ty nào muốn tuyển và cũng nhiều công ty cũng muốn sa thải rồi. Khổ thân người lao động làm sao trụ bám đến 60 - 62 tuổi để về hưu đây hả trời". Đồng quan điểm, bạn đọc Thành Đồng cho rằng chẳng doanh nghiệp nào nhận lao động tuổi 45- 47. Tương tự, bạn đọc Ngọc Bảo nhận xét: "Bài báo quá đúng với thực tế. Ngoài 40 tuổi đi xin việc cũng khó khăn thì tiền đâu mà tham gia bảo hiểm?".

Bạn đọc Phan Nghĩa Đại đặt câu hỏi: "Ngoài 40 tuổi, mắt kém, đầu óc kém linh hoạt, hành động kém nhanh nhạy, lao động năng suất giảm, có ai bỏ tiền ra để tuyển người làm công như vậy không?". Bạn đọc Nguyễn Hoài Nam cũng đồng tình với các ý kiến của các độc giả trên. "Thiết nghĩ nếu như nghỉ hưu ở tuổi 60 - 62 thì lúc đó người lao động còn có sức khỏe không để làm hay là cứ để họ làm không cần hiệu quả chỉ cần họ làm để trả lương và có tiền đóng cho Bảo hiểm. Thậm chí lúc đó còn sống hay không để mà hưởng lương" - bạn đọc này nói.

Bạn đọc Lê Thái Sơn phân tích: "Thật ra những người lao động trong các doanh nghiệp vốn nước ngoài, các công ty tư nhân đều hiểu rõ điều này. Sau tuổi 45-50 sức khỏe không cho phép nên dù có được công ty ưu ái để ở lại cho làm việc thì người lao động cũng rất ái ngại. Nếu làm công việc theo chuyền, theo ca kíp,theo doanh số sản lượng chuyền mà không theo kịp sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất lao động, ảnh hưởng đến những người khác nữa. Từ đó người lao động cũng sẽ phải viết đơn xin nghỉ việc mà thôi. Rồi tình trạng người sử dụng lao động tìm cách cho người lao động cao tuổi nghỉ việc không phải là hiếm. Họ lách luật một cách công khai khiến NLĐ phải chấp nhận. Chỉ người lao động trong cuộc mới hiểu được cái cảm giác ấy nó như thế nào. Lao động tay chân nặng nhọc, người đứng người ngồi 8-10-12h/ngày/ tháng...thậm chí quanh năm. Trong điều kiện chật hẹp,nóng bức... họ sẽ hao mòn sức khỏe rất nhanh. Đã không bệnh thì chớ, bệnh một cái là hao tổn tiền bạc lắm lắm. Họ không giàu... đủ ăn là may mắn lắm rồi. Nên cái tuổi 60-62 với họ xa vời lắm. Họ chỉ mong sống đến cái tuổi 60 thôi.

Góp ý hoàn thiện chính sách, bạn đọc Huỳnh Tự Giác đồng ý với quan điểm là nên giảm tuổi nghỉ hưu. "Nữ đóng đủ 30 năm, nam đóng BHXH đủ 35 thì được phép nghỉ hưu không tính là bao nhiêu tuổi và hưởng 75%, lương hưu. Còn ai muốn ở lại cống hiến thì tiếp tục ở lại và tham gia BHXH tiếp" – bạn đọc này đề xuất. Cùng góc nhìn, một bạn đọc giấu tên bày tỏ: "Chuẩn không phải chính, cứ đủ năm đóng là nghỉ hưu, đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít.

Đỗ Văn Bích chia sẻ: "Như đại đa số ý kiến người lao động góp ý về sửa đổi luật BHXH trong thời gian qua đều tập trung vào vấn đề mấu chốt là "cần có quy định linh hoạt về tuổi được nghỉ hưu" nhất là người lao động ở khối doanh nghiệp ngoài nhà nước. Đối với người lao động ở khối doanh nghiệp này có công việc bấp bênh; người sử dụng lao động luôn có xu hướng trẻ hóa lao động; sa thải lao động có tuổi cao khi năng suất đã bị sút giảm và càng không có nhu cầu tuyển dụng lao động ở tuổi ngoài 50 (ngoại trừ nhân sự cấp cao). Với thực tế đó nếu không có chính sách linh hoạt về tuổi nghỉ hưu sớm thì xem như việc tham BHXH đã không ý nghĩa đối với nhóm lao động đang chiếm số đông này".

Để khuyến khích người lao động tích cực tham gia và đóng BHXH càng nhiều năm, bạn đọc Đỗ Văn Bích cũng đề xuất tính toán để đưa ra quy định như sau: "Giả định đóng BHXH 15 năm là được hưởng lương hưu khi đến tuổi thì việc khuyến khích đóng BHXH càng sớm và tích lũy càng nhiều năm càng được quyền nghỉ hưu sớm nếu có nguyện vọng. Cụ thể đóng BHXH từ năm thứ 15 trở đi cứ tham gia thêm 4 năm được quyền nghỉ sớm 1 năm và đóng đủ 35 năm được quyền nghỉ sớm tối đa là 5 năm so với quy định. Các trường hợp khi6ng đủ năm tích lũy nhưng vẫn có nguyện vọng được nghỉ sớm (tối đa 5 năm) thì số năm cần nghỉ sớm trên mức tích lũy đó sẽ bị trừ % lương hưu theo nguyên tắc đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu để đảm bảo việc nghỉ hưu sớm giải quyết được an sinh xã hội nhưng không làm mất cân đối quỹ BHXH".

An Khánh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/linh-hoat-tuoi-nghi-huu-20230421085923902.htm