Linh hoạt về hình thức, phương pháp tham vấn chính sách

Thảo luận về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) tại tổ 10 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Phú Thọ, Quảng Ngãi, An Giang, có ý kiến cho rằng, tham vấn chính sách bằng hình thức hội nghị là rất khó, đơn cử, không phải lúc nào các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng có thể đến dự họp để tham vấn. Trong thời đại công nghệ thông tin, nên linh hoạt hơn về hình thức, phương pháp tham vấn chính sách.

Các đại biểu Quốc hội tán thành với đề xuất mới về tham vấn chính sách và nhận thấy quy định về tham vấn chính sách giúp các cơ quan phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới nên đề nghị nghiên cứu, quy định rõ khái niệm của “tham vấn chính sách”, phân biệt rành mạch giữa tham vấn chính sách với lấy ý kiến trong quá trình xây dựng chính sách, soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết.

 Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại tổ 10. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại tổ 10. Ảnh: Hồ Long

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, mục đích, bản chất của tham vấn là tạo sự đồng thuận. Quá trình tham vấn là quá trình liên tục, từ khi phát hiện vấn đề thực tiễn, hình thành ý định về chính sách, đến khi hoạch định chính sách, bàn và thông qua chính sách, sau đó đưa ra luật về chính sách. Việc này do các cơ quan hoạch định chính sách (như cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, hoặc Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao…).

“Đối tượng tham vấn là cá nhân, tổ chức, các chuyên gia, các nhà khoa học và người dân. Quá trình lấy ý kiến người dân trên các Cổng thông tin chính là quá trình tham vấn chính sách”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

 Quang cảnh thảo luận tại tổ 10 sáng 12.2. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh thảo luận tại tổ 10 sáng 12.2. Ảnh: Hồ Long

Nhấn mạnh xin ý kiến các cơ quan là một quy trình của lập pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị giữa tham vấn và xin ý kiến cần phải rành mạch.

“Lúc nào xin ý kiến, lúc nào thẩm tra thì cần phải làm rõ. Cần phải tách bạch giữa tham vấn, xin ý kiến và quyền thẩm tra. Nếu không tách bạch rành mạch giữa tham vấn, xin ý kiến và quyền thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội thì sẽ không đúng với bản chất của tham vấn”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh

Theo Từ điển tiếng Việt, tham vấn là một quá trình hoạch định chính sách từ khi phát hiện cho đến khi quyết định, ban hành chính sách và tổ chức thực thi chính sách, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu, xem xét lại giải thích từ ngữ về tham vấn chính sách trong dự thảo luật.

ĐBQH Hoàng Hữu Chiến (An Giang) cũng đề nghị, cần làm rõ sự khác nhau giữa tham vấn chính sách và lấy ý kiến.

 ĐBQH Hoàng Hữu Chiến (An Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Hoàng Hữu Chiến (An Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Dẫn khoản 2, Điều 6, dự thảo Luật có nêu, “Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, bộ, cơ quan ngang bộ được cơ quan lập đề xuất chính sách, cơ quan chủ trì soạn thảo tham vấn chính sách thuộc phạm vi, lĩnh vực phụ trách”, đại biểu Hoàng Hữu Chiến chỉ rõ, quy định này đang dẫn đến cách hiểu chỉ được tham vấn các cơ quan như Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, bộ, các cơ quan ngang bộ đối với chính sách.

Như vậy, muốn “tham vấn rộng hơn, mở hơn” lại không được. Trong khi đó, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan ngang bộ cũng là đối tượng xin ý kiến. Nghĩa là vừa có văn bản xin ý kiến, vừa có văn bản tham vấn chính sách nên khó bảo đảm tính độc lập và minh bạch.

Nhấn mạnh, tham vấn rộng hơn lấy ý kiến, ví dụ điện hạt nhân có thể tham vấn cả kinh nghiệm quốc tế, các chuyên gia hàng đầu về hạt nhân, thậm chí tham vấn đối với người dân nếu chính sách có tác động lớn…, đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm tham vấn, chú trọng bảo đảm tính độc lập, minh bạch, giúp ích cho các cơ quan xây dựng chính sách.

 ĐBQH Vũ Tuấn Anh (Phú Thọ) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Vũ Tuấn Anh (Phú Thọ) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Về hình thức tham vấn chính sách, nếu chỉ tham vấn bằng hình thức hội nghị là rất khó, đại biểu thẳng thắn, không phải lúc nào chuyên gia trong nước và quốc tế cũng có thể đến dự họp để tham vấn, trong thời đại công nghệ thông tin, nên linh hoạt hơn về hình thức, phương pháp tham vấn chính sách.

ĐBQH Vũ Tuấn Anh (Phú Thọ) cho rằng, đã tham vấn chính sách thì phải tham vấn các chuyên gia sẽ phù hợp hơn, thay vì tham vấn các cơ quan.

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/linh-hoat-ve-hinh-thuc-phuong-phap-tham-van-chinh-sach-post404257.html