Linh hồn của đá
Tôi sẽ vẫn nhớ về ngôi làng ấy, có khi sẽ còn trở lại bởi nhiều lẽ. Bây giờ tìm khắp các xó núi, hiếm hoi lắm mới gặp khu dân cư biệt lập như vậy.
Chẳng có đường giao thông, muốn vào bản phải đi thuyền rồi cuốc bộ cả giờ đồng hồ. Không có sóng điện thoại, cán bộ xã liên lạc với ban quản lý bản bằng thư tay. Cuộc sống cứ như hồi cuối thế kỷ 20. Thế mà khi vào bản thì quang quẻ, sạch sẽ. Cư dân nơi đây nhìn khách ghé thăm, thái độ như hàm ơn. “Cảm ơn các vị đã đến đây nhé. Quá lâu rồi bản chưa có khách”. Đại loại vậy.
Ở Huồi Pủng, tên ngôi làng của người Khơ Mú kia còn có những tập tục với tôi vừa quen, vừa lạ. Cư dân nơi đây sống dọc một con suối lớn. Tên bản lấy theo tên suối. Huồi là suối (tiếng Thái), pủng hay búng/ văng là vực nước, chỗ suối gặp nút cổ chai khiến phía thượng nguồn phình rộng thành bến tắm. Con suối lổm nhổm đá lớn đá bé. Dưới gốc cổ thụ cạnh suối có một miếu thờ dựng bằng tre nứa, gỗ tạm, mái lợp lá mà dân bản gọi là đền.
Loại đền này khá phổ biến ở những làng người Khơ Mú. Người ta làm đền để bày mâm cúng trong ngày bản làm lễ cúng để trỉa rẫy. Xong lễ thì bỏ bẵng. Chẳng bao lâu đền mục nát và dân làng sẽ phải làm lại đền mới vào lễ năm sau. Ngôi đền này cũng vậy nhưng cạnh gốc cây có tảng đá nằm lẫn trong đám lá mục, nhỏ nhoi và khiêm tốn. Người lạ sẽ chẳng để ý nhưng theo ông lão làm nghề thầy mo trong bản thì tảng đá là vật thiêng của cộng đồng. Năm thành lập bản, người ta rước “ngài” từ dưới suối lên đặt bên gốc cây rồi dựng đền và tảng đá cứ ở nguyên vậy suốt hàng chục năm qua. Cứ tháng sáu hoặc bảy hàng năm bản làm lễ cúng chuẩn bị trỉa rẫy, lễ diễn ra tại cái miếu thờ cạnh gốc cây.
Tảng đá được người ta gội rửa sạch sẽ, kỳ hết bụi rêu. Cúng thần rừng, thần cây, cúng luôn ma tảng đá. Thầy mo nói cây cối, rừng núi, khe suối đều có thần, có ma. Nhưng tảng đá là nơi ma bản, nơi linh hồn của người làng cư ngụ. Vậy là nơi đây ngoài thần đền, thần cổ thụ còn có ma tảng đá đang phù hộ cho cuộc sống con người.
Những ngôi đền bản dựng cạnh một gốc cổ thụ khá phổ biến ở người Khơ Mú và người Thái miền núi Nghệ An nhưng tục thờ đá thì chẳng còn phổ biến.
***
Cách đây gần 20 năm, tôi vào đại học. Lần đầu tiên tôi rời khỏi xứ núi của mình để đến Hà Nội. Hẳn rằng tôi sẽ lạ nước lạ cái, lạ suối, lạ sông nghĩa là lạ nước sinh hoạt. Lạ cả đồ ăn thức uống. Những cái “lạ” dễ khiến người ta sinh ốm vặt. Trước khi tôi khoác ba lô, vác chiếc hòm gỗ lên đường nhập học mẹ nhét cho một thứ khiến tôi không khỏi bất ngờ. Đó là một viên sỏi trắng chỉ lớn hơn trái trứng cút một chút.
Tôi toan bỏ ra nhưng mẹ bảo mang theo. Nó sẽ giúp con khỏi lạ nước. Khi đun nước tắm cứ cho viên sỏi vào ấm sẽ như tắm nước suối quê mình, không còn lo ốm. Đá là mẹ của đất, đất nuôi nấng hoa cỏ chim muông và cả con người. Sinh ra ở đâu sẽ quen với khí trời vùng đó. Mình không mang được khí trời, đất và cây cỏ đi thì mang theo viên sỏi cũng như mang theo đất đai khí trời. Một hòn sỏi cũng là một phần của miền đất này. Đá cũng có linh hồn như cây cối, sông suối. Ít khi mẹ nói ra những điều thâm sâu như thế.
Tôi cất kỹ viên sỏi nơi đáy hòm, chẳng cho mấy người bạn cùng phòng biết. Tôi nghĩ những người bạn mới khó có thể thấu hiểu được niềm tin của cộng đồng tôi rằng đá là mẹ của đất và cũng có linh hồn. Bạn ở cùng phòng ký túc của tôi hầu hết đều ở lân cận Hà Nội, cuối tuần họ thường về quê.
Chỉ cần ngồi lên xe buýt là về thẳng nhà, thật tiện. Chẳng như tôi phải giam mình trong những chiếc xe chật chội suốt 10 giờ đồng hồ, lại còn đi một chặng xe ôm nữa mới về đến bản. Mỗi cuối tuần, căn phòng hầu như chỉ còn lại mỗi mình tôi. Tôi đem viên sỏi nơi đáy hòm ra ngắm và như thấy được đồi núi, khe suối quê hương thêm gần gụi. Khi vắng người tôi thường đun nước tắm và không quên cho viên sỏi vào ấm như một việc làm bí mật. Tiếng hòn sỏi nảy lóc cóc trong nồi nước sôi nơi căn phòng vắng nghe thật buồn. Chằng rõ sức đề kháng tốt hay vì tác dụng của viên sỏi mà suốt những năm đại học tôi chẳng mấy khi ốm đau. Tôi thầm biết ơn những kinh nghiệm dân gian của mẹ.
Ra trường, công việc mới giúp tôi gắn bó hơn với làng bản và được đi đến nhiều nơi có các cộng đồng người thiểu số như tôi sinh sống. Tôi biết thêm những câu chuyện về đá nhiều khi mang sắc màu tâm linh. Ở bản tôi, mỗi khi ai đó mất đi, người ta vẫn chôn đá cạnh mộ bốn góc là mỗi hòn đá thon dài gọi là táng.
Tập tục đã có từ lâu, vì thế mà nhiều khi người ta phát rẫy bắt gặp những hòn đá dài cắm xuống mặt đất ngay ngắn theo phương thẳng đứng là biết dưới đất là chỗ nằm của người đã khuất để mà tránh động đến. Ngôi mộ đắp vội lâu ngày chẳng ai ngó ngàng thường nhanh chóng mục nát như những ngôi đền bản. Chỉ có đá táng là vẫn còn để người ta nhận ra phần mộ của ai đó.
Đôi khi những câu chuyện về đá lại mang sắc màu huyền thoại. Ở một đồng lúa cách làng tôi không xa có tảng đá lớn bằng chiếc chiếu, ngay gần dòng suối lớn nhất chảy qua làng. Truyền thuyết kể rằng tảng đá là chiếc ghế mà rồng dưới suối sâu vẫn thường hóa thân thành người lên ngồi thổi sáo. Người ta theo tiếng sáo tìm đến mà chẳng thấy ai. Có lẽ chú rồng thấy bóng người đã lặn xuống đáy nước. Cũng có thể tiếng sáo ấy là thứ âm thanh suối và gió núi hòa quyện vào nhau tạo ra để lừa mị thính giác con người.
Lại có câu chuyện về đá lãng mạn tựa cổ tích về những hòn vọng phu khá phổ biến trong dân gian hay như chuyện nàng Tô Thị. Cộng đồng người Thái đất Quế Phong là cư dân nông nghiệp. Làng bản dựa lưng vào núi non. Đồng lúa bao bọc bản làng, sang thu lúa xanh rồi chín vàng. Thi thoảng ta bắt gặp một tảng đá nhô lên giữa những thửa ruộng bậc thang ven bản. Người ta gọi đó là hòn ngóng nhau. Những câu chuyện được thêu dệt theo motif quen thuộc rằng tảng đá đầu bản là nơi trai gái chiều về thường ra đứng ngóng người yêu. Trai bản đứng đầu chóp phiến đá ngóng về phía con đường vắt qua các đám ruộng. Chiều xuống, gái bản đi làm ruộng về kiểu gì cũng chẳng thoát khỏi tầm mắt. Các chàng sẽ nhắm cô nào vừa xinh đẹp lại chăm làm, tối đến sẽ đốt đuốc đến nhà tìm hiểu. Con gái đứng chờ một người trai phương xa đã có hẹn từ trước trong nỗi ngóng mong thầm kín.
***
Từ câu chuyện hòn sỏi trong đáy hòm gỗ ngày nào tôi đã viết thành một câu truyện hư cấu. Một người nghiên cứu văn hóa bản địa đọc được có gọi nói chuyện về tục thờ đá. Ông cho rằng thờ đá là tập tục nguyên thủy của người Đông Nam Á. Tôi chẳng rõ điều này mà chỉ biết rằng từ nhỏ đá suối, đá núi đã gắn bó với tôi và những đứa trẻ trong cộng đồng sinh ra trước và cả sau tôi nữa. Chúng tôi rủ nhau ra suối nhặt từng viên đá mỏng dẹt phóng cho chúng nhảy loi choi trên mặt nước mà cười thích thú. Trò chơi tuổi thơ của tôi 30 năm về trước nay trẻ em vẫn còn chơi. Đá núi, đá suối thân thuộc với tôi như khí trời, rừng sâu đến nỗi chẳng còn ý niệm nào về mối tương quan giữa người và đá. Bình thường như người ta hít khí trời vậy.
Bên ngôi đền cạnh gốc cổ thụ nơi bản xa, tôi nghĩ về hòn sỏi nhỏ của mẹ trao cho gần 20 năm về trước và tự hỏi liệu đá suối, đá núi thực sự có linh hồn? Có lẽ hồn người đã hòa quyện vào đó mà hóa linh hồn của đá.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/linh-hon-cua-da-10287966.html