Linh thiêng khói tỏa Đền Hùng
Tôi mải miết đi trên gần năm trăm bậc đá, từ Đền Hạ, lên Đền Trung, Đền Thượng rồi xuống Đền Giếng, cảm giác lâng lâng khi nghĩ về công lao dựng nước của tiền nhân

Người dân đi dâng hương, chiêm bái Đền Giếng trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Ảnh: VĂN TUẤN
Hương mùa xuân dìu dịu vương khắp khu vườn nhỏ, chạnh lòng tới câu thơ năm nào anh tặng tôi. “Tháng Ba riêng mỗi miền quê/ Hoa xoan tím một đường về Hội chung/ Linh thiêng khói tỏa Đền Hùng/ Đợi nhau nên đứng trập trùng dáng voi…”.
Cây xoan ngoài Bắc, trong Nam gọi là cây sầu đâu. Cứ tới tháng ba hằng năm là hoa nở, rụng tím lối đi trong góc vườn. Hồi mới quen nhau, cũng dịp tháng ba, sầu đâu nở bâng khuâng như ánh mắt mơ mộng của người con gái miền Nam đang ấp ủ một nỗi nhớ về miền xa ngái. Anh rủ tôi ra dự Lễ hội Đền Hùng và gửi tặng tôi bài thơ ấy. Những ước mơ được bay xa, thôi thúc lòng tôi để dẫn đến quyết định ra thăm Đền Hùng. Song một chút e ngại, giữ gìn theo nền nếp gia phong, đã níu chân tôi lại. Cho mãi đến ba năm sau, tôi mới thỏa nguyện với miền Đất Tổ, để có một cuộc hành hương với nhiều mục đích. Vừa thăm viếng mùa lễ hội tháng ba, vừa ra mắt gia đình nhà chồng tương lai.
Bố mẹ anh là người hiền lành, chất phác, như một nét điển hình của người nông dân miền trung du, giản đơn mà đẹp như khung cảnh rừng cọ, đồi chè. Bà nội anh đã ngoài chín mươi, vẫn khỏe khoắn với hàm răng đen nhức và chiếc khăn mỏ quạ trên đầu. “Làm dâu xứ Bắc, khổ đấy con ạ! Cố lên nhé!”. Trong lòng tôi chợt ấm áp lạ thường. Thương anh, tôi đâu có quản ngại đường xa và mùa đông lạnh cắt da, cắt thịt.
Anh dẫn tôi trèo lên ngọn núi sau nhà, có hình giống một con voi. Lên tới đỉnh núi, chỉ tay về hướng Nam, anh bảo đỉnh núi mờ xanh và sương khói vây phủ kia, chính là núi Nghĩa Lĩnh, có Đền Hùng ở trên ấy.
Chúng tôi cùng tìm đếm những quả đồi có hình dáng voi phục, ở xung quanh Đền Hùng. Truyền thuyết về một trăm con voi nằm chầu về núi Nghĩa Lĩnh, thế hệ tôi được biết qua bài học lịch sử, hôm nay hiển hiện ngay trước mắt. Có những điều kỳ diệu mà ta không thể lường trước được. Ví dụ như chúng tôi đang đứng trên lưng con voi thứ một trăm, mà truyền thuyết về một lưỡi gươm oan nghiệt bị công chúa Bầu, con gái vua Hùng chém ngang cổ. Cái án nghi không chịu quay đầu về phía Đền Hùng, mà nằm hướng lên phía Bắc, vết thương mấy ngàn năm còn rỉ máu, còn đọng đầy trên hai con mắt voi, vốn là hai giếng nước trên sườn núi không bao giờ cạn.
Hai bên đường từ quốc lộ 2 dẫn vào Đền Hùng, rụng tím những cánh hoa xoan mỏng manh, y như câu thơ anh gửi tặng. Người, xe chen chân, tấp nập, càng gần cổng chính càng đông hơn, có lúc cảm giác mình đang trôi đi theo dòng người từ muôn phương đổ về. Anh giải thích cho tôi biết, bốn chữ đại tự trên cổng đền là "Cao sơn cảnh hành" có thể hiểu là đi trên núi cao, đường lớn. Còn tôi, mải miết trên gần năm trăm bậc đá, từ Đền Hạ, lên Đền Trung, Đền Thượng rồi xuống Đền Giếng, cảm giác lâng lâng khi nghĩ về công lao dựng nước của tiền nhân.
Qua khu giếng Rồng, bước chân tự nhiên chậm lại, ước muốn có được một chai nước từ giếng cổ đem về. Tương truyền, công chúa Ngọc Dung con vua Hùng thứ 18 thường hay ra đây soi bóng, gội đầu. Phụ nữ nào được gội đầu bằng nước giếng cổ, tóc sẽ dài và óng mượt. Tôi cũng muốn mái tóc của mình dài thêm, đen nhánh, để những sợi tóc dài cột chặt tình yêu của anh.
Giã hội, chúng tôi chia tay nhau tại ga tàu lửa Tiên Kiên ngay gần Đền Hùng. Tôi hỏi anh, có cách nào để giải oan cho con voi thứ một trăm ở sau nhà mình. Nó nằm quay lên phương Bắc, là ý thức muốn bảo vệ phên giậu nước nhà, trong khi 99 con voi kia cùng trăm họ vui lễ hội? Anh nói những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở đây đã và đang có những bài viết về vấn đề này, để minh oan cho con voi trung nghĩa. Chuyện đó chờ đến khi nào tôi về làm dâu Đất Tổ, chắc sẽ được làm rõ.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/linh-thieng-khoi-toa-den-hung-408526.html