Phủ Na hay còn gọi là Na Sơn động phủ thuộc xã Xuân Du, huyện Như Thanh. Khi tín ngưỡng của đạo Mẫu - Liễu Hạnh du nhập về Xuân Du thì tại đây đã có tín ngưỡng thờ Tản Viên, mẹ Âu Cơ và Chúa Cửa rừng (chúa Thượng ngàn). Vì vậy, tín ngưỡng thờ Mẫu đã hòa phối cùng tín ngưỡng của người Mường cùng tồn tại, phát triển, được thể hiện ở hệ thống thờ tại Phủ Na.
Nơi đây còn được biết đến là vùng đất linh thiêng - nơi nữ Anh hùng Triệu Thị Trinh dấy binh đánh quân xâm lược Đông Ngô (năm 248). Tại đây, bà đã dừng chân để chiêu mộ binh lính, tập kết quân lương, luyện tập nghĩa sỹ, luận bàn kế sách hành quân đánh giặc.
Ngay từ sáng sớm, đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương đã có mặt.
Với nhiều sắc thái của các dân tộc khác nhau.
Họ về với Lễ hội với một tâm tưởng thành kính và trang nghiêm cùng mong ước chân thành, giản dị là được Mẹ ban phước cho Quốc thái, dân an, cho nhân khang, vật thịnh; để Mẹ che chở cho cuộc sống an lành, hạnh phúc...
Đồng thời, tưởng nhớ công lao to lớn của cha ông ta đã xả thân chống giặc ngoại xâm, giành lại giang sơn, xã tắc.
Sau tiếng trống khai hội của ông Đặng Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Như Thanh...
...là lễ phóng sinh.
Cùng nhiều tiết mục văn nghệ độc đáo, đặc sắc như đánh cồng chiêng...
múa rồng, múa lân...
Đến với Phủ Na, ngoài những lễ hội độc đáo, du khách còn được hòa mình vào phong cảnh hữu tình với hệ thống đền, miếu quy tụ dưới thung lũng chân núi ngàn Nưa hoang sơ, mộc mạc. Nhưng nổi bật, bao trùm lên tất cả là nghi thức thờ mẫu: Mẫu Thượng Ngàn - Bà Triệu - Công chúa Liễu Hạnh.
Na Sơn là đỉnh núi cao nhất trong dãy núi Nưa, điều đặc biệt là từ trên đỉnh núi cao 550m có một mạch nước ngầm tuôn trào trong vắt chảy suốt ngày đêm. Du khách đến dâng hương và vãn cảnh thường lấy nước mang về để cầu may.
Dưới chân mạch nước ngầm, cạnh vách núi là đền thờ Chúa Thượng và đền thờ Cô Chín.
Đây là nơi có phong cảnh hữu tình, có khe suối, có rừng thông hàng chục năm tuổi, có căn cứ cách mạng trong những năm kháng chiến… đã tạo nên một Na Sơn động phủ làm say đắm lòng người.
Phủ Na không chỉ là điểm đến tâm linh hấp dẫn mà còn là nơi thưởng ngoạn các cảnh quan sinh thái với hệ thống núi non trùng điệp.
Phủ Na được xây dựng năm 1909 theo kiến trúc thời Nguyễn, nằm ở chân dãy núi Nưa. Năm 1993, được công nhận là Di tích lịch sử và thắng cảnh cấp Quốc gia. Và năm 2010, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu Di tích lịch sử và thắng cảnh Phủ Na với diện tích 70 ha.
Hằng năm, Lễ hội đền Phủ Na sẽ kéo dài trong suốt tháng 1, tháng 2 và tháng 8 âm lịch.
Hoài Thu – Hoàng Đông