Livestream bán hàng: Cơ hội doanh thu lớn, nhưng vướng rủi ro 'bỗng dưng nợ thuế'

Livestream bán hàng đã trở thành một xu hướng hot trên các nền tảng mạng xã hội, thương mại điện tử, thu hút hàng triệu người xem và tạo ra doanh thu khổng lồ. Tuy nhiên, nhiều người bán hàng trên sàn thương mại điện tử vẫn chưa hiểu hết về nghĩa vụ thuế…

Bán hàng từ các hoạt động livestream trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử đang ngày càng phổ biến. Ảnh: Internet

Bán hàng từ các hoạt động livestream trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử đang ngày càng phổ biến. Ảnh: Internet

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử (VECOM), cho biết thương mại điện tử, đặc biệt sau đợt dịch Covid-19, đã phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, thương mại điện tử đã có nhiều chuyển đổi. Theo đó, Facebook Reel, TikTok Shop, Instagram và tất cả các nền tảng thương mại điện tử hiện nay đều đang phát triển và thay đổi từng ngày.

Theo ông Dũng, thương mại điện tử giờ đây không chỉ đơn giản là việc đưa hàng hóa, sản phẩm lên các sàn và bán hàng, mà đã phát triển sang nhiều hình thức nội dung số khác nhau, nổi bật nhất hiện nay là mua bán hàng thông qua các video livestream.

TRỐN THUẾ, NỢ THUẾ VÌ KHÔNG BIẾT CÁCH NỘP THUẾ

Trao đổi bên lề Tọa đàm “Kiểm soát rủi ro về thuế khi kinh doanh thương mại điện tử” do Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) phối hợp với Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Công ty Cổ phần MISA (MISA) tổ chức sáng 2/8, ông Nguyễn Ngọc Dũng cho biết: “Hiện tại, có nhiều KOL và KOC rất nổi tiếng tham gia vào hình thức bán hàng bằng livestream. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều người bán hàng livestream ngay tại các khu chợ hoặc vườn nhà".

"Họ thực hiện việc bán hàng một cách rất bình dân, nhưng lại tiêu thụ hàng hóa rất tốt. Những người này thường không biết cách đóng thuế sao cho hợp lý nhất”, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử nói.

“Đây là thực tế. Thậm chí, tôi nghĩ rằng cơ quan thuế ở các địa phương cũng chưa nắm rõ và hiểu hết cách thức làm sao để những người kinh doanh cá nhân này có thể nộp thuế một cách hiệu quả”, ông Nguyễn Ngọc Dũng nói. “Họ không biết liệu mình có nợ thuế hay không, và nhiều người cũng rất bất ngờ khi ra sân bay thì được thông báo đang nợ thuế và không thể xuất cảnh, dù số thuế nợ không lớn. Đây là thực tế mà chúng ta cần quan tâm”.

Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử cho rằng nhiều người không nộp thuế vì không biết phải nộp như thế nào. Tuy nhiên, đối với cơ quan thuế, những người này vẫn bị xem là không hoàn thành nghĩa vụ thuế, mặc dù họ không cố tình trốn thuế mà chỉ vì họ không biết cách thức thực hiện.

Chính vì vậy, các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên sàn thương mại điện tử rất cần những kiến thức về thuế, ngay cả việc khai thuế khoán nếu khai không đúng, cũng có thể bị xem là lách thuế và bị xác định là trốn thuế, dẫn đến việc bị phạt. “Đây là những câu chuyện mà chỉ khi kinh doanh trực tiếp, đụng trực tiếp, chúng ta mới hiểu rõ”, ông Dũng nói.

Theo đó, cá nhân, hộ kinh doanh cần biết loại hình kinh doanh nào phù hợp và có nên mở doanh nghiệp hay không. Khi doanh số đạt đến mức nào thì áp dụng thuế khoán, và khi nào thì áp dụng thuế kê khai. Theo ông, có rất nhiều thực tế khi hoạt động trên các nền tảng quốc tế về nội dung số mà cơ quan thuế cần đưa ra quy định và ban hành các quy định về thu thuế.

Thương mại điện tử rất đa dạng, bao gồm nhiều hoạt động mà trước đây chúng ta chỉ nghĩ đến việc bán hàng. Hiện nay, bán hàng không chỉ diễn ra trên các nền tảng số mà còn trong các hoạt động giải trí.

"Trong một phiên livestream, có bao nhiêu người chốt đơn và phải thực hiện việc xuất hóa đơn? Và những người thực hiện các phiên livestream, làm việc hàng chục tiếng đồng hồ để bán hàng nhận thu nhập như thế nào, họ đóng thuế ra sao? Đây là những câu chuyện thực tế cần được bàn luận”, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử nhấn mạnh.

Vừa qua, Tổng cục Thuế cũng đã yêu cầu các cơ quan thuế tỉnh rà soát và kiểm tra đồng bộ, toàn diện việc kê khai và nộp thuế của các tổ chức, hộ kinh doanh, và cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử và tiếp thị liên kết. Mục tiêu là hỗ trợ các đơn vị, hộ kinh doanh, và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của Tổng cục Thuế.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA, hiện nay Bộ Tài chính, Tổng cục thuế đã quyết liệt chỉ đạo Cục thuế các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý thuế, Thanh tra kiểm tra theo phương thức quản lý rủi ro, trong đó có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Số tiền thuế mà đặc biệt là Cục thuế Hà Nội và TP.HCM đã truy thu và tiền phạt của các tổ chức cá nhân kinh doanh thương mại điện tử lên đến hàng trăm tỷ đồng.

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ ĐỂ GIẢI BÀI TOÁN “TRỐN, NỢ THUẾ BẤT ĐẮC DĨ”

Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, Phó Tổng Giám đốc thường trực MISA, ông Lê Hồng Quang, cho rằng: “Xu thế thương mại điện tử là một xu thế mà chúng ta không thể đứng ngoài. Những người làm kinh doanh, kể cả cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, đều phải cập nhật và thay đổi các hình thức bán hàng”.

Trong thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thuế đã tăng cường các biện pháp quản lý và tuyên truyền cho người kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Ông Lê Hồng Quang cho rằng hiện nay, người kinh doanh thương mại điện tử đang gặp phải một số khó khăn liên quan đến thực hiện nghĩa vụ thuế.

Không phải họ không muốn nộp thuế, mà họ không biết cách nộp thuế như thế nào và hình thức thực hiện ra sao để tuân thủ quy định”, ông Quang nói.

Công nghệ số được xem là một giải pháp hỗ trợ người bán hàng thực hiện các nghĩa vụ thuế, để họ không rơi vào tình thế “bỗng dưng nợ thuế”. Ông Quang cho biết MISA đã ứng dụng công nghệ, xây dựng nền tảng kế toán dịch vụ, giúp người bán hàng vốn luôn tập trung vào công tác kinh doanh nhưng không có nghiệp vụ sâu về thuế và kế toán, hỗ trợ họ thực hiện nghĩa vụ thuế một cách hiệu quả.

Theo chia sẻ của ông Quang, nền tảng của MISA được kết nối với các sàn thương mại điện tử. Khi người kinh doanh bán hàng trên sàn thương mại điện tử hoặc bất kỳ kênh nào, kể cả offline, hệ thống sẽ tổng hợp và hợp nhất dữ liệu, giúp hộ kinh doanh tính toán doanh thu, tồn kho và quản lý tốt hoạt động kinh doanh.

Thông tin về các hoạt động truy thu thuế kinh doanh thương mại điện tử, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA, cho biết ngoài hai Cục Thuế lớn tại Hà Nội và TP.HCM, các địa phương khác cũng đang tăng cường công tác thu, truy thu và xử phạt liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục Thuế TP.HCM đã rà soát 7.134 doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử. Qua đó, họ đã đôn đốc và hỗ trợ kê khai, nộp thuế với tổng số tiền đạt 1.298 tỷ đồng. Đồng thời, 1.318 trường hợp đã bị xử lý truy thu và xử phạt, với tổng số tiền hơn 72 tỷ đồng.

Theo bà Cúc, để thực hiện nghĩa vụ thuế cho hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, bao gồm livestream, các quy định thuế đã được áp dụng cụ thể. Đặc biệt, đối với đối tượng là các cá nhân livestream bán hàng, nếu cá nhân đăng ký nộp thuế theo hình thức hộ cá nhân kinh doanh, thì nộp thuế 7% trên hoa hồng nhận được từ nhãn hàng (bao gồm 5% GTGT và 2% thuế thu nhập cá nhân - TNCN).

Nếu cá nhân không đăng ký kinh doanh và được coi là làm thuê cho nhãn hàng, thì nộp thuế thu nhập cá nhân theo biểu thuế lũy tiến từng phần, từ 5% đến 35%. Trong trường hợp này, nhãn hàng sẽ tạm khấu trừ thuế 10% trên hoa hồng trước khi chi trả cho cá nhân và nộp vào ngân sách nhà nước. Cá nhân có trách nhiệm tự khai và quyết toán thuế năm với cơ quan thuế.

Bảo Bình

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/livestream-ban-hang-co-hoi-doanh-thu-lon-nhung-vuong-rui-ro-bong-dung-no-thue.htm