Livestream hút lợi nhuận tiền tỉ mỗi ngày, quản lý thế nào?

Trước những khoản lợi nhuận khổng lồ là hàng chục tỉ đồng, thậm chí cả trăm tỉ đồng mà các phiên livestream thu được, nhiều người đặt câu hỏi về công tác quản lý thuế đối với hình thức bán hàng này.

Siết chặt quản lý thuế

Trước đó, Một Thế Giới đã có bài viết "Livestream hút lợi nhuận tiền tỉ, 'cơn sốt' trong thương mại điện tử" phản ánh hình thức bán hàng thông qua livestream đã thay đổi thói quen tiêu dùng và đạt doanh thu cao, tạo ra "cơn sốt" đặc biệt trong bức tranh thương mại điện tử hiện nay.

Tuy nhiên, vấn đề được dư luận quan tâm với hình thức bán hàng online là bên cạnh vấn đề nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, thì công tác quản lý thuế đối với hình thức bán hàng này như thế nào, làm sao để chống thất thu thuế với các cá nhân hoặc tổ chức bán hàng qua livestream.

Tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày có khoảng 70.000 đến 80.000 phiên livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Theo thống kê, năm 2023, tại Việt Nam có 2,2 tỉ sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu cả nước, gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop, tăng 52,3% so với 2022. Dự kiến trong năm 2024, doanh thu và sản lượng bán ra ở các nền tảng trực tuyến có thể đạt hơn 310.000 tỉ đồng, tăng 35% so với năm ngoái.

Thời gian gần đây, xuất hiện những phiên livestream có thể gặt hái doanh số hàng triệu USD trong vài tiếng đồng hồ. Nhiều mặt hàng bán trong phiên livestream có giá thấp hơn nhiều so với giá bán tại đại lý, cửa hàng nên thu hút lượng khách hàng lớn trên một số nền tảng mua sắm trực tuyến lớn như: TikTok, Shopee... Từ đó, những kỷ lục mới về doanh số của những "chiến thần" livestream liên tiếp được ghi nhận.

Đơn cử, sau khi đạt doanh thu "chấn động" 100 tỉ đồng, một tài khoản TikTok nổi tiếng đặt mục tiêu doanh số trong phiên livestream ngày 5.6 đến 150 tỉ đồng và hứa hẹn tặng quà khủng như ô tô, 100 máy tính bảng cho khách hàng đăng ký sự kiện và tham gia phiên bán hàng.

Dù khó có thể xác nhận doanh số hàng triệu USD là thật hay ảo, bởi doanh số này tính cả số hủy đơn, tức là kể cả có người ảo đặt đơn rồi hủy thì cũng được tính vào doanh số, song những phiên livestream này khiến dư luận ngỡ ngàng và đặt vấn đề về quản lý thuế trong lĩnh vực này.

Một trang livestream bán quần áo - Ảnh chụp màn hình

Một trang livestream bán quần áo - Ảnh chụp màn hình

Trao đổi với Một Thế Giới về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc quản lý kinh doanh bán hàng online thông qua hình thức này rất phức tạp vì hoạt động bán hàng trên môi trường thương mại điện tử, livestream đang "biến hóa khôn lường", việc quản lý hoạt động này thực sự khó khăn.

"Livestream bán hàng được thực hiện trên nhiều trang mạng điện tử với những tên khác nhau. Sau khi kết thúc thời gian livestream thì họ có thể xóa link và xóa cuộc livestream đó. Vậy cơ quan quản lý không biết họ là ai nữa. Đây cũng không phải là các sàn thương mại điện tử mà nhà mạng có thể dễ dàng quản lý", ông Thịnh nói.

Để quản lý thuế đối với thương mại điện tử, vị chuyên gia này cho rằng rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong giai đoạn hiện nay nhằm tránh thất thu thuế và đảm bảo chất lượng hàng hóa cho người tiêu dùng. Với sự phối hợp giữa nhà mạng, các sàn thương mại điện tử, trên cơ sở đó, cơ quan thuế, Bộ Công Thương, Bộ Công an sẽ làm việc để truy cập, tìm ra được người bán hàng thực sự và tùy theo mức độ để xử lý.

"Bên cạnh đó cũng kết hợp với ngân hàng trong việc chuyển tiền vào tài khoản những người kinh doanh online. Cùng với đó là kết hợp với nhà vận chuyển, shipper nhận tiền trực tiếp thì chúng ta dần có được một kho dữ liệu về những người kinh doanh", ông Thịnh nói.

Trong khi đó, theo quan điểm của bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ thuế trong quy trình bao gồm cả nhãn hàng, sàn thương mại điện tử, cá nhân livestream, đơn vị vận chuyển. Những cá nhân trực tiếp livestream trên nền tảng thương mại điện tử thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Nếu cá nhân đó không đăng ký kinh doanh hộ mà chỉ có bán hàng hưởng hoa hồng cho nhãn hàng thì sẽ nộp thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần, họ được giảm trừ gia cảnh và nhãn hàng sẽ trừ đi 10%. Còn lại đối với những cá nhân đăng ký hộ cá nhân kinh doanh thì sẽ nộp thuế 7%.

"Với những cá nhân bán hàng qua livestream trực tiếp trên trang cá nhân không qua nền tảng thương mại điện tử, ví dụ họ mua hàng và thực hiện bán hàng online trên tài khoản Facebook thì họ sẽ phải nộp thuế trực tiếp", bà Cúc cho hay.

Tổng cục Thuế mới đây đã ban hành công điện yêu cầu cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Cục thuế Doanh nghiệp lớn quyết liệt triển khai hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.

Trong đó, yêu cầu rà soát, kiểm tra đồng bộ, toàn diện việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử của các tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, tiếp thị liên kết, cung cấp các sản phẩm nội dung thông tin số và nhận thu nhập từ hoạt động quảng cáo, cung cấp phần mềm, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân kinh doanh online, bán hàng hóa, dịch vụ qua livestream.

Thông báo livestream trên mạng xã hội - Ảnh chụp màn hình

Thông báo livestream trên mạng xã hội - Ảnh chụp màn hình

Quản lý theo hai sắc thuế

Tổng cục Thuế cho biết đã có dữ liệu dữ liệu của hơn 900 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; dữ liệu về tài khoản thanh toán của trên 121 triệu cá nhân tại gần 100 ngân hàng thương mại. Do đó, việc tính đúng, đủ, tránh thất thu ngân sách đã cơ bản được thực hiện hiệu quả. Cơ quan thuế cũng thay đổi phương thức quản lý thuế để tăng thu ngân sách từ lĩnh vực đầy tiềm năng này.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, đối với hoạt động thương mại điện tử nói chung hay hoạt động livestream bán hàng trên mạng đang được quản lý và giám sát theo hai sắc thuế.

Thứ nhất, nếu là cá nhân thực hiện hoạt động này, có phát sinh doanh thu và phát sinh thu nhập thì sẽ phải chịu thuế đối với thu nhập của bản thân mình và cá nhân sẽ được điều chỉnh bởi Luật Thuế thu nhập cá nhân. Bộ Tài chính thực hiện quản lý thuế và thu thuế đối với các hoạt động trên theo sắc thuế này.

Theo quy định của pháp luật thuế hiện hành, cá nhân có thu nhập từ tiền hoa hồng môi giới; tiền dịch vụ quảng cáo; tiền dịch vụ khác, thù lao khác... được xác định là thu nhập từ tiền lương, tiền công.

Theo mức thuế suất tăng dần này, người có phần thu nhập tính thuế ở mức nào sẽ nộp thuế tương ứng với thuế suất ở mức đó. Thuế suất cao nhất 35% áp dụng cho cá nhân có thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng.

Thứ hai, đối với trường hợp các hộ kinh doanh gia đình thực hiện các hoạt động bán hàng này và có phát sinh doanh thu, Bộ Tài chính thực hiện quản lý và thu thuế theo quy định liên quan đến quản lý đối với hộ kinh doanh.

Nếu hộ khoán thì nằm trong mức khoán thu thuế, nếu hộ có kê khai thì thực hiện theo hoạt động kê khai về thuế. Trường hợp này, hộ kinh doanh khai nộp thuế theo mức thuế 7%, gồm 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân.

Bài và ảnh: Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/livestream-hut-loi-nhuan-tien-ti-moi-ngay-quan-ly-the-nao-222095.html