Hồ Trị An có diện tích 323 km2, được xây dựng từ năm 1984, đến năm 1987 thì hoàn thành. Ngoài chức năng cấp nước cho Nhà máy thủy điện Trị An, hồ còn cung cấp lượng lớn nước sinh hoạt cho các tỉnh miền Đông Nam bộ. Để phục vụ xây dựng hồ, hàng ngàn ha rừng tại đây đã bị giải tỏa từ những năm 80 của thế kỷ trước.
Những cây rừng bị chặt hạ từ hàng chục năm trước, chỉ còn phần gốc nằm sâu dưới lòng hồ Trị An. Do mực nước tại hồ xuống thấp, hàng ngàn gốc cây, dấu tích của khu rừng xưa phải "hy sinh" để nhường chỗ làm hồ Trị An bất ngờ lộ diện, nằm trơ trọi giữa mặt đất bao la.
Một khu vực rộng lớn có cỏ mọc xanh rì, bao quanh hàng trăm gốc cây tạo nên khung cảnh hoang sơ, đẹp đẽ nhưng cũng khiến không ít người nuối tiếc khi tưởng nhớ lại những cánh rừng năm xưa bị giải tỏa.
Một gốc cây nằm giữa lòng hồ lộ diện sau khi mực nước xuống thấp.
Những vỏ ốc bám chi chít vào một gốc cây vốn nằm sâu dưới nước.
Theo Công ty Thủy điện Trị An, lượng nước tại hồ Trị An năm nay giảm sâu đến gần mực nước chết của hồ (50m). Đây là mực nước thấp nhất ghi nhận trong gần 13 năm qua.
Mực nước xuống thấp khiến hàng trăm ha đất thuộc khu vực bán ngập của lòng hồ Trị An lộ ra. Người dân thậm chí có thể chạy xe máy ra xa giữa lòng hồ. Thỉnh thoảng sẽ bắt gặp một số vũng nước đọng.
Vài lạch nước nhỏ còn sót lại giữa lòng hồ.
Thực tế cho thấy, việc khai thác thủy điện Trị An đã giúp tạo ra nguồn điện vô cùng lớn để phát triển kinh tế đất nước, phục vụ nhu cầu đời sống của người dân. Tuy nhiên đi cùng với đó cũng là một diện tích lớn rừng tự nhiên bị biến mất.
Vị trí những gốc cây lộ diện nằm cách bờ hồ hơn 1km (so với khi nước ngập). Nơi này thuộc khu vực tiếp giáp giữa xã Mã Đà và xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Nguyễn An Bình