Lỗ hổng để 9 doanh nhân rởm trốn lại Hàn Quốc khi đi với đoàn lãnh đạo
Một trong số những nguyên nhân xảy ra vụ án là Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa xây dựng quy trình, thủ tục thẩm định doanh nghiệp tháp tùng lãnh đạo đi làm việc ở nước ngoài.
Trong cáo trạng vụ tổ chức cho 9 người trốn lại Hàn Quốc khi đi cùng đoàn doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch Quốc hội hồi tháng 12/2018, VKSND Hà Nội truy tố Lê Thị Liễu (Giám đốc Công ty cổ phần GVA) và 7 bị can khác.
Kết quả điều tra xác định một trong những nguyên nhân xảy ra vụ án là Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chưa lập quy trình thẩm định doanh nghiệp tham gia đoàn tháp tùng lãnh đạo đi làm việc ở nước ngoài.
Qua mặt ban tổ chức
Theo cáo buộc, tháng 8/2018, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đề nghị Bộ KH&ĐT chủ trì tổ chức cho đoàn lãnh đạo đi công tác Hàn Quốc. Để thực hiện, Bộ phát thư mời và biểu mẫu để các doanh nghiệp có nhu cầu tháp tùng đi cùng đoàn làm thủ tục đăng ký, gửi qua email.
Ban tổ chức cho phép doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đầu tư, thương mại được đăng ký. Hồ sơ để cấp visa gồm giấy tờ tùy thân, chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với chủ doanh nghiệp, nếu là nhân viên thì cần hợp đồng lao động, giấy cử công tác,...
Sau khi được phê duyệt, doanh nghiệp đăng ký với công ty du lịch để lo công tác hậu cần cho chuyến đi và làm visa cho các đơn vị tham gia.
Nắm thông tin về chuyến đi trên, Lê Thị Liễu câu kết cùng Trịnh Bang Dũng, Ngô Xuân Hiếu, Lê Thị Xuân và Nguyễn Thị Lương lên kế hoạch tổ chức cho 4 lao động đội lốt doanh nhân để đi cùng đoàn tháp tùng sang Hàn Quốc rồi trốn lại nước này.
VKS xác định sau khi thỏa thuận để nhóm của Dũng tìm kiếm các lao động đưa sang Hàn Quốc, Liễu lên Internet tìm mua những doanh nghiệp rao bán bằng hình thức chuyển nhượng. Mục đích để gán tên lãnh đạo, nhân viên các công ty này cho những lao động muốn xuất cảnh.
Ngoài ra, Liễu quen Lý Thái Hưng (Giám đốc Công ty Hưng Cúc) nên nhờ người này giúp Dương Quang Hùng (một trong bốn người cần xuất cảnh) trở thành nhân viên của công ty. Ba lao động khác cũng được Liễu gán tên vào làm giám đốc, phó giám đốc hoặc trợ lý giám đốc của các doanh nghiệp bà ta mua lại.
Tháng 9/2018, sau khi tạo vỏ bọc doanh nhân cho 4 lao động, Liễu chỉ đạo nhân viên Công ty GVA căn cứ hướng dẫn của Bộ KH&ĐT để gửi hồ sơ đăng ký đoàn doanh nghiệp tháp tùng. Liễu tham gia với tư cách giám đốc GVA. Còn 4 trường hợp xuất khẩu lao động đội lốt các sếp doanh nghiệp để tuồn hồ sơ xin visa.
Khi các bộ hồ sơ giả mạo này được ban tổ chức phê duyệt, Liễu ký hợp đồng trị giá gần 140 triệu đồng với công ty du lịch theo đúng chỉ dẫn của Bộ KH&ĐT.
Để tránh bị phát hiện, Liễu hướng dẫn nhóm doanh nhân rởm mặc trang phục lịch sự, học thuộc thông tin các công ty liên quan. Khi đến Hàn Quốc, các lao động vờ đi gặp đối tác hoặc đi mua sắm để lấy lại hộ chiếu do ban tổ chức quản lý. Sau đó, nhóm này tách đoàn rồi trốn lại.
Khoảng 3 tháng sau khi ban tổ chức duyệt các hồ sơ rởm, 4 doanh nhân giả mạo đã được cấp visa. Để hoàn tất việc xuất cảnh, Liễu cùng đồng bọn thu 42.000 USD của các lao động. Dũng và nhóm môi giới đã chuyển cho Liễu 30.000 USD qua dịch vụ chuyển tiền ở hiệu vàng tại TP Vinh, Nghệ An.
Ngày 4/12/2018, Liễu cùng 3 lao động ngồi cùng chuyên cơ với đoàn doanh nghiệp và lãnh đạo. Riêng Hùng xuất cảnh trên máy bay thương mại. Theo hướng dẫn của Liễu, 2 người đã lấy được hộ chiếu từ ban tổ chức sẽ tách đoàn và trốn lại Hàn Quốc. Riêng Nguyễn Đình Cơ bị ban tổ chức phát hiện nên sau đó trở về Việt Nam cùng đoàn. Còn Dương Quang Hùng đi máy bay thương mại nên chưa về nước.
Không biết bị kẻ gian lợi dụng
Ngoài 4 trường hợp trên, VKS xác định Trần Thị Tuyết (cựu cán bộ Tạp chí Kinh tế và Dự báo của Bộ KH&ĐT) cũng dùng thủ đoạn gán mác doanh nhân cho người khác để tổ chức cho 2 cá nhân đi cùng đoàn doanh nghiệp rồi trốn lại Hàn Quốc.
Cơ quan điều tra xác định có 9 người trong đoàn doanh nghiệp trốn lại nước này nhưng cảnh sát mới làm rõ 6 trường hợp. Hiện, 4 người đã bị trục xuất về Việt Nam, 2 người vẫn còn lẩn trốn.
Đối với các cá nhân thuộc Bộ KH&ĐT, Cục Đầu tư nước ngoài, Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc và công ty du lịch có liên quan, cáo trạng nêu các đơn vị này được Văn phòng Quốc hội giao chủ trì, phối hợp tổ chức đoàn doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch Quốc hội đi Hàn Quốc. Khi làm nhiệm vụ, ban tổ chức không biết các bị can lợi dụng kế hoạch tháp tùng để tổ chức cho lao động trốn lại nước này.
Theo VKS, không có quy định cụ thể về việc tổ chức cho đoàn doanh nghiệp tháp tùng lãnh đạo đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, kết quả điều tra xác định một trong số nguyên nhân xảy ra vụ án do Bộ KH&ĐT chưa xây dựng quy trình, thủ tục thẩm định doanh nghiệp tham gia.
Ngày 5/6/2020, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã có công văn thông báo gửi Văn phòng Quốc hội cùng Bộ KH&ĐT để khắc phục những thiếu sót trên.
Đối với nhiều doanh nghiệp, cá nhân liên quan việc ngụy tạo hồ sơ doanh nhân để cho các lao động được cấp visa, cơ quan tố tụng đánh giá họ không biết động cơ, mục đích khi giao dịch với Liễu và không được hưởng lợi nên cơ quan chức năng kiến nghị xử lý hành chính.
Với những lao động đã trốn lại Hàn Quốc nhưng sau đó bị trục xuất, nhà chức trách thấy họ vi phạm lần đầu nên đề xuất Cục Quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công an xem xét xử lý hành chính.
Trao đổi với Zing sau khi Đài truyền hình MBC của Hàn Quốc đưa tin về vụ việc hồi cuối năm 2019, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá những người trốn lại Hàn Quốc đã lợi dụng hỗ trợ của Chính phủ và chính sách của Nhà nước để “làm bậy”.
Theo ông, dù làm hết sức chặt chẽ và trách nhiệm nhưng “không tròn trịa” được. Ông cho biết sau sự việc trên, Bộ rút kinh nghiệm để làm chặt chẽ hơn, nhưng cũng phải làm sao để không bị cho rằng làm khó dễ cho doanh nghiệp.