Lỗ hổng giám sát kỹ thuật dẫn tới sự cố hóa chất
Sáng 8-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). Một số đại biểu cho rằng, các sự cố hóa chất xảy ra thời gian qua là do quản lý lỏng lẻo.
Phiên thảo luận được thực hiện dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan.

Phó chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan điều hành phiên họp.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) nêu thực tiễn nhiều vụ cháy nổ, rò rỉ, phát tán hóa chất xảy ra thời gian qua cho thấy lỗ hổng trong giám sát kỹ thuật định kỳ tại các cơ sở hóa chất, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đại biểu Thạch Phước Bình, luật hiện hành chưa có cơ chế tích hợp kiểm định chuyên sâu riêng cho ngành hóa chất. Việc thiếu kiểm định định kỳ dẫn đến tình trạng thiết bị lạc hậu, xuống cấp, hệ thống xử lý khẩn cấp không hiệu quả, tiềm ẩn nguy cơ sự cố hóa chất nghiêm trọng.

Đại biểu Thạch Phước Bình nhấn mạnh nguyên nhân gây ra các sự cố hóa chất là do lỗ hổng trong giám sát kỹ thuật định kỳ.
Từ đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị bổ sung quy định cơ sở hóa chất có quy mô lớn hoặc sử dụng hóa chất nguy hiểm theo danh mục do Chính phủ ban hành phải thực hiện kiểm định định kỳ hệ thống an toàn kỹ thuật, thiết bị sản xuất, lưu trữ, xử lý sự cố hóa chất tối thiểu 3 năm 1 lần bởi tổ chức đủ điều kiện kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền chỉ định.
“Việc bổ sung các quy định này nhằm đảm bảo tính chủ động phòng ngừa thay vì chỉ phản ứng sau sự cố, tạo nền tảng cho việc hình thành thị trường dịch vụ kỹ thuật, kiểm định hóa chất, bảo vệ an toàn cộng đồng, môi trường sống và uy tín ngành hóa chất trong quá trình hội nhập”, đại biểu Thạch Phước Bình nói.
Tương tự như vậy, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, ngành hóa chất có nguy cơ rất cao xảy ra sự cố. Nguy cơ cao và việc xảy ra sự cố hóa chất một phần là do quản lý không chặt chẽ, không bảo đảm an toàn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Nhấn mạnh tới hậu quả nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe con người và cho môi trường khi xảy ra sự cố hóa chất, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, những tổ chức, cá nhân hoạt động tư vấn trong lĩnh vực hóa chất cần phải có chuyên môn sâu về công nghệ, an toàn hóa chất.
“Việc quy định điều kiện đối với tổ chức chuyên ngành trong lĩnh vực hóa chất và cấp chứng chỉ ngành nghề đối với cá nhân trong hoạt động này đảm bảo có chất lượng và hiệu quả hơn, góp phần nâng cao an toàn hóa chất, đảm bảo quyền lợi và nhu cầu của người dân”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Bày tỏ thống nhất với việc chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền và đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính, bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh và tránh chồng chéo, đại biểu Phạm Văn Hòa đồng thời đề nghị không lơ là hậu kiểm, cần tiến hành hậu kiểm thường xuyên để bảo đảm hóa chất độc hại cần phải được bảo quản và quản lý chặt chẽ.

Đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị dự án luật cần bảo đảm thống nhất với Luật Phòng thủ dân sự.
Đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) nhắc tới Luật Phòng thủ dân sự vừa được Quốc hội thông qua năm 2023, có hiệu lực từ ngày 1-7-2024 với những quy định rất rõ về sự cố diễn ra trong phòng thủ dân sự.
Trên cơ sở đó, đại biểu Lê Xuân Thân nhấn mạnh quan điểm, sự cố hóa chất cũng là một sự cố cụ thể đã được điều chỉnh bởi Luật Phòng thủ dân sự. Do vậy, cần cân nhắc về toàn bộ nội dung quy định về xử lý sự cố hóa chất, để khỏi trùng lặp với Luật Phòng thủ dân sự.
Về những vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, khẳng định sẽ “nghiêm túc tiếp thu và sẽ có những giải trình cụ thể trong quá trình hoàn thiện luật để trình Quốc hội thông qua”.