Nghiêm cấm quảng cáo, kinh doanh hóa chất nguy hiểm trên mạng xã hội

Nhiều đại biểu đề xuất cấm quảng cáo, rao bán hóa chất nguy hiểm trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử nhằm ngăn chặn nguy cơ mất an toàn cho cộng đồng.

Sáng 8/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), với nhiều nội dung đáng chú ý liên quan đến việc siết chặt quản lý các hóa chất nguy hiểm, đặc biệt là tình trạng quảng cáo, rao bán trái phép trên nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi)

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Lê Quang Huy cho biết, Dự thảo đã được hoàn thiện gồm 8 chương, 52 điều. Một trong những nội dung được quan tâm là quy định điều kiện hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất, yêu cầu tổ chức, cá nhân tư vấn phải có chuyên môn sâu, đồng thời được cấp chứng chỉ theo quy trình do Chính phủ quy định.

Dự thảo cũng tiếp thu, điều chỉnh để thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, theo hướng đẩy mạnh hậu kiểm, song vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ trong những lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ cao như hóa chất độc hại, dễ cháy nổ, tiền chất ma túy...

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - Lê Quang Huy đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày về nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi)

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - Lê Quang Huy đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày về nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi)

Về xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, Dự thảo giữ nguyên quy định độc lập với kế hoạch ứng phó sự cố môi trường, do khác biệt về đối tượng, phạm vi và yêu cầu kỹ thuật. Điều này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng sẽ giúp tăng cường năng lực phản ứng nhanh trong những tình huống khẩn cấp liên quan đến hóa chất.

Đáng chú ý, trong phần thảo luận tại hội trường, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đã lên tiếng cảnh báo tình trạng ngày càng phổ biến việc lợi dụng các nền tảng số như mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, các website để rao bán, quảng bá các loại hóa chất nguy hiểm. Đặc biệt, tình trạng rao bán tiền chất ma túy, hóa chất dễ cháy nổ, chất độc như xyanua, thủy ngân... diễn ra công khai nhưng lại khó truy xuất nguồn gốc và kiểm soát.

Ông Bình đề nghị bổ sung vào Điều 3 – các hành vi bị nghiêm cấm – nội dung cấm “Lợi dụng nền tảng số, mạng xã hội, website, sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng cáo, rao bán, kinh doanh, cung cấp hóa chất nguy hiểm trái pháp luật”. Đồng thời, ông kiến nghị cần quy định rõ trách nhiệm phối hợp giữa Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, và Bộ Công an trong việc thanh tra, xử lý hành vi vi phạm trên môi trường mạng.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình

Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình

Nhiều đại biểu khác cũng đồng tình với đề xuất này, cho rằng với sự phát triển nhanh của thương mại điện tử, nếu không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, các đối tượng xấu có thể lợi dụng để phân phối hóa chất nguy hiểm một cách âm thầm, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh hóa chất và an toàn cộng đồng.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) đề xuất cần bổ sung thêm các hành vi bị cấm, như việc sử dụng hóa chất độc hại trong canh tác nông nghiệp – một thực trạng đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng thông qua rau, quả, thực phẩm nhiễm chất độc. Đồng thời, bà cũng đề nghị quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất trong việc phân loại, ghi nhãn, báo cáo kết quả với cơ quan chức năng và tạm dừng lưu hành cho đến khi hoàn tất cập nhật thông tin theo quy định.

Về mặt kỹ thuật, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) đề xuất bổ sung các biện pháp truy xuất nguồn gốc và quản lý vận chuyển hóa chất nguy hiểm thông qua hóa đơn điện tử, tem truy vết sản phẩm. Bà cũng đề nghị áp dụng hình phạt nặng hơn đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng, gây hậu quả đến sức khỏe con người, môi trường hoặc đe dọa cộng đồng.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Trần Khánh Thu

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Trần Khánh Thu

Đặc biệt, bà Trần Khánh Thu cảnh báo tình trạng chất xyanua – một hóa chất cực độc – đang bị buông lỏng quản lý. Mặc dù Luật Hóa chất hiện hành yêu cầu có phiếu kiểm soát khi mua bán, nhưng lại chưa quy định rõ điều kiện mà tổ chức, cá nhân cần đáp ứng để được mua, sử dụng. Điều này dẫn đến việc xyanua bị buôn bán tràn lan, từng là nguyên nhân của nhiều vụ án đầu độc nghiêm trọng thời gian qua. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo rà soát kỹ, thống nhất phân loại hóa chất theo nhóm rõ ràng, quy định điều kiện và trách nhiệm cụ thể của người mua – người bán.

Về lâu dài, Dự thảo Luật Hóa chất cũng đã đưa vào nhiều nội dung thể chế hóa Nghị quyết số 29-NQ/TW và Kết luận số 36-KL/TW, định hướng chuyển đổi xanh trong ngành công nghiệp hóa chất. Trong đó, có quy định áp dụng nguyên tắc hóa học xanh, xây dựng lộ trình cấm sử dụng các hóa chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước, quy định khoảng cách an toàn từ khu sản xuất hóa chất tới khu vực khai thác nước sinh hoạt...

Một số lĩnh vực được xác định là công nghiệp hóa chất trọng điểm gồm hóa chất cơ bản, sản phẩm hóa dầu, hóa dược, phân bón và các khu công nghiệp chuyên ngành hóa chất. Những nội dung này được kỳ vọng sẽ góp phần hướng tới tăng trưởng bền vững, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng công bằng.

Các đại biểu thống nhất cho rằng, Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) là một bước tiến quan trọng nhằm thiết lập cơ sở pháp lý đồng bộ, chặt chẽ trong công tác quản lý hóa chất. Trong bối cảnh công nghệ phát triển, nguy cơ từ các loại hóa chất nguy hiểm ngày càng cao, việc phòng ngừa từ sớm, từ xa là vô cùng cần thiết.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nhấn mạnh, để ứng phó hiệu quả, cần có chiến lược tổng thể cấp quốc gia, huy động đủ nguồn lực, trang thiết bị hiện đại. Không chỉ xử lý hậu quả, mà còn phải hành động từ đầu nguồn – tức là quản lý chặt hoạt động kinh doanh, sử dụng hóa chất ngay từ khâu tư vấn, mua bán đến vận chuyển, tiêu dùng – nhất là trên không gian mạng, nơi mà các rủi ro có thể bị che giấu và lan rộng nhanh chóng.

Duy Tuấn

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/sac-mau-cuoc-song/nghiem-cam-quang-cao-kinh-doanh-hoa-chat-nguy-hiem-tren-mang-xa-hoi-202505081550088314.html