Lỗ hổng lớn trong việc quản lý lái xe sau khi cấp bằng lái
Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, việc quản lý đối với người điều khiển phương tiện sau khi được cấp GPLX đã bàn rất lâu nhưng chưa làm được.
Những con số giật mình
Đêm 13/6/2022, tài xế Nguyễn Ngọc Sáng điều khiển ô tô khách BKS 37B - 028.06 lưu thông trên tuyến QL1A, khi đến khu vực TP Ninh Bình xảy va chạm với một xe máy, hậu quả làm 4 người tử vong và 9 người khác bị thương. Cơ quan chức năng xác định, xe khách đã đi vào đường cấm và chạy quá tốc độ.
Trước đó, cảnh sát cũng phát hiện tài xế Vũ Đình Đức (Kim Thành, Hải Dương) điều kiển xe đầu kéo trên tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp vi phạm giao thông. Thay vì dừng xe, Đức lái xe bỏ chạy và gây tai nạn. Đức khai nhận, trước đó đã sử dụng ma túy đá.
Trên đây chỉ là hai trong số hàng nghìn vụ TNGT thương tâm do tài xế vi phạm tốc độ, sử dụng ma túy gây ra.
Chỉ riêng năm 2022, lực lượng CSGT đã xử lý hơn 300.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, hơn 1.800 trường hợp lái xe dương tính với ma túy.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, nếu có sự kiểm soát chặt chẽ đối với lái xe, chắc chắn con số sẽ không lớn đến vậy. Đây chính là lỗ hổng lớn trong việc quản lý lái xe kinh doanh vận tải sau khi cấp bằng lái.
Thực tế có nhiều tài xế vi phạm khi vừa bị lập biên bản trên địa bàn tỉnh này, nhưng qua địa bàn tỉnh khác lại vi phạm tiếp.
Nhiều trường hợp, khi không tra cứu được thông tin tài xế đó đã từng vi phạm nên thường họ chỉ bị xử phạt lỗi tại thời điểm vi phạm, không biết được vi phạm lần trước đó.
Cần đồng bộ hệ thống cập nhật lý lịch của lái xe
Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia Trần Hữu Minh cho rằng, việc quản lý đối với người điều khiển phương tiện sau khi được cấp GPLX đã bàn rất lâu nhưng chưa làm được.
Chẳng hạn về sức khỏe lái xe, khi cần đối chiếu vẫn không thể biết được người lái xe đã khám ở đâu.
"Không chỉ quản lý đối với lái xe kinh doanh vận tải, về lâu dài cần quản lý dữ liệu vi phạm giao thông đối với cả xe ô tô cá nhân. Dữ liệu vi phạm và chấp hành pháp luật giao thông của công dân được dùng làm điều kiện để cấp các thủ tục hành chính khác.
Khi quản lý được lịch sử vi phạm của người lái xe cũng là cơ sở để nghiên cứu xử lý lái xe tái phạm. Lái xe vi phạm lần đầu mức xử phạt có thể thấp nhưng khi tái phạm sẽ xử phạt theo lũy tiến. Vi phạm lần 1 nộp tiền xong họ vẫn tiếp tục vi phạm nhưng nếu tiếp tục vi phạm xử phạt gấp 10 lần, đảm bảo sẽ đủ sức răn đe", Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia nêu quan điểm.
Theo ông Trần Hữu Minh, chia sẻ dữ liệu giữa các Bộ, ngành phải là việc bắt buộc thay vì chỉ khuyến khích. Dữ liệu phải được coi là tài sản quốc gia và phải được chia sẻ, tùy theo cấp độ mà cơ quan, tổ chức sẽ được tiếp cận sử dụng.
Tại dự thảo Luật Đường bộ và Luật Đảm bảo trật tự ATGT đã quy định hình thành hệ dữ liệu về trật tự ATGT, các dữ liệu vi phạm ATGT. Nếu sức khỏe lái xe được lưu trữ và chia sẻ, khi đó các cơ quan quản lý sẽ nắm được lai lịch người lái xe.
Nếu dữ liệu đó được tích hợp trên hệ thống dữ liệu quốc gia, doanh nghiệp tra cứu có thể nắm được tình trạng sức khỏe người lái trước khi tuyển.
Đối với lịch sử vi phạm giao thông của người lái xe, ông Minh cho rằng, dữ liệu vi phạm phải được các Bộ, ngành nhập vào hệ cơ sở dữ liệu quốc gia.
Từ đây có thể kiểm tra, biết được lịch sử của lái xe, khám sức khỏe ở đâu, được cấp GPLX khi nào, có vi phạm hành chính, vi phạm trật tự ATGT hay không, vi phạm lỗi gì, ở đâu…
"Ví dụ, một lái xe nhiều lần vi phạm ATGT, bị doanh nghiệp ở Hà Nội đuổi việc, chạy lên Sơn La xin việc, qua hệ thống dữ liệu, doanh nghiệp ở đó sẽ biết được đầy đủ lý lịch của người lái xe và quyết định có tuyển hay không", ông Minh nêu ví dụ.
Theo ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam, trong đề án chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin ngành Đường bộ, đơn vị này sẽ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin người lái xe kinh doanh vận tải.
Hệ thống này kết nối các dữ liệu cấp GPLX và dữ liệu từ thiết bị GSHT. Đồng thời, sẽ được kết nối với dữ liệu vi phạm ATGT của Cục CSGT. Cơ sở dữ liệu sẽ ghi nhận về sức khỏe, vi phạm pháp luật giao thông của lái xe.
Dữ liệu sẽ được tổng hợp theo từng lái xe, từng đơn vị kinh doanh vận tải để làm cơ sở cho việc quản lý, sử dụng lao động và đào tạo nâng hạng cấp GPLX.
Đây cũng là kênh thông tin quan trọng để doanh nghiệp vận tải tham khảo trong quá trình tuyển dụng.