'Lỗ hổng' nghiêm trọng của xe tăng Mỹ trên chiến trường Ukraine
Kể từ khi được triển khai ở mặt trận Ukraine, xe tăng M1A1 Abrams đã bộc lộ những lỗ hổng đáng kể trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, đặt ra câu hỏi về khả năng của phương tiện bọc thép tiên tiến nhất thế giới.
Sự xuất hiện của xe tăng M1A1 Abrams (viết tắt là Abrams) của Mỹ ở Ukraine được ca ngợi là bước ngoặt của cuộc chiến, theo tờ Telegragh (Anh) ngày 26/4. Với giá khoảng 10 triệu USD một xe M1A1 Abrams, vũ khí đầy uy lực trong NATO này được coi là "quả đấm thép" có thể giúp Ukraine chọc thủng phòng tuyến của Nga.
Tuy nhiên, những chiến thuật liên tục phát triển trong giao chiến và việc Nga sử dụng máy bay không người lái giám sát và cảm tử đã dẫn đến thương vong nặng nề cho các đơn vị xe tăng của Ukraine. Đây là điều đáng báo động đối với NATO.
Mỹ đã cam kết cung cấp 31 xe tăng Abrams cho Ukraine vào tháng 1 năm ngoái. Lô đầu tiên đã đến Ukraine vào tháng 9 cùng năm. Cuối cùng chúng đã xuất hiện và tham chiến vào tháng 2 năm nay. Ngày 26/2, các lực lượng Nga đã tiêu diệt được xe tăng Abrams lần đầu tiên.
Hai tháng sau khi tham chiến, xe tăng Abrams hiện đang được rút khỏi tiền tuyến. 5 trong số 31 xe tăng Abrams được giao năm ngoái đã bị phá hủy và 3 xe tăng khác bị hư hại.
Mạng tin chuyên về quân sự và quốc phòng Armyrecognition.com (Bỉ) đánh giá, những tổn thất này làm nổi bật những điểm yếu và nguy cơ ngày càng tăng của xe tăng trước máy bay không người lái có khả năng mang chất nổ, một vấn đề có thể xác định lại việc sử dụng các phương tiện bọc thép này trong các cuộc xung đột trong tương lai.
Ngoài ra, chi phí tương đối thấp của những máy bay không người lái, ước tính khoảng 500 USD/chiếc, hoàn toàn trái ngược với chi phí đắt đỏ của một xe tăng Abrams trị giá 10 triệu USD.
Những xe tăng Abrams, vốn tiêu tốn nhiều nhiên liệu, đã không được Lữ đoàn cơ giới 47 của Ukraine đưa ra tiền tuyến ngay lập tức do lo ngại về khả năng bảo vệ không đủ trước các loại tên lửa điều khiển từ xa. Họ cần phải trang bị cho chúng lớp giáp phản ứng nổ trước khi triển khai đến chiến trường Avdiivka.
Abrams là xe tăng chiến đấu chủ lực do Mỹ phát triển và được chú ý nhờ sự tích hợp hiệu quả giữa hỏa lực, khả năng bảo vệ và khả năng cơ động. Nó được trang bị pháo chính 120 mm cùng súng máy đồng trục 7,62 mm, súng máy 7,62 mm trên tháp pháo và súng máy phòng không 12,7 mm. Xe tăng được trang bị lớp giáp bằng vật liệu composite tiên tiến, bao gồm các lớp uranium nghèo được gọi là "áo giáp Chobham", mang lại khả năng phòng thủ chắc chắn trước tên lửa chống tăng.
Được phục vụ tại nhiều quốc gia như Australia, Ai Cập, Iraq, Ba Lan, Saudi Arabia và gần đây là Ukraine, M1A1 Abrams đã chứng minh được tiện ích và sức hấp dẫn của mình trên thị trường quốc phòng quốc tế. Xe tăng nặng 62 tấn và có thể đạt tốc độ tối đa 68 km/giờ.
Ngoài ra, M1A1 Abrams còn được trang bị nhiều hệ thống khác nhau để nâng cao hiệu quả hoạt động và an toàn cho các kíp thủ. Chúng bao gồm hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến, máy đo khoảng cách bằng laser, thiết bị nhìn đêm và chụp ảnh nhiệt. Nó cũng có hệ thống bảo vệ NBC (hạt nhân, sinh học, hóa học), kiểm soát môi trường để điều chỉnh nhiệt độ bên trong xe tăng và hệ thống chữa cháy tự động. Những trang bị như vậy cho phép Abrams hoạt động trong nhiều môi trường và điều kiện khác nhau, đảm bảo khả năng hoạt động cả ngày lẫn đêm cũng như khả năng tồn tại trước các mối đe dọa của NBC.
Nhìn chung, cuộc chiến ở Ukraine đã chứng kiến sự tổn thất gần 800 xe tăng chiến đấu chủ lực của Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra vào vào tháng 2/2022, theo dữ liệu từ Oryx, một trang phân tích quân sự. Hầu hết trong số này là xe tăng thời Liên Xô, Nga hoặc Ukraine sản xuất và khoảng 140 xe tăng được cung cấp bởi các quốc gia thành viên NATO. Tuy nhiên, sự chú ý đang tập trung vào xe tăng Abrams trước các cuộc tấn công hiệu quả từ máy bay không người lái mang chất nổ, một chiến thuật khiến một số chuyên gia và quan chức vốn đã đánh giá thấp mối đe dọa này ngạc nhiên.
Máy bay không người lái đã được chứng minh là những "sát thủ chống tăng" đặc biệt hiệu quả. Chúng đã chứng tỏ khả năng bắn trúng xe tăng Abrams ở những điểm ít được bảo vệ nhất, chẳng hạn như khối động cơ và đế tháp pháo. Nhà phân tích quân sự Can Kasapoglu tại Viện Hudson nhấn mạnh trên tờ New York Times rằng tính dễ bị tổn thương của Abrams trước máy bay không người lái "cho thấy một cách khác mà xung đột ở Ukraine đang định hình lại bản chất của chiến tranh hiện đại".
Để đối phó với những mối đe dọa mới này, các chiến lược phòng thủ đang được phát triển. Máy bay không người lái có thể bị vô hiệu hóa bởi thiết bị gây nhiễu làm gián đoạn kết nối của chúng với người điều khiển và các kỹ thuật khác như sử dụng giăng lưới được quan sát thấy trên chiến trường ở Ukraine. Tuy nhiên, việc sử dụng máy bay không người lái theo chiến thuật tấn công "bầy đàn" (liên tục, nhiều loại, nhiều lớp) vẫn có thể tiêu diệt được xe tăng.
Tình trạng này không chỉ bộc lộ những hạn chế của công nghệ chiến đấu truyền thống mà còn đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả trong tương lai của xe tăng trong các cuộc chiến tranh hiện đại, được đánh dấu bằng sự xuất hiện của các chiến thuật và công nghệ mới tuy rẻ tiền nhưng hiệu quả.
Trong khi xe tăng vẫn là vũ khí thiết yếu để tấn công đánh chiếm giữ lãnh thổ, một tương lai nơi chiến tranh ngày càng được tiến hành ở khoảng cách xa, với các hệ thống vũ khí được điều khiển từ xa, trong các boongke dưới lòng đất, đã được dự báo. Mô hình mới này cho thấy rằng, mặc dù xe tăng vẫn còn phù hợp nhưng vai trò và cách sử dụng chúng phải thích ứng với thực tế đang thay đổi của chiến tranh hiện đại.