Lỗ hổng nguy hiểm vụ du thuyền cập bến ở Campuchia
Câu chuyện cảm động về việc Campuchia cho phép du thuyền cập cảng dù nó từng bị nhiều nơi từ chối vừa có bước ngoặt đáng tiếc khi một hành khách có kết quả dương tính với virus.
Khi Thủ tướng Campuchia Hun Sen chào đón các hành khách trên du thuyền trong bối cảnh lo sợ virus corona vào Ngày Lễ Tình nhân, những cái ôm khiến mọi người ghi nhớ.
Không chỉ Thủ tướng Hun Sen không đeo khẩu trang, vì được đảm bảo rằng con tàu không có virus, các vệ sĩ của ông còn ra lệnh cho những người đeo khẩu trang tháo chúng ra. Ngày hôm sau, Đại sứ Mỹ tại Campuchia, W. Patrick Murphy, người đã đưa gia đình của mình đến để chào đón những hành khách đang xuống tàu, cũng không đeo khẩu trang.
"Chúng tôi rất, rất biết ơn vì Campuchia đã mở các cảng và mở cánh cửa theo nghĩa đen cho những người cần", ông Murphy nói.
Tuy nhiên, sau khi hàng trăm hành khách rời đi, một du khách Mỹ sau đó đã cho kết quả dương tính với virus corona. Bây giờ, các quan chức y tế lo lắng rằng việc này có thể đã mở cửa cho dịch bệnh và thế giới có thể phải trả giá khi hành khách từ du thuyền Westerdam trở về nhà.
Đòn bẩy bất ngờ cho virus corona
Trước khi tàu Westerdam cập cảng ở Sihanoukville, năm cảng khác đã từ chối chiếc du thuyền mặc dù nhà điều hành Holland America đảm bảo với các quan chức rằng hành khách trên tàu đã được sàng lọc cẩn thận.
Theo New York Times, vẫn còn quá sớm để nói liệu quyết định cho phép hàng trăm hành khách từ Westerdam bay đi có gây ra thảm họa dịch tễ học hay không.
Cơ quan y tế Campuchia cho biết 409 trong số 2.257 hành khách và thủy thủ đoàn đã rời Campuchia để về nhà nằm rải rác trên toàn cầu. Phần còn lại vẫn ở trong các khách sạn ở thủ đô Phnom Penh hoặc trên tàu.
Nhưng sự thiếu sót trong việc sàng lọc virus corona trên tàu đang làm dấy lên lo ngại việc đón tàu có thể tạo đòn bẩy bất ngờ cho loại virus đã giết chết hơn 1.700 người, chủ yếu ở Trung Quốc, tâm điểm của dịch.
Nhiều chuyên gia y tế kêu gọi những người đã tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm virus corona tự kiểm dịch trong 14 ngày, vì sợ họ liên lụy người khác vào mạng lưới lây nhiễm.
Sự điềm tĩnh
Sự thiếu phòng ngừa ở trên bờ chỉ ra những trở ngại trong việc cố gắng ngăn chặn loại virus mà các chuyên gia cảnh báo đang lây lan nhanh hơn SARS hoặc MERS.
Tuần trước, khi tàu Westerdam cập cảng ở Sihanoukville, chính phủ Campuchia và nhà điều hành tàu đã coi tàu không có virus. Tuyên bố này dường như quá sớm và không đủ tin cậy.
Chỉ có 20 người trong số 2.257 người trên tàu được xét nghiệm virus trước khi lên bờ, đó là vì họ đã báo cáo cho nhân viên y tế về nhiều bệnh khác nhau.
Holland America cho biết người phụ nữ 83 tuổi hai lần thử nghiệm dương tính sau khi tới Malaysia không nằm trong số 20 người này.
Theo dõi sức khỏe đối với những hành khách còn lại chỉ giới hạn ở một số kiểm tra nhiệt độ được thực hiện bằng nhiệt kế hồng ngoại.
Hôm 17/2, thông báo được phát cho các hành khách còn lại trên Westerdam cảnh báo rằng họ nên tránh boong tàu nóng và quay trở lại phòng máy lạnh để tránh nhiệt độ tăng không chính xác.
Một số chuyên gia y tế đặt câu hỏi về hiệu quả của nhiệt kế hồng ngoại, còn được gọi là súng đo nhiệt độ, cho rằng chúng đo nhiệt lượng tỏa ra từ bề mặt cơ thể, thay vì nhiệt độ cơ thể.
Sau kết quả thử nghiệm dương tính ở Malaysia, các quan chức y tế Campuchia cho biết họ sẽ dựa vào phòng thí nghiệm trong nước để kiểm tra tất cả hành khách và thành viên thủy thủ đoàn vẫn ở trong nước để tìm virus corona.
Nơi khẩu trang không được chào đón
Tối 17/2, hành khách đã ăn mừng tin tức từ các quan chức y tế Campuchia rằng nhóm 406 người đầu tiên ở Phnom Penh đã thử nghiệm âm tính, mặc dù không có gì chắc chắn rằng sau đó họ sẽ không cho kết quả kiểm tra dương tính.
Chiều 17/2, hơn 100 hành khách Westerdam đã nhận lời đề nghị của ông Hun Sen về chuyến du lịch thủ đô, leo lên xe buýt để xem cung điện hoàng gia và các địa điểm khác.
Trong các bức ảnh về chuyến tham quan, được đăng trên trang web liên kết với chính phủ, chỉ thấy một người đeo khẩu trang.
Bất chấp các trường hợp virus corona xuất hiện ở Đông Nam Á, Campuchia đã vận động chống lại khẩu trang, cho rằng chúng gieo rắc sợ hãi hơn là ngăn chặn vi trùng.
Hôm 17/2, ông Hun Sen đưa ra một tuyên bố khác khiến công chúng bất ngờ: Ông muốn mời các hành khách của Westerdam đến một bữa tiệc.
Những chiếc khẩu trang sẽ không được chào đón.