Lỗ hổng trong xử lý bạo lực học đường tại trường tư nước ngoài
Một số địa phương ở Canada, Mỹ có luật xử lý bạo lực học đường. Nhưng nhiều 'lỗ hổng' trong quy định khiến không ít trường tư thục 'lách luật' dễ dàng.
Tháng 11/2020, 4 bà mẹ ở Quebec (Canada) đâm đơn kiện trường Académie des Sacrés-Coeurs và cơ quan quản lý giáo dục Quebec với lý do con bị bắt nạt ở trường.
Bà Sonia Grenon, một người mẹ tham gia khởi kiện, cho biết những ngày ở trường tiểu học của con trai bà giống như "sống trong địa ngục". Cậu bé bị bạn bè bắt nạt, dọa đánh, dọa giết trong thời gian dài.
"Có lần, những kẻ bắt nạt ngồi lên người con tôi, bắt con phải úp mặt vào tuyết. Giáo viên phải bế nhóm bắt nạt đi chỗ khác vì con tôi bị ngạt thở", bà Grenon đau lòng kể lại.
Bà Grenon biết tin con trai bị bắt nạt thông qua một phụ huynh khác. Người mẹ cũng khẳng định trường Académie des Sacrés-Coeurs không báo cáo vụ việc, không hề có động thái giải quyết hay xử lý đối tượng bạo lực học đường, theo Radio-Canada.
Trường làm ngơ, phụ huynh đâm đơn kiện
Con trai của bà Sonia Grenon không phải trường hợp duy nhất bị bắt nạt ở trường Académie des Sacrés-Coeurs. Con của bà Nancy Woods, Christine Gingras và Véronique Perreault cũng là nạn nhân bắt nạt trong thời gian theo học tại đây.
Được biết, 4 bà mẹ cùng nhau lập nhóm từ năm 2016 để yêu cầu nhà trường xử lý triệt để. Đầu tiên, họ yêu cầu trường xin lỗi học sinh. Do không nhận được phản hồi, họ mẹ tìm đến cơ quan quản lý giáo dục Quebec và các cơ quan chức năng để được giúp đỡ. Tuy nhiên, những gì họ nhận được là sự im lặng.
Nhận thấy vụ việc đang đi vào ngõ cụt, 4 bà mẹ đệ đơn kiện trường học và cơ quan quản lý giáo dục để đòi lại công lý cho con. Ký ức đầy ám ảnh về những ngày tháng bị bắt nạt ở trường tiểu học cứ mãi đeo bám 4 đứa trẻ, khiến các em sống trong lo lắng, căng thẳng, không còn quan tâm đến việc học.
Vụ kiện của 4 bà mẹ không phải trường hợp đầu tiên ở Canada. Theo CBC News, vào năm 2019, một người cha ở Toronto đệ đơn kiện, yêu cầu Havergal College, một trường tư thục danh tiếng, phải bồi thường 5,5 triệu CAD. Người cha cho biết con gái ông bị trường đuổi học không lý do sau khi ông phản ánh con bị bạn học bắt nạt.
Ngôi trường này cũng từng bị một gia đình khác kiện vào năm 2020 và yêu cầu bồi thường 38 triệu CAD vì không bảo vệ một học sinh khỏi những kẻ bắt nạt. Học sinh này bị bạn học bắt nạt không ngừng và có ý định tự tử, nhưng nhà trường bác bỏ, cho rằng việc tự tử chỉ là "một sự sắp đặt".
Institut Le Rosey, trường tư thục danh tiếng và lâu đời bậc nhất tại Thụy Sĩ, cũng từng vướng kiện tụng vào đầu năm 2021 vì không bảo vệ học sinh khỏi nạn bắt nạt, khiến trẻ bị quấy rối và tấn công trên không gian mạng.
Pankaj Oswal, người cha đệ đơn kiện, bày tỏ thất vọng trước hành động của nhà trường khi con gái ông bị bạn học bắt nạt. Thay vì xử lý vụ việc và đi đến kết luận đúng đắn, nhà trường hủy đăng ký khóa học của nữ sinh bị bắt nạt cho năm học tiếp theo mà không đưa ra lời giải thích nào.
Ngoài ra, gia đình nạn nhân khẳng định họ có bằng chứng cho thấy học sinh Ấn Độ tại Le Rosey bị quấy rối, bắt nạt vì xuất thân, văn hóa và tín ngưỡng tôn giáo. Điều đáng buồn là dù biết con cái bị bắt nạt, một số cha mẹ Ấn Độ vẫn tiếp tục cho con theo học tại đây.
"Là cha mẹ, chúng tôi rất đau đớn khi biết con gái đã phải chống chọi với nạn bạo lực khi còn quá nhỏ. Le Rosey đã thất bại trong việc bảo vệ quyền lợi của trẻ nhỏ. Chúng tôi mong rằng sau vụ việc này, nhà trường suy ngẫm lại về hệ thống giáo dục hiện hành và nhanh chóng hành động để bạo lực không còn xảy đến với những học sinh khác", ông Pankaj Oswal nói.
Trường tư thục khó xử lý triệt để bạo lực học đường
Tiến sĩ Eric Debarbieux, giáo sư danh dự ĐH Paris-Est (Pháp), cảnh báo một số trường tư thục không biết cách bảo vệ học sinh khỏi bị bắt nạt. Ông nhận thấy những trường này đang mắc lỗi trong việc đào tạo giáo viên, nhân viên sai cách, dẫn đến các vụ bạo lực học đường bị bỏ sót hoặc làm ngơ.
Nạn nhân thường không được bảo vệ, coi trọng, thậm chí bị phạt, trong khi những kẻ bắt nạt không phải chịu hình phạt nào cho việc làm của mình.
Ông Debarbieux khẳng định những tình huống này xảy ra thường xuyên ở những trường tư thục danh tiếng, uy tín bậc nhất. Lý giải cho điều này, ông nói lãnh đạo những trường học này chỉ quan tâm đến danh tiếng nhà trường, do đó bác bỏ những cáo buộc bắt nạt, quấy rối.
Giáo sư lấy ví dụ về vụ kiện tụng của trường Le Rosey năm 2021 và phân tích đây là ví dụ điển hình của "hình phạt kép". Cụ thể, nạn nhân chịu tra tấn từ những kẻ bắt nạt, đồng thời bị nhà trường bỏ rơi. Thay vì bảo vệ trẻ, họ lại chọn cách bảo vệ danh tiếng và hình ảnh của nhà trường. Theo đó, những kẻ bắt nạt sẽ đắc ý và cho rằng hành vi của mình không hề sai.
Tại Quebec, đạo luật chống bắt nạt và bạo lực học đường được thông qua nhằm bảo vệ học sinh. Kể từ năm 2012, các trường tư thục cũng được yêu cầu phải đưa ra kế hoạch chống bạo lực học đường.
Tuy nhiên, các trường tư thục không phải tuân theo đạo luật như cách trường công lập đang thực hiện. Ví dụ, tại trường tư thục, cha mẹ không thể khiếu nại nếu phát hiện nhà trường hay cán bộ xử lý không tốt những trường hợp quấy rối, hành hung. Điều này vô tình đẩy nạn bắt nạt tăng cao và trở nên mất kiểm soát.
Tương tự, lỗ hổng pháp luật của bang New York (Mỹ) cũng khiến bạo lực học đường ở trường tư thục gia tăng đáng kể. Cụ thể, bộ quy chế mang tên Dignity for All Students Act (DASA) của bang này nghiêm cấm các hành vi bắt nạt, đồng thời đưa ra những tiêu chí để ngăn chặn và đối phó với hành vi đó.
Tuy nhiên, điều số 17 trong bộ quy chế này nêu rõ quy định chỉ áp dụng cho các trường công lập. Do đó, trường tư thục tại địa phương không cần tuân theo nội dung của DASA.
Ở New Jersey (Mỹ), trường công lập được yêu cầu xử lý nghiêm những học sinh bạo lực học đường. Thậm chí, trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ được chuyển giao cho cảnh sát xử lý theo luật hiện hành.
Hầu hết trường tư thục ở bang này đều có bộ hướng dẫn riêng để xử lý bắt nạt học đường. Nhưng về cơ bản, những "lỗ hổng" trong quy định cho phép nhà trường "lách luật" để chối bỏ trách nhiệm.