Lo mất điện, doanh nghiệp xoay xở giảm thiệt hại
Việc cắt điện luân phiên đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Tại thời điểm này, nhiều doanh nghiệp buộc phải thích nghi, tìm phương án xoay xở để đạt công suất cao nhất có thể, giảm bớt thiệt hại.
Chậm giao hàng, lo phạt hợp đồng
Ông Nguyễn Thành Luật, Giám đốc sản xuất CTCP Công nghệ PMA (Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, từ cuối tháng 5 tới nay, DN nhiều lần bị cắt điện trong giờ làm việc, đơn hàng chậm tiến độ, kế hoạch sản xuất đảo lộn. DN vừa bị chậm giao hàng 3 ngày cho đối tác Nhật Bản.
“Đơn hàng giao chậm, chúng tôi phải đàm phán nhiều lần với đối tác, trình bày lý do bất khả kháng là mất điện, mong được thông cảm. Đối tác bày tỏ ngạc nhiên, không ngờ tới tình huống mất điện. Cuối cùng, hàng vẫn giao được, nhưng doanh thu bị ảnh hưởng. Cũng vì cắt điện đột ngột, tỷ lệ hàng lỗi tăng cao, nhiều phôi, dao cắt chuyên dụng bị hỏng, phải vứt bỏ”, ông Luật cho biết.
Để ứng phó với tình hình cắt điện luân phiên hiện nay, công ty PMA phải chuyển ca làm việc của bộ phận sản xuất sang sáng sớm, đêm khuya. Bộ phận văn phòng làm việc trực tuyến. Trước mỗi ngày làm việc, công ty tự liên hệ với điện lực địa phương để xác nhận lại lịch cung ứng điện. Tất cả những giải pháp này, theo ông Luật, chỉ mang tính tạm thời. Hiện, DN chỉ nhận 80% công suất, trong khi vừa qua chạy 120% công suất.
“Đơn hàng chậm, nhưng chi phí sản xuất tăng, lao động phải làm ngoài giờ, năng suất không cao. Sản phẩm của công ty đòi hỏi độ chính xác cao, gần như tuyệt đối, nếu tình trạng này kéo dài, thiệt hại sẽ lớn dần”.
Ông Nguyễn Thành Luật, Giám đốc sản xuất Công ty PMA
Ông Ngô Sách Vinh, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Cơ khí Sao Việt (Savimec) tại Khu công nghiệp Đại Đồng - Hoàn Sơn (Bắc Ninh) cho biết, vừa qua, DN nhiều lần bị cắt điện 20 tiếng, thậm chí cả 24 tiếng nhưng không được thông báo sớm. Chậm tiến độ sản xuất, giao hàng, DN có thể phải đền hợp đồng cho đối tác. Trước tình trạng bất khả kháng này, DN phải tận dụng thời điểm có điện, tập trung sản xuất hết công suất cả ngày lẫn đêm, cố gắng xong trước kế hoạch ít nhất 2 ngày để đề phòng cắt điện.
Ông Trương Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (Hansiba) cho hay, nhiều DN vừa vượt qua khó khăn đơn hàng, đang bước vào sản xuất, lại vướng mắc về điện. Có trường hợp DN nhận được lịch cắt điện tới cuối tháng 6, từ 0-24h. Mất điện, đơn hàng chậm tiến độ, ảnh hưởng “domino” đến kế hoạch sản xuất tiếp theo, mất uy tín với bạn hàng. “Trong trường hợp phải cắt điện, DN kiến nghị được thông báo trước để kịp thời chuẩn bị”, ông Hải nhấn mạnh.
Ngành đặc thù lao đao
Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, nhiều DN đang gặp khó do không thể bố trí lịch sản xuất trước tình trạng cắt điện không báo trước hoặc báo trước rất ngắn, có nơi chỉ 2-3 tiếng. Đại diện VASI nói: “ DN không được chia sẻ kế hoạch cắt điện luân phiên, nhiều nơi hỏi điện lực địa phương chỉ biết báo đợt tiếp theo cắt lúc nào, còn kế hoạch trong vài ngày, trong tuần cũng không rõ”.
Theo đó, VASI kiến nghị Bộ Công Thương và EVN cần hướng dẫn và yêu cầu điện lực các địa phương thay đổi cách thức liên lạc, trao đổi thông tin, cắt điện luân phiên cần báo trước ít nhất 24 tiếng, nếu có kế hoạch dài hơn thì chia sẻ cụ thể, chính xác đến khách hàng. Do đặc thù sản xuất công nghiệp, các loại lò gia nhiệt, máy ép nhựa, cao su... cần chạy thời gian dài mới hiệu quả, đại diện VASI kiến nghị, chia phiên cắt điện hợp lý hơn, thời gian cắt điện - có điện càng dài càng tốt (2-3 ngày cắt 1 lần hoặc lâu hơn).
Ở ngành nghề đặc thù khác là logistic (hậu cần, trung chuyển), DN cũng đang đối mặt thiệt hại lớn vì mất điện. Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam; Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam; Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam cho biết, các DN trong ngành phản ánh, thời gian vừa qua đã xảy ra tình trạng mất điện do sự cố, cắt điện luân phiên thường xuyên tại khu vực Hải Phòng.
Hoạt động khai thác cảng có đặc thù phải đảm bảo năng lực phục vụ 24/7 cho tất cả các khách hàng, duy trì thông suốt toàn bộ chuỗi cung ứng. Theo đó, việc cắt điện gây ra nhiều khó khăn cho các cảng, tiềm ẩn rủi ro DN phải đền bù thiệt hại rất lớn cho số ngày tàu nằm chờ tại cảng, làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng dịch vụ, xuống cấp nhanh chóng trang thiết bị, ảnh hưởng đến an toàn lao động và đặc biệt là nguy cơ bị mất khách hàng…