Lo mất thêm 1.920 MW thủy điện Hòa Bình
'Khi thủy điện Hòa Bình về mực nước chết thì chúng ta sẽ mất 1.920 MW nữa. Tình hình lúc ấy sẽ rất khó khăn và căng thẳng hơn rất nhiều', đại diện A0 lo ngại.
Tại tọa đàm “Giải bài toán thiếu điện: Cách nào?” tổ chức ngày 9/6, ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), cho biết, dự báo trong tháng 6, tháng 7 năm nay, nắng nóng sẽ đạt đến cực hạn.
Khoảng đầu tháng 7 hàng năm, tần suất lũ về cao, nước về thượng nguồn sông Đà nhiều hơn nên nếu không có gì thay đổi, căng thẳng cấp điện tại miền Bắc sẽ được giải tỏa.
Dù vậy, hiện tượng El Nino tái diễn năm nay, cộng với năm nay là năm nhuận, mùa khô sẽ có thêm 1 tháng vẫn sẽ khiến áp lực cấp điện gia tăng.
“Đến tháng 8 cấp điện được giải tỏa khi qua giai đoạn mùa khô và các nhà máy điện được vận hành ổn định”- ông Nguyễn Quốc Trung nói.
Trong lúc này, đại diện A0 cho biết trung tâm cố gắng vận hành hệ thống tối ưu hơn. Chẳng hạn, hơn 200 nhà máy thủy điện nhỏ ở khu vực miền Bắc phải vận hành đúng lúc khách hàng cần để hạn chế tối thiểu việc tiết giảm.
“Chúng tôi vẫn cần sự đồng hành của khách hàng trong việc duy trì hệ thống điện miền Bắc ổn định. Nếu không tiết kiệm điện và có những giải pháp cấp bách, khi thủy điện Hòa Bình về mực nước chết thì chúng ta sẽ mất 1.920 MW nữa. Tình hình lúc ấy sẽ rất khó khăn và căng thẳng hơn rất nhiều.
Khi nhà máy có vai trò điều tần hệ thống này không còn nữa, thì ảnh hưởng rất lớn. Cho nên rất cần sự chung tay của khách hàng khu vực phía Bắc”, đại diện A0 kêu gọi trong bối cảnh hầu hết các hồ thủy điện miền Bắc đã về mực nước chết
Ông Hà Đăng Sơn, chuyên gia năng lượng, cho hay, tình trạng thiếu điện đã được cảnh báo cách đây 2 năm và được nhắc nhiều hơn từ năm 2022, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc.
“Các tính toán đều nói rủi ro lớn trong cung ứng điện cho miền Bắc trong năm 2023-2024. Đó là do miền Bắc gần như không có nguồn mới nào cả. Ngay nhiệt điện Thái Bình 2 xây dựng gần 10 năm mới được hòa lưới thành công. Thủy điện thì 3-4 năm qua đều xây dựng hết rồi", ông Sơn nói.
Vì vậy, bao giờ miền Bắc hết thiếu điện là câu hỏi vị chuyên gia này không thể trả lời.
Theo ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), EVN đang chiếm 38,4% tổng công suất hệ thống điện, còn lại của nhà đầu tư khác. Về lưới truyền tải, EVN nắm 100%. Về phân phối bán lẻ, EVN bán cho 92% khách hàng toàn quốc, 8% khách hàng còn lại là 900 các hợp tác xã, các công ty cổ phần và các DN khác.
Hiện khả năng truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc qua đường dây 500 kV Bắc - Trung luôn ở ngưỡng giới hạn cao (giới hạn tối đa từ 2.500MW đến 2.700MW) dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ sự cố.
Đề cập khả năng truyền tải thêm điện từ miền Trung ra miền Bắc, ông Võ Quang Lâm chia sẻ: Hệ thống truyền tải Việt Nam sở hữu, vận hành là lớn nhất Đông Nam Á. Liên quan lưới truyền tải Bắc - Nam, chúng ta có hai đường dây 500kV mạch 1 và mạch 2 và đã xây dựng mạch 3 từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đi vào phía Nam.
“Trong 27 tỉnh miền Bắc, Hà Tĩnh hưởng lợi đường dây này nên tình hình cung ứng điện tốt hơn”, ông Lâm nói.
Ngoài ra, tổng sơ đồ điện VIII đặt ra kế hoạch làm đường dây 500kV mạch 3 từ Hà Tĩnh trở ra miền Bắc kết nối đến Hưng Yên để khép kín mạch vòng này, thực hiện từ nay đến năm 2030. Tuy nhiên, đây là vấn đề cấp thiết nên EVN giao Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia báo cáo bộ ngành thực hiện ngay dự án.
“Nếu dốc sức làm thì có thể có thêm 1.000-1.500 MW kết nối mạch vòng đưa điện từ Nam ra Bắc”, ông Võ Quang Lâm đánh giá.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/lo-mat-them-1-920-mw-thuy-dien-hoa-binh-2152974.html