Lo ngại chậm tiến độ dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Ngày 26-3, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, bộ đã có quyết định về việc giao nhiệm vụ chủ đầu tư giai đoạn chuẩn bị của Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 theo hình thức PPP (đối tác công-tư), hợp đồng BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao).

Theo đó, Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long được giao làm chủ đầu tư giai đoạn chuẩn bị của dự án thay thế cho Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long.

Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 3-2016. Đến tháng 8-2017, Bộ GTVT phê duyệt dự án và tháng 4-2018, phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư, giao Ban QLDA Thăng Long thực hiện công tác sơ tuyển. Tuy nhiên, tháng 7-2019, Bộ GTVT hủy kết quả sơ tuyển nhà đầu tư. Sau đó, tháng 10-2019, Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh dự án. Tính từ ngày dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đến nay đã tròn 4 năm nhưng vẫn ở giai đoạn chuẩn bị và chưa triển khai giải phóng mặt bằng. Hiện nay, dự án vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư và đứng trước nhiều khó khăn trong việc bảo đảm tiến độ thông tuyến vào năm 2021.

 Thi công dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đoạn liền kề với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Thi công dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đoạn liền kề với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Trên tuyến cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đến Cần Thơ, đoạn đầu là TP Hồ Chí Minh - Trung Lương đã đưa vào khai thác. Các dự án khác gồm Trung Lương - Mỹ Thuận đang triển khai, cầu Mỹ Thuận 2 đã khởi công phần đường dẫn và đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đang trong quá trình chuẩn bị. Mới đây, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, đơn vị thực hiện dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án mở rộng phạm vi Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và bổ sung 23km đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ vào dự án này. Theo đó, điều chỉnh, mở rộng phạm vi dự án do UBND tỉnh Tiền Giang là Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, giao UBND các tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy định trong phạm vi địa giới hành chính của các tỉnh.

Theo đề xuất này, tuyến cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đến Cần Thơ sẽ thông tuyến trong năm 2021, hoàn thành trong năm 2022, rút ngắn thời gian thu phí để hoàn vốn cho dự án từ 14 năm 8 tháng xuống còn 12 năm 6 tháng (rút ngắn 2 năm 2 tháng). Phương án này cũng nhận được sự thống nhất của các địa phương có dự án đi qua là Vĩnh Long, Đồng Tháp, TP Cần Thơ.

Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên lý hiệu quả của giao thông là tính đồng bộ. Mục tiêu của tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ là giải quyết vấn đề phát triển cho miền Tây Nam Bộ, tức là còn phía dưới Cần Thơ, chứ không phải đến Mỹ Thuận là dừng lại. PGS, TS Trần Đình Thiên cho rằng: "Nếu chúng ta không xử lý đồng bộ, thì tính cấp bách của vấn đề sẽ trở thành một tắc nghẽn rất lớn cho phát triển". Trước tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, tình trạng hạn mặn ở các tỉnh Tây Nam Bộ, cần sớm có giải pháp cụ thể, tối ưu để thông tuyến đường cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đến Cần Thơ nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và đời sống người dân cũng như phát triển tiềm năng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tin, ảnh: MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/lo-ngai-cham-tien-do-du-an-cao-toc-my-thuan-can-tho-613452