Lo ngại chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra

Đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị bổ sung vào dự Luật Thanh tra sửa đổi nội dung chế tài các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi không cung cấp, trì hoãn hoặc cung cấp sai thông tin làm chậm trễ quá trình thanh tra...

Sáng 22-5, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đề nghị cần có cơ chế điều phối cụ thể giữa thanh tra và kiểm tra để tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp như yêu cầu của Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.

Tránh chồng chéo giữa thanh tra và kiểm tra

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) đồng tình với việc thống nhất khái niệm “thanh tra”, không phân biệt giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, bởi thực tế nhiều cuộc thanh tra hiện nay mang tính kết hợp, khó phân định rạch ròi.

Tuy nhiên, bà cho rằng Khoản 1 Điều 10 và Điều 16 của dự thảo chưa thể hiện rõ việc kế thừa chức năng thanh tra chuyên ngành tại những nơi không còn tổ chức thanh tra chuyên ngành, dễ gây hiểu nhầm là chức năng này đã bị bãi bỏ.

Bà kiến nghị sửa đổi để khẳng định Thanh tra Chính phủ và thanh tra tỉnh có quyền thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành ở các bộ, sở không còn tổ chức thanh tra.

Đối với Điều 21 về trình tự, thủ tục thanh tra, đại biểu cho rằng dự thảo đang bỏ trống phần trình tự thanh tra chuyên ngành – điều từng được quy định rõ trong Luật hiện hành.

 Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội). Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội). Ảnh: PHẠM THẮNG

Việc này không phù hợp với thực tiễn khi một số bộ ngành như Bộ Công an vẫn thực hiện các cuộc thanh tra chuyên ngành đặc thù. Bà kiến nghị kế thừa Điều 49 và 50 của Luật hiện hành, đồng thời bổ sung quy định cho phép Chính phủ ban hành trình tự riêng đối với các lĩnh vực quản lý đặc thù.

Đặc biệt, đại biểu Hà cũng lưu ý nguy cơ chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra, vấn đề phổ biến trong thực tiễn, nhất là lĩnh vực quản lý doanh nghiệp.

“Dự thảo mới chỉ đề cập nguyên tắc tránh chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán, nhưng chưa có quy định rõ ràng về thanh tra và kiểm tra – trong khi đây là hai hoạt động thường xuyên gây phiền hà cho doanh nghiệp” – bà Hà nhấn mạnh.

Theo đại biểu Hà, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đã yêu cầu chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, kéo dài, không cần thiết; bảo đảm nguyên tắc chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra mỗi năm 1 lần đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp có vi phạm rõ ràng.

“Nếu không có cơ chế điều phối cụ thể giữa thanh tra và kiểm tra, sẽ rất khó thực hiện hiệu quả chỉ đạo này” - đại biểu Hà nhấn mạnh.

Cần cơ chế giám sát hoạt động thanh tra

Góp ý về nguyên tắc hoạt động thanh tra (Điều 4, dự luật), đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) đề nghị bổ sung nguyên tắc bảo mật thông tin để bảo đảm hiệu quả trong quá trình thanh tra. Đồng thời, ông cũng kiến nghị bổ sung việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng thanh tra nhằm bảo vệ quyền lợi công dân và tổ chức khi bị thanh tra.

Về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra (Điều 6), đại biểu Tạo đề nghị làm rõ hành vi cố ý không ra quyết định thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng). Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng). Ảnh: PHẠM THẮNG

“Cần có cơ chế giám sát nội bộ, trong đó thủ trưởng cơ quan thanh tra phải báo cáo định kỳ về các trường hợp có dấu hiệu vi phạm nhưng không quyết định thanh tra, đồng thời bổ sung quy định báo cáo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà nước cấp trên hoặc Thanh tra Chính phủ nhằm tăng cường trách nhiệm giải trình”- đại biểu đoàn Lâm Đồng nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông đề xuất quy định cụ thể hành vi sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà trong thanh tra, ví dụ như yêu cầu cung cấp tài liệu không liên quan, kéo dài thời gian thanh tra không có lý do chính đáng hay cản trở hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra. Đặc biệt, cần xây dựng kênh tiếp nhận và xử lý tố cáo hành vi hối lộ, sách nhiễu qua hệ thống số hóa với bảo mật thông tin người tố cáo.

Về bảo vệ người tiến hành thanh tra, đại biểu Nguyễn Tạo kiến nghị bổ sung quy định bảo vệ trước các hành vi can thiệp trái pháp luật như đe dọa, mua chuộc, gây áp lực hay cung cấp thông tin sai lệch nhằm làm sai lệch kết luận thanh tra. Các biện pháp bảo vệ bao gồm bảo mật thông tin cá nhân và hỗ trợ pháp lý cho người bị can thiệp.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung hành vi thay đổi, làm sai lệch tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra vào danh mục các hành vi bị nghiêm cấm để ngăn chặn tác động tiêu cực làm ảnh hưởng đến kết quả thanh tra.

Đại biểu Nguyễn Tạo cũng đề nghị bổ sung chế tài xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi không cung cấp, trì hoãn hoặc cung cấp sai thông tin dẫn đến né tránh, làm chậm trễ quá trình thanh tra...

Không còn phân biệt hành chính và chuyên ngành

Theo báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu thảo luận tại tổ, Thanh tra Chính phủ cho biết tại phiên thảo tổ hôm 8-5, đã có 88 lượt ý kiến đại biểu góp ý sôi nổi, trách nhiệm.

Một trong những nội dung quan trọng là việc sửa đổi, thống nhất khái niệm thanh tra. Theo dự thảo luật, thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, kết luận, kiến nghị xử lý của cơ quan thanh tra đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

Sau khi sắp xếp lại tổ chức thanh tra theo hướng không còn thanh tra bộ, thanh tra sở, hoạt động kiểm tra chuyên ngành sẽ do thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp thực hiện. Nếu cần thanh tra, các bộ, sở có thể đề nghị Thanh tra Chính phủ hoặc Thanh tra tỉnh thực hiện.

Dự thảo luật cũng quy định rõ: Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật; nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm thì xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra làm rõ.

Liên quan đến việc xử lý chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán, dự thảo luật bổ sung quy định phối hợp khi phát hiện chồng chéo, trùng lặp, cơ quan thanh tra phối hợp với Kiểm toán Nhà nước để bảo đảm một nội dung chỉ do một cơ quan thực hiện”.

Tuy nhiên, dự thảo không quy định cụ thể về xử lý chồng chéo giữa thanh tra và hoạt động giám sát, kiểm tra chuyên ngành do có sự khác biệt về nội dung và phương pháp. Thanh tra Chính phủ cho biết sẽ tham mưu Chính phủ ban hành nghị định riêng để xử lý vấn đề này.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/lo-ngai-chong-cheo-giua-hoat-dong-thanh-tra-va-kiem-tra-post851063.html