Lo ngại mất cân bằng nhân lực vì học lệch

Những năm gần đây, các ngành kỹ thuật ít được người học ưu tiên lựa chọn, dễ dẫn đến mất cân bằng trong thị trường lao động, tạo ra khủng hoảng thừa nhân lực khoa học xã hội trong tương lai.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, cứ 10 thí sinh dự thi thì có hơn 6 em chọn thi tổ hợp khoa học xã hội. Khi nhu cầu dự thi lớn, điểm chuẩn vào các ngành khoa học xã hội những năm gần đây cũng theo đó tăng cao. Năm 2023, điểm chuẩn vào nhiều ngành học tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) như Văn hóa học, Việt Nam học, Xã hội học, Quản trị văn phòng, Quản lý thông tin, Văn học… đều trên 25 điểm. Các ngành Báo chí, Tâm lý học, Quan hệ quốc tế, Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Truyền thông đa phương tiện đều trên 26 điểm. Điều này cũng diễn ra tương tự ở hai cơ sở đào tạo khối khoa học xã hội ở phía Bắc là Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội và Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Lý giải việc các ngành khoa học xã hội nhận được sự quan tâm cao của thí sinh, ThS Trần Nam (Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM) cho rằng, điều này có gốc rễ từ sự thay đổi trong cấu trúc xã hội Việt Nam. “Khi kinh tế, khoa học kỹ thuật phát triển mạnh, cơ cấu nghề nghiệp cũng có sự thay đổi mạnh. Trong đó, tỷ lệ việc làm có áp dụng tri thức khoa học xã hội nhân văn trở nên nhiều hơn trong khi nhân lực đáp ứng nhà tuyển dụng thì lại thiếu”, ông Nam nói.

Ở chiều ngược lại, khối ngành kỹ thuật “hạ nhiệt” khi không có quá nhiều thí sinh ưu tiên lựa chọn. Trong số 200 thí sinh có tổng điểm cao nhất cả nước trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, có tới 195 thí sinh chọn bài tổ hợp khoa học xã hội, trong khi chỉ có 5 thí sinh chọn bài tổ hợp khoa học tự nhiên. Điều này cho thấy điểm số cao phần lớn đến từ các môn xã hội và số thí sinh đăng ký khối xã hội quá lớn so với khối tự nhiên.

Sinh viên học ngành công nghệ kỹ thuật ô tô tại Trường ĐH Công nghệ TPHCM Ảnh: N.L

Trong những năm gần đây, điểm chuẩn nhiều ngành của Trường ĐH Giao thông-Vận tải TPHCM phổ biến ở mức 17-19 điểm. Tức chỉ cần hơn 6 điểm mỗi môn, thí sinh có thể đỗ nhiều ngành như Khai thác máy tàu thủy và quản lý kỹ thuật, Cơ khí, Điện tử - Viễn thông, Môi trường, Xây dựng… Ngành Kỹ thuật Địa chất có chỉ tiêu hằng năm là 30, nhưng trong 3 năm 2019, 2020 và 2022, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) chỉ tuyển được lần lượt 4, 9 và 10 sinh viên. Các ngành Khoa học môi trường, Công nghệ kỹ thuật môi trường cũng giảm gần một nửa số sinh viên nhập học, từ hơn 100 xuống còn hơn 60.

Từ sự mất cân đối này, ông Đặng Minh Tuấn (giảng viên khoa Sư phạm, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) lo ngại nguồn nhân lực cho khoa học và công nghệ trong tương lai sẽ trở nên hiếm hoi. “Chúng ta cần tự hỏi có phải do các môn học tự nhiên quá khó, hay do khó khăn trong tìm kiếm việc làm mà nhiều học sinh không chọn học kỹ thuật”, ông Tuấn đặt vấn đề. Ông cũng lo ngại, nếu tình hình này tiếp tục, nước ta sẽ không có đủ nguồn nhân lực để phát triển các ngành công nghệ bán dẫn, vật liệu, y sinh, khoa học và công nghệ cơ bản...

Hơn 60% học sinh TPHCM chọn thi tốt nghiệp THPT khối Khoa học Tự nhiên

Tại TPHCM, có 60,85% học sinh chọn tổ hợp khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) để dự thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, hơn hẳn mức trung bình cả nước (37%). Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, đây là hướng đi đúng đắn trong công tác hướng nghiệp của thành phố.

Nhàn Lê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lo-ngai-mat-can-bang-nhan-luc-vi-hoc-lech-post1656482.tpo