Lo ngại thị trường ngũ cốc bị trục lợi
Theo báo Guardian (Anh), 4 công ty kinh doanh ngũ cốc hàng đầu thế giới đã đạt mức lợi nhuận cao kỷ lục hoặc gần kỷ lục. Mức doanh thu này đến trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng do giá lương thực tăng hơn 20%.
Bất công
Theo Chương trình Lương thực thế giới, khoảng 345 triệu người đứng trước nguy cơ bị nạn đói đe dọa, so với con số 135 triệu người trước đại dịch Covid 19. Trong khi đó, mức doanh thu cao của 4 công ty xuất khẩu ngũ cốc lớn gồm Archer-Daniels-Midland, Bunge, Cargill và Louis Dreyfus đã phơi bày hậu quả của việc đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu.
4 công ty lớn trên (đang kiểm soát khoảng 70%-90% thương mại ngũ cốc toàn cầu) dự báo nhu cầu sử dụng ngũ cốc sẽ vượt nguồn cung ít nhất cho đến năm 2024, có khả năng giúp họ đạt doanh thu và lợi nhuận thậm chí cao hơn trong hai năm tới.
Doanh thu của Cargill đã tăng 23%, lên mức kỷ lục 165 tỷ USD trong năm kết thúc vào ngày 31-5. Trong khi Archer-Daniels-Midland có lợi nhuận cao lịch sử trong quý thứ hai của năm. Doanh thu của Bunge đã tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý thứ hai. Công ty Louis Dreyfus báo cáo lợi nhuận năm 2021 tăng hơn 80% so với năm trước.
Ông Olivier De Schutter, đồng chủ tịch IPES-Food (Ủy ban chuyên gia quốc tế về hệ thống lương thực bền vững), cho rằng, việc các công ty lương thực lớn đạt lợi nhuận kỷ lục vào thời điểm nạn đói gia tăng là bất công. Lẽ ra những công ty này phải có nhiều hành động thiết thực hơn với cộng đồng để ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực ngay từ đầu.
Ông Olivier De Schutter lo ngại thị trường ngũ cốc toàn cầu có nguy cơ bị trục lợi. Các công ty này thiếu minh bạch thông tin về số lượng ngũ cốc nắm giữ và không có cách nào buộc họ phải giải phóng ngũ cốc dự trữ kịp thời.
Cần phá thế độc quyền
Trong bối cảnh đó, các tổ chức và chuyên gia đã kêu gọi đánh thuế lợi nhuận của các công ty thực phẩm. Theo bà Sandra Martinsone, thuộc mạng lưới từ thiện Bond (Anh), nếu các chính phủ không áp thuế lợi nhuận với các công ty ngũ cốc, họ nên xem xét các biện pháp khác để kiềm chế giá, như áp giá trần hoặc quản lý chặt chẽ hơn đối với giao dịch hàng hóa.
Bà cho biết, các công ty thực phẩm và các nhà đầu cơ hàng hóa cũng bị đổ lỗi là nguyên nhân gây tăng giá thực phẩm hơn 10 năm trước, khi giá tăng cao dẫn đến bạo loạn ở nhiều quốc gia.
Một số ý kiến khác cho rằng, giá lương thực tăng còn do nhiều nguyên nhân khác. Xung đột ở Ukraine là lý do quan trọng, vì Ukraine là một trong những nước sản xuất ngũ cốc, dầu hướng dương, bắp và phân bón hàng đầu thế giới.
Xung đột đã khiến giá lương thực tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay vào tháng 3, mặc dù giá một số mặt hàng đã có xu hướng giảm nhẹ trong thời gian gần đây. Ngũ cốc bị tồn đọng tại Ukraine đã được giải quyết nhưng vụ thu hoạch ở Ukraine và Nga sẽ bị ảnh hưởng trong năm nay và năm tới. Giá năng lượng và phân bón tăng cũng có tác động, trong khi nhu cầu phục hồi sau Covid-19 đã tạo thêm áp lực lên giá cả.
Vụ thu hoạch ngũ cốc ở châu Âu, Bắc Mỹ và Ấn Độ cũng bị ảnh hưởng do khủng hoảng khí hậu. Tất cả điều này tạo nên một bối cảnh thuận lợi cho các nhà sản xuất ngũ cốc. Nhu cầu đối với sản phẩm của họ đang tăng cao, nguồn cung bị hạn chế và mặc dù giá đầu vào năng lượng và phân bón tăng nhưng lợi nhuận vẫn được đảm bảo.
Theo ông De Schutter, một trong những biện pháp hiện nay là phải phá bỏ thế độc quyền đang kìm hãm chuỗi thực phẩm. Hiện chỉ có một số ít công ty kiểm soát thị trường hạt giống và phân bón toàn cầu. Họ đang thu về lợi nhuận khổng lồ.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//lo-ngai-thi-truong-ngu-coc-bi-truc-loi-837174.html