Lo ngại thuế quan 'thổi bay' hơn 9.000 tỷ đồng vốn hóa doanh nghiệp thép
Chỉ trong phiên 10/2, hàng nghìn tỷ đồng vốn hóa của nhóm doanh nghiệp thép niêm yết đã 'bốc hơi' khi quyết định của Tổng thống Trump ảnh hưởng mạnh đến tâm lý nhà đầu tư, qua đó tác động lên hàn thử biểu của nền kinh tế.
Thông tin từ Tổng thống Mỹ Donald Trump về kế hoạch áp thuế nhập khẩu 25% với toàn bộ nhôm, thép vào Mỹ nhanh chóng khiến các cổ phiếu doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng như thép, tôn… đồng loạt lao dốc trong phiên giao dịch đầu tuần. Chỉ trong một phiên giao dịch ngày 10/2, vốn hóa của 6 doanh nghiệp tôn thép lớn trên thị trường đã bị “thổi bay” gần 9.200 tỷ đồng.
Đối với mặt hàng này, ông Trump đã áp thuế 25% lên thép và 10% lên nhôm trong nhiệm kỳ đầu tiên. Một số đối tác thương mại được miễn thuế gồm Canada, Mexico và Brazil; sau này mở rộng diện miễn thuế thêm Anh, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư đã khiến thị trường "nhạy cảm quá đà", khiến dòng cổ phiếu tôn thép đối diện làn sóng bán tháo, đẩy thị giá đồng loạt rơi sâu cùng khối lượng giao dịch tăng đột biến.
![Biến động giá một số cổ phiếu doanh nghiệp thép trong phiên 10/2.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_72_51446230/ceff89f2bdbc54e20dad.jpg)
Biến động giá một số cổ phiếu doanh nghiệp thép trong phiên 10/2.
Chưa đầy một tháng kể từ khi Tổng thống Trump chính thức trở lại Nhà Trắng, câu chuyện thuế quan đã sớm “sôi sục”, dấy lên căng thẳng thương mại trên toàn cầu. Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế 25% với hàng hóa Canada, Mexico và 10% với hàng hóa Trung Quốc. Dù Mỹ đã hoãn áp thuế nhập khẩu với Mexico và Canada sau khi đạt thỏa thuận siết hoạt động buôn lậu và nhập cư, thuế nhập khẩu của Mỹ với Trung Quốc vẫn có hiệu lực từ ngày 4/2. Vừa qua, Tổng thống Mỹ cho biết sẽ công bố áp thuế với nhiều nước ngay tuần này. Việc áp thuế nhập khẩu đối ứng (reciprocal tariff) được ông Trump kỳ vọng có thể giảm thâm hụt của Mỹ.
Trong các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, sắt thép thậm chí còn không nằm trong top 10 hàng hóa xét về giá trị xuất khẩu. Diễn biến của thị trường sau tuyên bố bất ngờ của Tổng thống Trump đối với mặt hàng thép và nhôm đang cho thấy cách thức phản ứng nhanh của thị trường chứng khoán - hàn thử biểu của nền kinh tế.
Theo thống kê của AFA Capital, nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ nhiều nhất đứng đầu là các mặt hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử; máy móc, thiết bị; dệt may; điện thoại; gỗ; giày dép hay thủy sản… Các mặt hàng này hoàn toàn cũng có thể nằm trong “tầm ngắm”.
![Top 10 mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trong 11 tháng đầu năm 2024.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_72_51446230/28a57ca848e6a1b8f8f7.jpg)
Top 10 mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trong 11 tháng đầu năm 2024.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital đánh giá chính sách thuế quan của chính quyền Trump nhiệm kỳ thứ hai đối với thế giới và Việt Nam là một trong các rủi ro hàng đầu trong năm 2025.
Ở kịch bản cơ sở với xác suất xảy ra lớn nhất, AFA Capital cho rằng triển vọng xuất khẩu của Việt Nam vẫn khả quan nhờ sự chênh lệch về thuế quan với các đối thủ cạnh tranh trong hoạt động xuất khẩu. Cùng đó, Việt Nam cũng sẽ thu hút sự dịch chuyển thương mại, không mang tính chất nhập từ Trung Quốc xuất đi Mỹ. Dù vậy, trong kịch bản tiêu cực hơn, xuất khẩu của Việt Nam cũng có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực do mức thuế quan tương đối cao và sự sụt giảm tổng cầu do chiến tranh thương mại.