Lo ngại trường chất lượng cao, học phí cao cản trở học sinh nghèo tới lớp

Trường chất lượng cao là một nội dung đang được bổ sung vào Luật Thủ đô và ĐBQH lo ngại mô hình này gây phân tầng, làm giảm tính công bằng của giáo dục công lập.

Thảo luận tại Quốc hội chiều nay, 28-5, ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) cho rằng luật hóa trường chất lượng cao trong hệ thống giáo dục phổ thông công lập vào Luật Thủ đô sẽ thúc đẩy xu hướng mở rộng mô hình này. Trong khi đó báo cáo tổng kết thi hành Luật Thủ đô lại chưa đánh giá được toàn diện các bất cập, vướng mắc.

Trường chất lượng cao là việc của tư nhân, công lập nên đại trà

Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trường chất lượng cao được thể hiện dưới khái niệm "cơ sở giáo dục chất lượng cao". Tuy nhiên, kèm theo đó mới là tiêu chí tuyển sinh đầu vào, còn đầu ra thì bỏ trống.

ĐBQH đoàn Quảng Bình cho rằng qua thực tiễn, mô hình trường chất lượng cao đang là mối băn khoăn của nhiều cử tri Thủ đô. Chẳng hạn, mức trần học phí đối với các trường này trong năm học 2023 -2024 là 5-6 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản đóng góp khác.

“Nhiều trường công lập có chất lượng đang làm đề án xin nâng lên thành trường chất lượng cao. Điều này khiến nhiều phụ huynh lo lắng khi học phí cao mà gia đình có điều kiện thì biết chuyển con sang trường học nào” – bà Nga nói.

 ĐB Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình)

ĐB Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình)

Đấy là chưa kể, nhiều trường phổ thông công lập ở Hà Nội đang trong tình trạng quá tải, có nơi trên 60 học sinh/lớp. “Điều này cho thấy, Hà Nội còn chưa đáp ứng được đủ trường học công lập cho yêu cầu giáo dục đại trà. Nay đầu tư nhiều cho trường chất lượng cao, học phí cao nếu không thận trọng sẽ dẫn đến phân tầng giáo dục” – bà Nga nói.

Theo ĐBQH này, hệ thống trường phổ thông công lập không nên có sự phân tầng, mà trước hết phải đảm bảo cơ hội tiếp cận công bằng trong giáo dục. Tức là phát triển mô hình trường học hạnh phúc, không có trường chuyên, lớp chọn.

Không phủ nhận thực tế là trong xã hội có nhu cầu về giáo dục chất lượng cao, nhưng bà Nga cho rằng việc này nên để trường tư đáp ứng.

“Tôi đề nghị Chính phủ cân nhắc mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao. Cần đánh giá tác động của mô hình này để không trái quan điểm chung về giáo dục và nguyên tắc về trường công. Đề nghị Hà Nội tập trung đầu tư làm trường mầm non, phổ thông công lập đáp ứng yêu cầu cho mọi trẻ em được đến trường”, ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga nhấn mạnh

Giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Vấn đề mà ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga nêu ra tại Quốc hội hôm nay không phải là mới. Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được đưa ra xin ý kiến Quốc hội từ tháng 10 năm ngoái, và vấn đề này từng gây tranh luận.

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết các quy định trong dự thảo là sự kế thừa, hoàn thiện thêm trên cơ sở các quy định còn phù hợp của Luật Thủ đô hiện hành. Và việc này có cơ sở chính trị là các nghị quyết của BCH Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Với Hà Nội, thực tiễn cho thấy các trường chất lượng cao đã trở thành nòng cốt cho toàn hệ thống giáo dục địa phương nhằm tạo ra sản phẩm giáo dục có khả năng đáp ứng tốt nhất yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Đây cũng là giải pháp để thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, tạo tiền đề để các trường công lập từng bước tiến tới tự chủ toàn bộ về tài chính.

“Với lý do đó, Luật Thủ đô cần quy định việc xây dựng và phát triển các cơ sở giáo dục chất lượng cao trên địa bàn để tạo cơ sở pháp lý phát triển mạnh mẽ hơn các cơ sở giáo dục này” – báo cáo nêu.

Theo đó hướng đó, dự thảo sửa đổi Luật Thủ đô không chỉ bổ sung khái niệm “cơ sở giáo dục chất lượng cao” mà còn quy định rõ về thẩm quyền công nhận, thu hồi quyết định công nhận cơ sở giáo dục chất lượng cao. Làm rõ hơn nội dung về cơ chế tài chính áp dụng; tiêu chí về cơ sở vật chất, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục.

Dự thảo cũng quy định một số nguyên tắc về tiêu chuẩn, điều kiện đội ngũ giáo viên, việc thuê giáo viên người nước ngoài; việc điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục mầm non, phổ thông đối với một số môn học, hoạt động giáo dục bổ trợ tại cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao nhằm bảo đảm sự chủ động và tính khả thi, phù hợp với điều kiện phát triển giáo dục, đào tạo của Thủ đô.

Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khẳng định Hà Nội sẽ cụ thể hóa các tiêu chí phát triển giáo dục, trong đó có giáo dục công lập, đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập cơ bản của công dân trên địa bàn để tránh mất cân đối khi phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục chất lượng cao.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/lo-ngai-truong-chat-luong-cao-hoc-phi-cao-can-tro-hoc-sinh-ngheo-toi-lop-post792908.html