Lo ngại với những ca bệnh rối loạn dạng cơ thể
Chiều 29-1, bác sĩ Trịnh Thị Vân Anh, Phòng Rối loạn liên quan đến stress và sức khỏe tình dục và giới tính (Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thời gian gần đây có khá nhiều ca bệnh rối loạn dạng cơ thể.
Rối loạn dạng cơ thể là tình trạng rối loạn tâm thần dễ nhận thấy do người bệnh chú ý quá mức về sức khỏe của mình. Bệnh kéo dài có thể gây các biến chứng nghiêm trọng, do đó cần được điều trị sớm để giảm thiểu nguy cơ.
Bác sĩ Trịnh Thị Vân Anh chia sẻ về ca bệnh rối loạn dạng cơ thể.
Bác sĩ Trịnh Thị Vân Anh chia sẻ, các bác sĩ đã điều trị cho bệnh nhân T.M.H (54 tuổi, Bắc Giang). Bệnh nhân này thường xuyên than phiền nóng rát thượng vị, ngực và hồi hộp. Theo chia sẻ của người nhà, bệnh nhân lập gia đình nhiều năm, có 3 người con, gia đình hòa thuận, chồng bệnh nhân hiền lành, các con đều ngoan ngoãn, 2 con đầu đi làm, con út đang học đại học.
Bác sĩ Vân Anh cho biết, khai thác sâu tiền sử, chị T chia sẻ thường xuyên có mâu thuẫn, căng thẳng với mẹ chồng những việc nhỏ nhặt. Gia đình bệnh nhân hiện đã ở riêng, không sống chung với mẹ chồng nhưng thỉnh thoảng vẫn có mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu. Khoảng 2 năm nay, bệnh nhân ban đầu xuất hiện ngủ kém, hay trằn trọc khó vào giấc, ngủ không sâu và thường thức dậy vào lúc khoảng 4 giờ sáng, không thể ngủ lại được.
Sau đó, bệnh nhân xuất hiện nóng rát vùng thượng vị, có lúc cảm giác nóng rát lan cả bụng, lan ra sau lưng, kèm theo đau tức vùng thượng vị, cảm giác thức ăn trào ngược lên họng. Bệnh nhân đã đi khám ở bệnh viện tỉnh, được nội soi dạ dày thực quản, được chẩn đoán viêm dạ dày - trào ngược thực quản, uống thuốc theo đơn. Lúc đầu bệnh nhân có đỡ, cảm giác dễ chịu hơn, nhưng sau nửa tháng bệnh nhân lại có cảm giác nóng rát trở lại, có lúc các biểu hiện cảm giác nặng hơn. Bệnh nhân lo lắng nên cũng đi khám nhiều nơi nhưng tình trạng không cải thiện. Bệnh nhân được giới thiệu đến Viện sức khỏe tâm thần Quốc gia, được chẩn đoán theo dõi rối loạn cơ thể, chỉ định nhập viện điều trị nội trú.
Về căn bệnh này, theo bác sĩ Dương Minh Tâm, Trưởng phòng điều trị rối loạn liên quan stress (Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai) nhấn mạnh, việc điều trị cần phối hợp giữa thuốc và phương pháp tâm lý - đây là biện pháp vô cùng quan trọng. Căn bệnh này chủ yếu từ nhân cách mà ra, hậu quả của tâm lý nhiều. Bởi từ những cơn đau thật của cơ thể nhưng đi khám nhiều nơi không phát hiện ra bệnh cụ thể nên dẫn đến tâm lý lo lắng, buồn phiền. Do đó, nếu mắc phải căn bệnh này thì cần có kế hoạch điều trị lâu dài. Phương pháp thư giãn luyện tập có tác dụng điều trị tốt đồng thời cũng có tác dụng phòng bệnh rất hiệu quả. Thuốc điều trị cần phải có sự chỉ định, theo dõi và giám sát của bác sĩ chuyên khoa tâm thần.