Lo nhà ở xã hội thành kênh đầu tư siêu lợi nhuận
Người ở tỉnh khác, dù đã sở hữu đất đai, vẫn có thể mua nhà ở xã hội tại Hà Nội nếu chưa đứng tên sổ đỏ tại thành phố. Nhiều ý kiến lo ngại giới đầu cơ sẽ tận dụng quy định này để trục lợi chính sách.
Chính sách nhân văn, nhưng dễ bị trục lợi
Giá 25 triệu đồng/m2 là mức cao nhất được ghi nhận đối với phân khúc nhà ở xã hội tại Hà Nội. Dẫu vậy, nếu so sánh với các chung cư thương mại trong khu vực, con số này vẫn thấp hơn 2 - 3 lần.
Người mua chỉ cần đợi sau 5 năm bàn giao, giá bán nhà ở xã hội cũ sẽ tăng vọt và gần như tương đương với nhà ở thương mại. Thực tế này đã được chứng minh tại nhiều dự án nhà ở xã hội từng mở bán trước đó tại Hà Nội.
Ví dụ, nhà ở xã hội Đại Kim Building (quận Hoàng Mai), mức giá mở bán vào năm 2016 là 14 triệu đồng/m2, nay đã lên tới 50 triệu đồng/m2. Hoặc như Rice City Linh Đàm, giá chào bán năm 2014 là 15 triệu đồng/m2, nhưng hiện đã tăng lên 60 triệu đồng/m2.
Nhận thấy tiềm năng tăng giá có thể gấp vài lần, nên không ít người có ý định trục lợi nhà ở xã hội. Thậm chí, nhiều cá nhân còn lợi dụng chính sách nhân văn trong Luật Nhà ở 2023 để phục vụ cho việc đầu cơ. Trước đây, theo Điều 51, Luật Nhà ở 2014, người mua nhà ở xã hội phải đáp ứng điều kiện về cư trú, bao gồm việc có hộ khẩu thường trú tại địa phương nơi có dự án nhà ở xã hội, hoặc có tạm trú từ 1 năm trở lên nếu không có đăng ký thường trú. Nhưng các điều kiện này đã bị loại bỏ trong Luật Nhà ở 2023.
Hiện nhiều người vẫn có thể tìm cách lách quy định bằng việc nhờ người khác đứng tên hộ để mua nhà ở xã hội, sử dụng các mối quan hệ để “hô biến” thông tin thu nhập trong bảng lương.
“Trước đây, người ở Hà Nội chỉ mua được nhà ở xã hội tại Hà Nội, nhưng nay dù có muốn mua nhà ở xã hội tại TP.HCM thì cũng chỉ cần chứng minh chưa có nhà tại địa phương này là có thể mua được”, bà Phạm Thị Thu Hà, Phó trưởng phòng Nhà xã hội (Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng) phát biểu trong một hội nghị về nhà ở xã hội.
Theo phản ánh của nhiều người dân, quy định này có thể tạo ra lỗ hổng. Những người ở tỉnh, thành phố khác, dù đã sở hữu đất đai bạt ngàn, nhưng chỉ cần chưa đứng tên sổ đỏ ở Hà Nội thì họ vẫn đáp ứng điều kiện là người chưa có nhà. Nếu tiếp tục vượt qua các điều kiện về thu nhập, họ hoàn toàn có cơ sở để tranh suất mua nhà ở xã hội tại Thủ đô, mặc dù bản thân không có nhu cầu.
Để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, Luật Nhà ở 2023 đã quy định chủ sở hữu nhà ở xã hội không được bán lại nhà trong thời hạn tối thiểu là 5 năm, kể từ ngày thanh toán đủ tiền mua nhà. Tuy nhiên, luật lại không cấm họ cho thuê.
Trong khi đó, mức giá thuê nhà ở xã hội theo quy định lại không kém gì nhà ở thương mại. Ví dụ, tại NHS Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), giá thuê là 99.000 đồng/m2/tháng. Thậm chí tại N01 Hạ Đình (huyện Thanh Trì), giá thuê lên đến 150.000 đồng/m2/tháng.
Như vậy, người mua nhà ở xã hội chưa chắc đã là người có nhu cầu cấp thiết về nhà ở. Họ vẫn có thể cho thuê, tạo dòng tiền với tỷ suất lợi nhuận còn hấp dẫn hơn cả các chung cư thương mại. Sau khi cho thuê đủ 5 năm, họ có thể rao bán lại với mức giá có thể tăng gấp đôi, gấp ba so với ban đầu.
Xử lý mạnh tay với đầu cơ nhà ở xã hội
Ông Trần Đạt Khánh, CEO Biggee (nền tảng phân tích thông tin bất động sản) cho rằng, việc bỏ các quy định về nơi cư trú không thể coi là một lỗ hổng pháp lý, bởi lẽ mỗi tỉnh, thành phố đều có quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội nhằm mục tiêu giải quyết nhu cầu nhà ở cho lao động tại địa phương.
“Dù họ sở hữu bất động sản ở nơi khác, nhưng nếu sinh sống, làm việc tại địa phương có dự án nhà ở xã hội thì họ vẫn xứng đáng được hưởng chính sách nhà ở xã hội tại khu vực đó”, ông Khánh nói.
Mặt khác, CEO của Biggee cho rằng, các điều kiện về thu nhập cần được siết chặt hơn nữa. Hiện nhiều người vẫn có thể tìm cách lách các quy định bằng việc nhờ người khác đứng tên hộ, sử dụng các mối quan hệ để “hô biến” thông tin thu nhập trong bảng lương.
“Tôi cho rằng, quy định nên có sự ưu tiên đối với các lao động thâm niên. Các khoản tiền lương mà công ty chi trả hàng tháng cần được sao kê rõ ràng. Ngoài ra, khoản thuế thu nhập cá nhân và mức đóng bảo hiểm cũng cần được cung cấp để cơ quan chức năng và chủ đầu tư có thêm thông tin đối chứng”, ông Trần Đạt Khánh kiến nghị.
Vị giám đốc của Biggee cũng thẳng thắn cho rằng, cần xử lý hình sự đối với những trường hợp cố tình lách luật hoặc tham gia các hoạt động đầu cơ, lũng đoạn có tổ chức. Việc này mang tính răn đe mạnh mẽ, giúp chính sách nhà ở xã hội phát huy đúng mục tiêu, phục vụ người lao động thực sự có nhu cầu.
Chia sẻ với phóng viên, giám đốc một doanh nghiệp bất động sản cho biết, hiện việc xét duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội đang được giao cho nhiều cơ quan. Tuy nhiên, chưa có hệ thống dữ liệu liên thông nhằm kiểm tra chéo giữa tài sản - thu nhập - hộ khẩu - việc làm - bảo hiểm xã hội.
“Các hành vi gian lận trong nhà ở xã hội ngày càng tinh vi. Nhưng việc phát hiện và xử lý rất hạn chế. Việc không xử lý đến nơi đến chốn khiến tâm lý xã hội trở nên tiêu cực. Người nghèo thì cho rằng mình không đủ ‘mối quan hệ’ để mua nhà ở xã hội, người trung lưu thì coi đây là kênh đầu tư, còn doanh nghiệp thì nhìn thấy lợi ích của việc ‘lách’ chính sách”, vị giám đốc này bình luận.