Lo sập bẫy nợ, Tanzania hủy 'khoản vay chết người' 10 tỉ USD từ Trung Quốc
Tổng thống Tanzania John Magufuli trong tuần này đã hủy 'khoản vay chết người' trị giá 10 tỉ USD từ Trung Quốc dù thỏa thuận đã được ký từ thời chính quyền tiền nhiệm, nói rằng 'chỉ có kẻ say mới chấp nhận các điều kiện vô lý của Trung Quốc'.
Tờ International Business Times dẫn báo cáo từ các phương tiện truyền thông địa phương cho biết, thỏa thuận vay nói trên nhằm xây dựng một dự án cảng ở thị trấn Bagamoyo của Tanzania, được cho là thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chính quyền Tanzania dưới thời cựu Tổng thống Jakaya Kikwete, đã đồng ý cho các nhà đầu tư Trung Quốc xây cảng với điều kiện họ được bảo lãnh 30 năm và thuê liên tục trong 99 năm.
Một yêu cầu gây sốc khác của giới đầu tư Trung Quốc là chính quyền Tanzania sẽ hoàn toàn “không có quyền ý kiến” về bất cứ nhà đầu tư nào vào cảng này trong suốt thời gian đó. Chính các điều khoản "cho vay chết người" của Trung Quốc khiến nhiều tổ chức và người dân châu Phi cảnh báo rằng động thái này sẽ gây hậu quả thảm khốc, đồng thời yêu cầu cựu tổng thống Kikwete hủy thỏa thuận vay. Tuy nhiên, mối lo ngại của họ đã bị phớt lờ và thỏa thuận vẫn được ký kết.
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống đương nhiệm Magufuli đã tạm dừng khoản vay từ giữa năm ngoái và đề xuất đàm phán lại thỏa thuận, trong đó giảm thời hạn cho thuê xuống còn 33 năm thay vì 99 năm. Chính quyền ông Magufuli cũng muốn các nhà đầu tư Trung Quốc không được ưu đãi về thuế và phải chờ được chính phủ Tanzania thông qua trước khi bắt đầu các hoạt động tại cảng. Song, phía Trung Quốc đã không đáp ứng được hạn chót mà ông Magufuli đặt ra, do đó dự án vay bị hủy bỏ.
Bẫy nợ của Trung Quốc
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc bị cáo buộc đã đẩy các quốc gia nghèo đói trên thế giới vào các bẫy nợ thông qua các dự án thuộc “Vành đai và Con đường”, cho các quốc gia này vay tiền để phát triển hạ tầng và dùng khoản nợ này để thao túng các nước. Cụ thể tại châu Phi, sáng kiến này đang đẩy nhiều quốc gia chìm ngập trong hố nợ sâu không đáy. Theo thống kê của Sáng kiến Nghiên cứu Trung Quốc - châu Phi, từ năm 2000 đến 2017, Trung Quốc cho các nước châu Phi vay khoảng 143 tỉ USD. Khoảng 80% đến từ các tổ chức nhà nước Trung Quốc.
Tại Đông Phi, Kenya vay Trung Quốc khoảng 9,8 tỉ USD để phát triển hạ tầng. Phần lớn các dự án lớn tại nước này đều do các công ty Trung Quốc xây dựng. Gần đây, truyền thông Kenya gây chấn động khi đưa tin chính quyền Kenya thế chấp cảng Mombasa khi vay 3,2 tỉ USD từ Trung Quốc để xây dựng tuyến đường sắt 470 km từ Mombasa đến thủ đô Nairobi. Trong trường hợp Kenya không thể trả nợ, Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Trung Quốc sẽ tiếp quản cảng Mombasa. Đây là một trong những hải cảng lớn và đông đúc nhất Đông Phi.
Không chỉ tại châu Phi, Sri Lanka, quốc gia Nam Á cũng phải giao quyền quản lý cảng Hambantota cho Trung Quốc theo hợp đồng cho thuê kéo dài 99 năm. Kịch bản tương tự cũng xảy ra với cảng Gwadar ở Pakistan khi quốc gia này nợ Trung Quốc tới 10 tỉ USD chi phí xây dựng cảng và một số hạ tầng khác, vì vậy chính quyền Pakistan đã ký hợp đồng cho Trung Quốc thuê cảng trong 40 năm để trừ nợ.
Mỹ đã nhiều lần cảnh báo rằng các khoản cho vay của Trung Quốc đối với nhiều dự án cơ sở hạ tầng sẽ đẩy nhiều nước nghèo rơi vào bẫy nợ.
“Các quốc gia nên cảnh giác với sự độc đoán và những lời hứa sáo rỗng của họ. Họ sản sinh ra sự đục khoét, phụ thuộc và bất ổn”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trong bài phát biểu tại Ủy ban Kinh tế châu Phi thuộc Liên Hợp Quốc tại Addis Ababa (thủ đô Ethiopia) hồi tháng 2.
Trong chuyến thăm Jamaica vào tháng 1, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cũng liên tiếp chỉ trích Trung Quốc, cho rằng các quốc gia không nên nhận "nguồn tiền dễ dàng" từ Bắc Kinh.
“Thật hấp dẫn khi nhận khoản tiền dễ dàng từ những nơi như Trung Quốc, nhưng điều này liệu thực sự có ích nếu số tiền đó nuôi dưỡng tham nhũng và làm suy yếu pháp luật? Có một phương án thay thế tốt hơn… là hợp tác với các doanh nghiệp phương Tây, các doanh nghiệp Mỹ vốn hoạt động dựa trên những giá trị đã được chứng minh để mang lại những thỏa thuận tốt đẹp cũng như những sản phẩm có chất lượng”, ông Pompeo nói.
Ngoại trưởng Mỹ còn cáo buộc các công ty quốc doanh Trung Quốc đang thể hiện sự thiếu minh bạch, không vận hành bằng thị trường và không nhằm mục đích mang tới lợi ích cho người bản địa mà chỉ muốn gặt hái lợi ích cho chính quyền Bắc Kinh.
Hoàng Vũ (theo International Business Times)