Lo sợ Nga cắt khí đốt, Đức 'mất ăn mất ngủ' chuẩn bị cho mùa Đông lạnh giá
Mặc dù Nga đã khởi động lại việc cung cấp khí đốt sau khi dừng vận hành Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream) để bảo trì, nhưng điều này vẫn như một hồi chuông cảnh báo với người Đức về tầm quan trọng của khí đốt trong mùa Đông năm nay.
Nhiều người thuê nhà ở Đức cho biết họ đã nhận được thông báo từ chủ nhà và các công ty quản lý bất động sản về việc tăng chi phí cố định hàng tháng dành cho hệ thống sưởi ấm. Một công ty nhà ở Berlin ra thông báo tăng 100% chi phí sưởi đối với các căn hộ được sưởi ấm bằng khí đốt hoặc dầu.
GdW, một hiệp hội đại diện cho 3.000 công ty nhà ở của Đức, đã tính toán rằng mỗi hộ gia đình sẽ phải chi thêm tới 3.800 Euro (tương đương 3.870 USD) cho năng lượng trong năm tới.
Nỗi lo vô định về Dòng chảy phương Bắc
Tại Bộ Kinh tế Đức, điều hòa không khí đã được ngừng sử dụng cách đây vài tuần và các hệ thống sưởi cũng sẽ hoạt động ít hơn vào mùa Thu. Các cơ quan chính phủ khác cũng áp dụng quy định tương tự.
Thực tế là sự phụ thuộc của Berlin vào khí đốt của Nga đã bị đánh giá thấp trong một thời gian dài. Phần lớn khí đốt từ Nga tới Đức là qua đường ống Dòng chảy phương Bắc.
Năm 2021, thị phần cung cấp khí đốt của Nga là 55% và giờ đây chỉ đạt mức 35%, theo Bộ Kinh tế Đức.
Dòng chảy phương Bắc 1 đã ngừng hoạt động hoàn toàn để bảo trì vào hôm 11/7 và mặc dù đã nối lại vào 10 ngày sau đó, nhưng nhiều câu hỏi đặt ra rằng liệu Nga có tiếp tục một đợt bảo trì khác dài hơi hơn trong mùa Đông tới hay không?
Trong khi đó, Điện Kremlin khẳng định rằng, Nga không sử dụng khí đốt như một phương tiện gây áp lực chính trị.
Bất ổn xã hội tiềm ẩn
Việc tăng chi phí sưởi ấm trong nhà là một vấn đề thực sự đối với những người có thu nhập thấp hoặc trung bình. Một hiệp hội về nhà ở bang Sachsen cảnh báo: "Chúng ta đang nói về sinh kế của các gia đình. Các chính trị gia suy cho cùng cần phải tính đến điều đó".
Không chỉ giá năng lượng tăng cao, mà lạm phát tác động đến mọi thứ trong cuộc sống đang đang tạo gánh nặng cho người dân.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố rõ ràng rằng không có quốc gia nào trên thế giới có thể chịu đựng được mức tăng chi phí. "Chúng tôi sẽ không thể trợ cấp tất cả các mức giá", Thủ tướng Olaf Scholz nhấn mạnh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck kêu gọi người Đức sử dụng tiết kiệm năng lượng trong vài tuần qua.
Tập đoàn bất động sản lớn nhất của Đức, Vonovia, đang có kế hoạch giảm nhiệt độ mặc định trong các tòa nhà được sưởi ấm bằng khí đốt xuống nhiệt độ phòng là 17 độ C (62,6 độ F) vào ban đêm, ước tính sẽ giảm tiêu thụ 8%. Vào ban ngày, việc sưởi ấm sẽ được tiếp tục như bình thường.
Tập đoàn Vonovia cũng cho biết thêm, nguồn cung cấp nước nóng sẽ không bị ảnh hưởng, và sẽ không có hạn chế về việc tắm vòi sen hoặc tắm bồn.
Nhưng ở Dippoldiswalde, một thị trấn nhỏ ở bang Sachsen, một khu nhà đã thông báo cho những người thuê nhà rằng trong thời gian tới sẽ chỉ có nước nóng vào sáng sớm, giữa trưa và chiều tối. Cư dân khu nhà cho biết họ nhận được tin rằng: "Như đã thông báo trong cuộc họp chung, bây giờ chúng ta phải tiết kiệm cho mùa đông".
Điều này đã làm dấy lên một cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Liên bang Klara Geywitz đã nhanh chóng gọi các hạn chế này là bất hợp pháp trong khi Hiệp hội người thuê nhà Đức chỉ ra rằng việc thiếu nước nóng là lý do để giảm tiền thuê nhà.
Không có khí đốt vào mùa Đông?
Đây chính là điều mà chính phủ Đức lo ngại. Ở Berlin, người dân đang hy vọng khả năng tốt nhất nhưng cũng đồng thời chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất là không có khí đốt vào mùa Đông. Một số đạo luật đã được thông qua để giảm thiểu hậu quả của sự thiếu hụt và tác động của việc tăng giá năng lượng.
Đạo luật An ninh Năng lượng Đức quy định rằng các nhà máy nhiệt điện than có thể tăng công suất thay vì các nhà máy chạy bằng khí đốt để đáp ứng nhu cầu sưởi ấm. Trước đây, các nhà máy này được giảm dần vì mục tiêu chống biến đổi khí hậu.
Mặt khác, các công ty năng lượng nhỏ bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng tăng cao sẽ nhận được viện trợ của liên bang hơn, một trong số đó là công ty Uniper. Theo một số nguồn tin, công ty này đã nhận khoản trợ cấp của nhà nước trị giá 9 tỷ Euo.
Ông Friedrich Merz, lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), nhận định: “Đất nước đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi thành lập Cộng hòa Liên bang Đức”.
Ông Merz chỉ ra rằng, Đức đang trải qua tỷ lệ lạm phát cao nhất trong vòng 30 năm và nhấn mạnh đây là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, cán cân thương mại đang giảm xuống khiến nước này nhập khẩu nhiều hàng hóa hơn xuất khẩu. Ông rút ra kết luận, các công ty Đức có nguy cơ mất đi khả năng cạnh tranh quốc tế.
Trong một nghiên cứu được công bố vào cuối tháng 6, Viện nghiên cứu kinh tế Prognos đã xem xét hậu quả của việc ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt của Nga. Nghiên cứu cho thấy rằng, sau 4 tuần, sẽ không còn đủ khí đốt cho tất cả mọi người. Các lĩnh vực như thép, sắt thô, hóa chất và thủy tinh sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, với sản lượng dự kiến giảm khoảng 50%.
Trong bối cảnh đó, toàn bộ nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Các dự đoán ước tính rằng, nếu nguồn cung khí đốt của Nga không đảm bảo, sản lượng kinh tế của Đức có thể giảm 12,7% vào cuối năm nay.