Lo thua lỗ, nhà vườn giảm số lượng hoa Tết
Tỉnh Kiên Giang hiện có hơn 500 hộ trồng cây, hoa kiểng với đủ các loại như: hoa giấy, mai vàng, cúc mâm xôi, cát tường, hướng dương, đặc biệt là hoa vạn thọ được trồng nhiều nhất với số lượng hơn 1 triệu chậu. Vụ hoa Tết Ất Tỵ này, do chi phí đầu vào tăng cao, nhiều nhà vườn chọn phương án giảm số lượng trồng để phòng nguy cơ thua lỗ vào cuối vụ.
Là một trong những hộ gắn bó lâu năm với nghề trồng hoa tết ở xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, bà Võ Thị Trang cho biết, vụ hoa năm nay gia đình trồng 6.000 chậu vạn thọ, giảm 500 chậu so với các đợt trồng hoa bán dịp Tết của nhiều năm trước. Nguyên nhân giảm số lượng theo bà Trang là do giá vật tư nông nghiệp như: hạt giống, phân hóa học, phân rơm, phân tro trấu đều tăng từ 6 - 10% so với vụ hoa bán dịp Tết năm 2024.
“Giá vật tư nông nghiệp từ vụ hoa Tết Giáp Thìn 2024 đã tăng lên khoảng 10% và năm nay tiếp tục tăng, trong khi giá hoa phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường cuối năm. Như dịp Tết năm 2023, giá hoa vạn thọ giảm hơn 5.000 đồng/chậu (do số lượng hoa tăng mạnh, sức mua giảm) so với nhiều năm trước và thương lái mua 15.000 đồng/chậu. Rút kinh nghiệm từ vụ hoa năm rồi, vụ hoa bán Tết Ất Tỵ này, gia đình tôi giảm số lượng 500 chậu để tránh thua lỗ nếu như gặp phải tình trạng “cung vượt cầu”, bà Trang nói.
Bà Huỳnh Thị Kiều, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Giồng Riềng cho biết, toàn huyện có hơn 100 hộ gắn bó với trồng hoa bán vào các dịp Tết Nguyên đán. Vụ hoa Tết năm nay, toàn huyện trồng khoảng 100.000 chậu; trong đó, chủ yếu là hoa vạn thọ, cúc, mồng gà, hoa hướng dương. “Số lượng trồng hoa Tết năm nay giảm khoảng 20.000 chậu so với những năm trước, nguyên nhân chủ yếu là do giá vật tư nông nghiệp, chi phí đầu vào tăng, trong khi giá các loại hoa khá thấp, lợi nhuận không nhiều nên nhà vườn chủ động giảm số lượng để tránh tình trạng “dồn hàng ế chợ”, bà Kiều cho biết thêm.
Làng hoa kiểng An Khương ở xã Minh Hòa, huyện Châu Thành là nơi cung ứng số lượng hoa tết lớn nhất của tỉnh Kiên Giang với số lượng từ 500.000 - 600.000 chậu mỗi năm. Riêng vụ hoa Tết Ất Tỵ 2025 này, làng hoa trồng khoảng 450.000 chậu hoa kiểng các loại như: vạn thọ, ban mai, cúc mâm xôi, cát tường, đồng tiền, hoa sứ. Cũng như nhiều nhà vườn ở các địa phương khác, người trồng hoa tết ở làng hoa An Khương cũng khá lo lắng trước tình hình chi phí đầu vào tăng cao ở đầu vụ.
Ông Trần Văn Nam, ngụ ấp An Khương, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành gắn bó hơn 30 năm với nghề trồng hoa bán vào các dịp Tết cho biết, 32 năm qua, gia đình ông chưa lần nào bị thua lỗ với nghề trồng hoa và chỉ có lãi ít hay nhiều. Tuy nhiên, vụ hoa tết này, ông Nam khá lo lắng, bởi những năm gần đây cây hoa kiểng ở các vùng chuyên trồng như: làng hoa Sa Đéc, Bến Tre, Trà Vinh được vận chuyển về Kiên Giang số lượng lớn làm cho giá hoa tại địa phương giảm thấp.
Theo ông Nam, cả các khoản chi phí đầu tư cho vụ hoa Tết năm nay đều tăng khoảng 10% so với những vụ hoa trước. Cụ thể như, mụn dừa có giá 60.000 đồng/bao (tăng 10.000 đồng), phân tro trấu 25.000 đồng/bao (tăng 8.000 đồng/bao), chậu đựng tăng 600 đồng/chậu... Nhận thấy chi phí tăng cao, trong khi dự báo sức mua hoa kiểng năm nay có thể giảm nên giá bán khó được tăng, nên gia đình ông Nam giảm số lượng từ 3.500 chậu trong dịp tết năm 2024 xuống còn 2.700 chậu (với các loại: vạn thọ, ban mai, cát tường, cúc đồng tiền) phục vụ thị trường hoa Tết 2025.
“Vụ hoa Tết Ất Tỵ này, chi phí bỏ ra cho mỗi chậu hoa vạn thọ, ban mai khoảng 12.000 đồng, vì vậy phải bán được từ 18.000 đến 20.000 đồng/chậu (tăng 5.000 đồng/chậu so với năm 2024) thì người trồng mới có lãi”, ông Nam nói.
Ông Lâm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang cho biết, toàn tỉnh có khoảng 500 hộ trồng cây, hoa kiểng với đủ các loại như: hoa giấy, mai vàng, cúc mâm xôi, cát tường, hướng dương, đặc biệt là hoa vạn thọ được trồng nhiều nhất với số lượng hơn 1 triệu chậu mỗi năm.
Để giúp cho nghề trồng cây, hoa kiểng mang lại hiệu quả kinh tế, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc, tổ chức hội thi, giao lưu trao đổi kinh nghiệm cho các nhà vườn… đồng thời, thống kê số lượng trồng, dự báo tình hình để nhà vườn chủ động ngay từ đầu vụ để tránh tình trạng số lượng cung vượt cầu, đảm bảo lợi nhuận cho người trồng hoa.
“Cùng với đó, Hội Nông dân các cấp cũng phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ vay vốn ưu đãi để nhà vườn đầu tư, tạo chỗ nơi mua bán vào dịp Tết vừa giúp ổn định đầu ra, giá cả vừa tạo điều kiện thuận lợi người dân tham quan chợ hoa và mua sắm”, ông Toàn cho biết thêm.