Lo trẻ nhỏ ốm những ngày tựu trường

Chỉ còn vài ngày nữa là các em nhỏ sẽ tựu trường. Đây cũng là thời điểm giao mùa khiến các mầm bệnh phát triển và lây lan bệnh lẫn nhau giữa các em.

(SGTT) – Chỉ còn vài ngày nữa là các em nhỏ sẽ tựu trường. Đây cũng là thời điểm giao mùa khiến các mầm bệnh phát triển và lây lan bệnh lẫn nhau giữa các em.

Dịch sốt xuất huyết đang bủa vây TPHCM và hầu hết các tỉnh thành trên cả nước. Bên cạnh đó, những dịch bệnh phổ biến như tay chân miệng, sốt phát ban… và các bệnh do ký sinh trùng lây lan cũng là nguy cơ đe dọa sức khỏe học sinh, nhất là các em nhỏ. Mối nguy này sẽ càng trầm trọng nếu các cơ sở đào tạo thiếu kỹ lưỡng trong việc giữ gìn môi trường học tập, sinh hoạt sạch sẽ và phòng bệnh đúng cách.

Trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm do lây lẫn nhau khi bắt đầu đi học lại. Ảnh: The StraitTimes.

Trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm do lây lẫn nhau khi bắt đầu đi học lại. Ảnh: The StraitTimes.

Ở lứa tuổi mẫu giáo, hầu hết các em sẽ trở lại với các buổi sinh hoạt tập thể. Những em theo học bán trú sẽ ăn, ngủ, chơi cùng nhau gần như cả ngày. Thêm vào đó, hệ miễn dịch của các em nhỏ còn yếu ớt. Đây là những điều kiện thuận lợi cho việc lây lan bệnh truyền nhiễm qua đường tiếp xúc, hô hấp và tiêu hóa. Ngoài ra, mùa tựu trường nằm trong mùa mưa, nên các em cũng dễ bị những bệnh như sốt xuất huyết, nhiễm siêu vi, cảm cúm và suyễn.

Nhóm bệnh do vi khuẩn, vi rút

Thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng TPHCM 1 cho thấy, ba nhóm bệnh phổ biến trong mùa tựu trường là các bệnh về hô hấp, sốt xuất huyết và tay chân miệng. Các bệnh truyền nhiễm, lây lan thường gặp trong nhóm tuổi 3-9 thường là do nhiễm khuẩn hô hấp và nhiễm siêu vi. Những bệnh do nhiễm khuẩn hô hấp thường là, cúm, sởi, thủy đậu, ho gà, quai bị, rubella… Những bệnh nhiễm siêu vi điển hình gồm viêm họng, viêm kết mạc, rất thường gặp ở các nhà trẻ, có thể gây thành dịch. Nguyên nhân lây là do siêu vi từ những giọt dịch tiết hô hấp chứa siêu vi bắn ra mỗi khi trẻ nhiễm bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện, khóc và la hét. Siêu vi từ đó bám vào các vật dụng, đồ chơi, lây trực tiếp hay qua tay khi trẻ dùng tay quệt mũi, dụi mắt, mút tay.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1, tháng 8-9 là thời điểm bệnh tay chân miệng vào giai đoạn cao điểm dễ lây lan. Trẻ mắc bệnh thường sốt, mệt mỏi, ăn kém, đau họng và xuất hiện những nốt ban đỏ gây khó chịu và cản trở sinh hoạt thường ngày của các bé. Bệnh rất dễ lây lan thành dịch qua đường nước bọt và dùng chung dụng cụ sinh hoạt. Trường hợp không được điều trị đúng cách và kịp thời có thể bị biến chứng nặng dẫn đến tử vong.

Đặc biệt, hiện bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát trên cả nước. Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2019 đến nay cả nước có khoảng 109.000 người mắc sốt xuất huyết, trong đó có 10 người tử vong. Các em nhỏ đi học lại vào đúng tháng cao điểm của mùa dịch sốt xuất huyết. Đó là chưa kể đến diễn biến bất lợi của thời tiết, xen kẽ những đợt nắng nóng và mưa lớn khiến vật trung gian truyền bệnh là muỗi sinh sôi, nảy nở và phát triển mạnh.

Bệnh do nhiễm ký sinh trùng

Mặc dù ngày nay môi trường sống sạch sẽ, hiện đại hơn xưa nhưng nhiều trẻ đi học về cha mẹ vẫn phát hiện con có chấy (chí) trên đầu. Nguyên nhân là do nằm ngủ chung hoặc lây từ gối, chăn để chung trên lớp học. Chấy là ký sinh trùng nhỏ bé, sống bám giữa các sợi tóc của con người và hút máu từ da đầu. Bé gái từ 3 tới 12 tuổi có nguy cơ nhiễm loại ký sinh trùng này cao nhất, trẻ em nam vẫn mắc nhưng với tần suất thấp hơn. Chấy rất dễ lây lan, khi phát hiện chấy, cần phải dùng thuốc diệt với sự hướng dẫn của bác sĩ và dược sĩ.

Ngoài ra, các bé còn dễ nhiễm ký sinh trùng đường tiêu hóa do việc vệ sinh tay của các trẻ không tốt và những thói quen như mút tay, cắn móng tay, bốc thức ăn, ngoáy mũi nhưng lại không rửa tay. Đặc biệt, thói quen ăn quà vặt ở vỉa hè, hàng quán ở cổng trường dễ gây ngộ độc thực phẩm hay rối loạn tiêu hóa do ăn đồ không đảm bảo vệ sinh.

Phòng bệnh và hỗ trợ miễn dịch cho trẻ

Tay chân miệng là dạng bệnh rất dễ lây lan, do vậy, nhà trường và phụ huynh cần phải thực hành tốt việc vệ sinh, cho học sinh rửa tay thường xuyên và kỹ lưỡng, phát hiện sớm bệnh để trẻ không lây nhiễm lẫn nhau thành những chùm ca bệnh trong lớp.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết ở học sinh, nhà trường cần phải vệ sinh môi trường sạch sẽ, khô ráo, thông thoáng, không để luăng quăng, muỗi sốt xuất huyết phát triển. Trước khi học sinh nhập học, nhà trường cần phun hóa chất diệt muỗi để tạo môi trường sinh hoạt an toàn.

Muốn giúp trẻ em khỏe mạnh, không bị nhiễm bệnh ở trường học, phụ huynh cũng cần tạo cho trẻ một hệ miễn dịch khỏe mạnh để có thể chống lại sự xâm nhập của những yếu tố gây bệnh. Theo nhiều nghiên cứu, nếu trẻ em được cho ăn rau cải và cá thì hệ miễn dịch sẽ được tăng cường đáng kể. Tránh cho trẻ em ăn quà vặt, uống nước giải khát có nhiều đường vì sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch.

Bác sĩ Nguyễn Hiền, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, cho biết để phòng tránh những bệnh trên, cha mẹ cần chích ngừa đầy đủ tất cả những vắc xin sẵn có, giúp trẻ có kháng thể chống lại các bệnh. Bổ sung vitamin C vào chế độ ăn để nâng cao sức đề kháng cho bé vào mùa nắng và có chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Anh Minh

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/lo-tre-nho-om-nhung-ngay-tuu-truong/