Lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải ô tô lưu hành ở Việt Nam sắp có hiệu lực

Bộ Nông nghiệp và Môi trường hiện đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về Dự thảo Quy định lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải ô tô lưu hành ở Việt Nam.

Dự thảo được thông qua sẽ bãi bỏ Điều 4 Quyết định số 16/2019/QĐ-TTg ngày 28 tháng 3 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu.

Theo Dự thảo mới, ô tô có năm sản xuất trước năm 1999 áp dụng kiểm định khí thải mức 1 từ ngày quyết định này có hiệu lực. Ô tô có năm sản xuất từ năm 1999 áp dụng mức 2 từ ngày quyết định này có hiệu lực. Ảnh minh họa.

Theo Dự thảo mới, ô tô có năm sản xuất trước năm 1999 áp dụng kiểm định khí thải mức 1 từ ngày quyết định này có hiệu lực. Ô tô có năm sản xuất từ năm 1999 áp dụng mức 2 từ ngày quyết định này có hiệu lực. Ảnh minh họa.

Với ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén có năm sản xuất từ năm 2017 áp dụng mức 3 từ ngày 1/1/2026.

Riêng ô tô có đăng ký biển số của Hà Nội và TPHCM lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén có năm sản xuất từ năm 2017 áp dụng mức 4 từ ngày 1/1/2026.

Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén có năm sản xuất từ năm 2022 áp dụng mức 4 từ ngày 1/1/2026 và mức 5 từ ngày 1/1/2028.

Đối với ô tô có đăng ký biển số của Hà Nội và TPHCM lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén có năm sản xuất từ năm 2022 áp dụng mức 5 từ ngày 1/1/2027.

Cũng theo Dự thảo, về phương án tổ chức thực hiện, Bộ Nông nghiệp và Môi trường căn cứ vào tình hình thực tế tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các quy định nâng cao mức tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của ô tô lưu hành ở Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ công bố lộ trình tiếp theo.

Bộ Xây dựng sẽ là cơ quan chủ trì tổ chức kiểm tra, chứng nhận phương tiện ô tô đáp ứng mức quy chuẩn khí thải quy định tại quyết định này, đồng thời giám sát các cơ sở đăng kiểm xe cơ giới thực hiện kiểm định khí thải ô tô tuân thủ quyết định này trong kiểm tra, chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Bộ Công Thương chủ trì xây dựng kế hoạch, lộ trình cung ứng nhiên liệu và kiểm soát chất lượng nhiên liệu phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật và lộ trình áp dụng mức khí thải quy định tại quyết định này, hoàn thành báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2025.

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ nghiên cứu, rà soát quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhiên liệu để sửa đổi, bổ sung phù hợp với lộ trình áp dụng các mức khí thải quy định tại quyết định này. Rà soát các quy định về việc công nhận, chỉ định tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo khí thải theo quy định của pháp luật về đo lường để sửa đổi, bổ sung phù hợp với lộ trình áp dụng các mức khí thải quy định tại quyết định này.

Bộ Công An tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ của ô tô theo các mức khí thải tương ứng tại quyết định này, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: căn cứ theo chức năng nhiệm vụ, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Xây dựng trong việc triển khai thực hiện Quyết định này.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng sẽ phối hợp với các Bộ có liên quan tổ chức triển khai thực hiện quyết định này.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tại Việt Nam, một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí là hoạt động giao thông vận tải, trong đó có hoạt động của các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang lưu hành. Ảnh: Nam Nguyễn.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tại Việt Nam, một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí là hoạt động giao thông vận tải, trong đó có hoạt động của các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang lưu hành. Ảnh: Nam Nguyễn.

Kết quả nghiên cứu của một số chuyên gia môi trường cho thấy tỷ lệ đóng góp ô nhiễm bụi từ hoạt động giao thông vận tải giao động trong khoảng từ 20% đến 60%.

Theo các nghiên cứu môi trường, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên vượt ngưỡng khuyến nghị của WHO, trong đó nguồn từ giao thông chiếm tỷ trọng lớn.

Các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong (đặc biệt là xe cũ) có mức phát thải cao hơn nhiều so với các phương tiện mới và chưa có quy định bắt buộc nâng cấp hoặc loại bỏ.

Hiện tại chưa có QCVN đối với khí thải xe ô tô lưu hành ở Việt Nam, vì vậy cần phải xây dựng và ban hành QCVN này để thực hiện quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để sớm triển khai áp dụng lộ trình áp dụng mức khí thải phương tiện ô tô lưu hành ở Việt Nam.

Hiện nay, ô tô đang lưu hành ở Việt Nam chủ yếu chỉ phải đáp ứng Mức 2 theo TCVN 6438:2018, thấp hơn đáng kể so với tiêu chuẩn áp dụng ở các nước trong khu vực như Thái Lan (Euro 4), Singapore (Euro 5-6).

Sự chênh lệch giữa quy chuẩn khí thải của xe nhập khẩu, xe sản xuất mới và xe đang lưu hành tạo ra bất cập trong việc kiểm soát phát thải.

Đặc biệt chưa có cơ chế loại bỏ dần các phương tiện cũ có mức phát thải cao, dẫn đến tình trạng phương tiện cũ vẫn tiếp tục lưu hành, gây ô nhiễm nặng nề hơn.

Do đó, cần xây dựng lộ trình áp dụng QCVN khí thải cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ một cách khả thi và hiệu quả. Giảm thiểu tác động tiêu cực của khí thải giao thông đến chất lượng không khí và sức khỏe cộng đồng. Đồng bộ hóa quy định về khí thải với các tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao khả năng quản lý và kiểm soát ô nhiễm từ phương tiện cơ giới. Tạo động lực thúc đẩy công nghệ xanh trong lĩnh vực giao thông, hỗ trợ sự chuyển đổi sang phương tiện ít phát thải hơn. Đảm bảo sự công bằng và tính khả thi khi triển khai, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội trong quá trình áp dụng quy chuẩn mới.

Hoàng Lâm

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/automotive/lo-trinh-ap-dung-quy-chuan-ky-thuat-quoc-gia-ve-khi-thai-o-to-luu-hanh-o-viet-nam-sap-co-hieu-luc.htm