Loại bỏ các quy định, thủ tục không cần thiết, tránh phát sinh chi phí tuân thủ pháp luật

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Sáu, chiều 24.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Chỉ nên quy định gắn thiết bị giám sát hành trình với xe kinh doanh vận tải

Tán thành với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, các ĐBQH ghi nhận dự thảo Luật lần này đã có nhiều điều chỉnh lớn, cho thấy sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan.

Góp ý về nội dung xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu hình ảnh của người lái xe, dữ liệu hình ảnh bảo đảm an toàn theo quy định, nhiều ĐBQH cho rằng, đối tượng áp dụng như dự thảo Luật là quá rộng.

ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) nêu rõ, tính đến tháng 6.2023, cả nước có trên 6 triệu ô tô và 73 triệu mô tô, xe máy đang lưu hành. Nếu dự thảo Luật được thông qua thì sẽ có đến hàng chục triệu xe máy bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình - điều này khó bảo đảm tính khả thi.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho biết, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, người dân không lắp đặt camera hành trình để "chứng minh sự trong sạch mà thay vào đó cơ quan chức năng phải chứng minh được chủ phương tiện vi phạm giao thông thì mới được xử phạt". Việc lắp các thiết bị cũng can thiệp vào hệ thống điện của xe, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Qua hoạt động tiếp xúc cử tri, đại biểu cho biết, việc quy định bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình như dự thảo Luật là khó khả thi, bởi số lượng xe máy là quá lớn; người dùng có thể phải trả thêm nhiều chi phí lắp, sử dụng thiết bị trong khi thu nhập người dân còn thấp, đời sống còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới.

ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cùng quan điểm, các ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông), Sùng A Lềnh (Lào Cai)... lưu ý, việc bắt buộc lắp thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe sẽ làm mất quyền riêng tư của người điều khiển xe cũng như người ngồi trong xe; gia tăng chi phí tuân thủ pháp luật của người dân mà mức độ an toàn chưa được đánh giá kỹ lưỡng.

Từ những phân tích trên, các đại biểu cho rằng, quy định này chưa phù hợp với thực tế, trong khi đó phạm vi tác động lại khá rộng. Do đó, chỉ quy định gắn thiết bị giám sát hành trình đối với xe kinh doanh vận tải như hiện hành và quy định cụ thể hơn về Trung tâm tích hợp, phân tích dữ liệu để quản lý, sử dụng hiệu quả hơn, không lãng phí. Đối với xe ô tô cá nhân, xe máy, nên quy định theo hướng khuyến khích người dân lắp thiết bị giám sát hành trình; có thể tổ chức thí điểm, có lộ trình áp dụng phù hợp, tránh gây "hiệu ứng ngược".

Đánh giá rõ hơn dự thảo Luật đã bổ sung, loại bỏ bao nhiêu thủ tục hành chính

Cho rằng cần rà soát để loại bỏ các quy định về thủ tục, điều kiện không cần thiết, tránh làm phát sinh chi phí đối với người dân và doanh nghiệp, ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) nêu rõ, phải đánh giá rõ hơn trong dự thảo Luật lần này đã bổ sung và loại bỏ bao nhiêu thủ tục hành chính và điều kiện, thể hiện tinh thần cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp như thế nào? Có quy định nào làm phát sinh thêm thủ tục hành chính và điều kiện không cần thiết cần loại bỏ không?

ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Trần Văn Tuấn lấy ví dụ, khoản 1, Điều 35 quy định “xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu phải được chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường”. Như vậy, không chỉ xe cơ giới, xe máy chuyên dùng mà cả phụ tùng xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu cũng phải được chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. “Điều này có thể sẽ làm phát sinh chi phí không cần thiết, nhất là đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trong nước”, đại biểu nói.

Ngoài ra, tại Khoản 3, Điều 50 quy định “giấy phép lái xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, phương tiện giao thông thông minh có thời hạn”; tại các khoản 8, khoản 9 quy định “Chính phủ quy định chi tiết về hạng giấy phép lái xe, thời hạn giấy phép lái xe quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này”; “Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết trình tự thủ tục cấp và sử dụng giấy phép lái xe...”. Nhất trí với những quy định này, tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Tuấn cho rằng, thực tế có nhiều người do vô tình, không để ý nên không biết giấy phép lái xe của mình đã hết hạn, dẫn đến có thể bị phạt khi tham gia giao thông, theo quy định hiện hành phạt từ 5-12 triệu đồng.

Vì vậy, trong dự thảo Luật hoặc trong quy định chi tiết của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải cần quy định rõ: trước khi giấy phép lái xe hết hạn, chậm nhất là 1-2 tháng, cơ quan chức năng cần thông báo cho người có giấy phép lái xe biết để cấp đổi kịp thời, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Dự thảo Luật lần này bổ sung nội dung về trật tự an toàn xe đưa đón học sinh tại Điều 46. ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho rằng, đây là nội dung mới và rất nhân văn, thể hiện được chủ trương chăm sóc, bảo vệ trẻ em mọi lúc, mọi nơi; bảo đảm tuyệt đối cho trẻ từ học mẫu giáo đến trung học. Thực tế thời gian qua nhiều vụ việc tai nạn thương tâm liên quan đến xe đưa đón học sinh từ sự vô ý, bất cẩn của người lái xe cũng như các giáo viên, phụ huynh. Do đó, việc luật hóa nội dung này là rất cần thiết.

Tuy nhiên, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cũng đề nghị cần xem xét lại cơ sở pháp lý, cơ sở kỹ thuật để quy định niên hạn xe sử dụng đưa đón học sinh là không quá 15 năm. Cùng với đó, cần xem xét đối với xe đưa đón học sinh nên quy định có màu sắc riêng hoặc buộc phải lắp đặt công cụ nhận diện để người tham gia giao thông khi nhìn thấy đều biết đó là xe đưa đón học sinh - đây là quy định tiến bộ, khả thi đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/loai-bo-cac-quy-dinh-thu-tuc-khong-can-thiet-tranh-phat-sinh-chi-phi-tuan-thu-phap-luat-i351532/