Loại bỏ chiêu trò 'sở hữu kỳ nghỉ'

Mới đây, Bộ Công thương lại tiếp tục khuyến cáo nhiều rủi ro từ mô hình 'sở hữu kỳ nghỉ', có nghĩa là mua trước quyền nghỉ dưỡng tại một số khách sạn, resort. Người tiêu dùng cần cảnh giác với các điều khoản quy định chính thức tại dự thảo hợp đồng, cần xác định rõ toàn bộ các chi phí phải đóng trong thời hạn hợp đồng nhằm tránh phát sinh sau này. Trước đó, tháng 7/2023, Bộ Công an cũng đã phát đi cảnh báo về hoạt động mua bán 'sở hữu kỳ nghỉ du lịch' khi có nhiều dấu hiệu lừa đảo, trục lợi.

Theo Bộ Công thương, cần so sánh các thông tin được quảng cáo, chào bán hoặc "cam kết miệng" của doanh nghiệp với các điều khoản quy định chính thức tại dự thảo hợp đồng; đề nghị doanh nghiệp giải thích, làm rõ và sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, cần xác định rõ toàn bộ các chi phí phải đóng trong thời hạn hợp đồng. Hầu hết các hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ hiện nay đều là hợp đồng có thời hạn dài và bên cạnh khoản phí cố định ngay từ đầu, người tiêu dùng sẽ còn phải đóng thêm nhiều khoản phí khác phát sinh trong quá trình thực hiện như phí duy trì/phí thường niên/phí quản lý/phí vận hành/phí thực hiện quyền trao đổi các địa điểm nghỉ dưỡng... Các khoản chi phí này có thể chỉ được quy định trong hợp đồng (không có trong thông tin quảng cáo, chào bán) và có thể không được quy định một cách rõ ràng, đầy đủ.

Trước khi “xuống tiền” tham gia hình thức “sở hữu kỳ nghỉ”, cần phải biết rằng có nhiều điều khoản bất lợi trong hợp đồng, ví dụ như: hạn chế quyền khiếu nại, khởi kiện của người mua; không cho người tiêu dùng hủy ngang hợp đồng; chế tài xử lý vi phạm không công bằng giữa hai bên; các trường hợp bên cung cấp dịch vụ được miễn trừ trách nhiệm ví dụ như không được cơ quan nhà nước cấp phép xây dựng (đối với loại hình có dự án/khách sạn), hoặc bên thứ ba không tiếp tục hợp tác (đối với loại hình không có dự án/khách sạn)...

Như vậy, bên “bán” luôn nắm đằng chuôi, còn thiệt hại (nếu có) sẽ là bên “mua”.

Hơn 1 năm trước, ngày 5/7/2023, Bộ Công an cũng đã phát đi thông tin cảnh báo về hoạt động mua bán “sở hữu kỳ nghỉ du lịch” với nhiều chiêu thức để lừa đảo, trục lợi. Nhất là việc hợp đồng “cài” nhiều điều khoản bảo vệ lợi ích đơn phương cho bên cung cấp dịch vụ, gây bất lợi cho khách hàng, đồng thời gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xác định dấu hiệu tội phạm và bảo vệ nạn nhân khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại.

Theo khuyến cáo của Bộ Công an, khi tham gia mô hình “sở hữu kỳ nghỉ du lịch” khách hàng sẽ đối mặt với một số rủi ro, vì thế cần hết sức thận trọng.

Cùng về vấn đề này, Cục Du lịch cũng từng có văn bản gửi các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về mô hình "sở hữu kỳ nghỉ" - theo nội dung khuyến cáo của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia. Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, lưu trú du lịch, đơn vị khác có cung cấp dịch vụ "sở hữu kỳ nghỉ" phải cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác; thiết lập hợp đồng mua bán kỳ nghỉ phải rõ ràng, không “cài” các điều khoản bất lợi cho người tiêu dùng, trong đó có việc hạn chế quyền khiếu nại, khởi kiện của người mua...

Như vậy, có thể thấy, đối với loại hình kinh doanh “sở hữu kỳ nghỉ”, do ẩn chứa nhiều bất trắc bất lợi cho người tham gia, nên các cơ quan quản lý nhà nước, pháp luật đều đã phải lên tiếng cảnh báo. Tuy nhiên, số người tham gia vẫn tiếp tục gia tăng, từ đó cũng phát sinh nhiều mâu thuẫn hơn. Vì thế, một lần nữa trước hết cần phải tiếp tục cảnh tỉnh người dân khi tham gia phải hết sức cẩn thận, phải hiểu rõ những rủi ro có thể đến để cân nhắc kỹ lưỡng.

Mặt khác đối với bên “bán” hợp đồng kỳ nghỉ, cơ quan chức năng cần kiểm tra, kiểm soát các hợp đồng, nhằm loại bỏ từ đầu những điều khoản “cài cắm” gây bất lợi, thiệt hại cho người tham gia. Chỉ có như vậy thì khi phát sinh khiếu kiện, tranh chấp mới có cơ sở pháp lý để giải quyết. Việc này cũng đã từng xảy ra đối với các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, khi bên “bán” đã cài cắm một cách tinh vi nhiều điều khoản bất lợi cho khách hàng trong phụ lục hợp đồng.

Như vậy, để minh bạch hình thức kinh doanh “sở hữu kỳ nghỉ” thì cần đến 3 yếu tố: người dân (tìm hiểu kĩ hợp đồng) - doanh nghiệp (trung thực trong kinh doanh) - cơ quan quản lý (kiểm tra, giám sát hợp đồng của doanh nghiệp và khẩn trương giải quyết đơn thư của công dân khi có tranh chấp). Đáng tiếc là cho đến nay, có thể nói cả 3 khâu kể trên đều khá lỏng lẻo dẫn tới việc “sở hữu kỳ nghỉ” vẫn như một vết mờ.

Bắc Phong

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/loai-bo-chieu-tro-so-huu-ky-nghi-10287269.html