Loại cam có giá lên đến 120.000 đồng/kg vẫn luôn 'cháy' hàng
Loại cam này được trồng ở Hà Tĩnh luôn trong tình trạng thu không đủ bán, có thời điểm giá đến 120.000 đồng/kg.
Đã khoảng 20 năm trồng cam, gia đình anh Phan Văn Định (Thượng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) cho biết cam giòn là giống cam nổi tiếng ở Hà Tĩnh. Loại cam này thu hoạch thời điểm nào cũng có giá cao, có lúc lên đến 120.000 đồng/kg vẫn không đủ hàng để bán cho khách.
Hiện tại, gia đình anh đang trồng khoảng gần 3ha cam giòn và cam chanh. Hai giống cam này sẽ cho thu hoạch từ cuối tháng 10 Dương lịch đến Tết Âm lịch. Sau Tết, nhà anh vẫn có thêm giống cam chanh muộn để bán cho những khách hàng có nhu cầu.
“Năm nào cũng vậy, cứ đến mua thu hoạch, nhà tôi nhận được rất nhiều đơn đặt hàng. Các công ty, doanh nghiệp thường đặt mua trước sản lượng cam này để làm quà tặng, còn cam chanh thì thương lái sẽ tới tận vườn thu mua”, anh Định chia sẻ.
Cam giòn và cam chanh trong vườn nhà anh Định đều rất sai quả.
Anh cho biết thời điểm đầu mùa thu hoạch, giá cam dao động từ 50.000 – 60.000 đồng/kg, có lúc lên đến 70.000 – 80.000 đồng/kg. Còn vào thời điểm cận Tết, giá cam lên đến 100.000 – 120.000 đồng/kg nhưng không có để bán.
Vì thông thường, cam sẽ cho thu hoạch từ tháng 10 đến khoảng tháng 12 Dương lịch. Nếu không có kinh nghiệm chăm sóc, cam sẽ không thể giữ đến Tết Âm lịch. “Người trồng cam mà không thu hoạch hết thì đến tháng 11 Âm lịch cũng sẽ rụng hết. Hoặc nếu gặp trận mưa nhiều khiến vườn ngập úng cũng sẽ rụng hết. Chưa kể, mưa kéo dài sẽ xuất hiện một loại nấm trên cây, chúng có thể khiến cây rụng quả hết trong vòng 1 tuần và lây lan khắp vườn”, anh nói.
Cam đầu mùa lúc nào cũng bán được giá từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, còn giáp Tết lên đến 100.000 - 120.000 đồng/kg.
Vì vậy, vườn cam giữ quả được đến Tết Nguyên đán mới thu hoạch không dễ dàng gì. Tuy được giá, nhà vườn cũng phải chấp nhận một số rủi ro nhất định như việc cây có thể rụng đến vài tấn quả để vứt đi. Và việc chăm sóc, bón phân cho cây đến Tết mới thu hoạch cũng cần phải có kỹ thuật và kinh nghiệm nhất định, tốn công sức rất nhiều.
Sở dĩ cam nhà anh trồng luôn bán mức giá cao mà vẫn không đủ hàng để bán, anh cho biết trồng cam rất khó và mất thời gian dài mới thu hoạch được quả. Đó là lý do khiến nhiều gia đình quanh khu vực anh sinh sống đều không lựa chọn trồng cam làm kinh tế.
Theo anh, cây cam có thể trồng được trên nhiều loại đất khác nhau. Nhưng vườn trồng phải đảm bảo tiêu thoát nước tốt, đất thoáng khí và không có tầng đất cứng vì tầng đất cứng sẽ làm cản trở sự phát triển của rễ cây.
Nhiệt độ thích hợp là 18-35 độ C. Ánh sáng là một trong những điều kiện quan trọng nhất đối với cây cam, nó quyết định chất lượng quả cam ngọt, giòn và thơm.
Cam cần trồng 4-5 năm mới thu hoạch được quả để bán.
Thời gian tới, anh dự định sẽ mở rộng diện tích và thị trường tiêu thụ.
Để thu hoạch được, người trồng phải chăm sóc cây khoảng 4 năm mới thu được quả bói, còn phải đến 5 năm cây mới sai quả. Chưa kể, quá trình chăm sóc cây cam cũng không đơn giản, chúng dễ bị nhiễm bệnh cần phải theo dõi sát sao.
“Nhiều hộ dân thấy cam được giá, đầu ra không phải nghĩ, họ cũng từng thử trồng. Nhưng không may mắn, họ mua phải giống cam khác nên nhiều nhà đã thất bại. Và do không có kinh nghiệm, quy trình trồng cùng với trồng hộ gia đình nhỏ lẻ, không tập trung chăm sóc nên chỉ tầm 5 năm đầu là cây hư hết còn một số tồn tại mấy năm gần đây cũng lụi”, anh nói.
Khách đến tham quan và trải nghiệm tại vườn cam rộng gần 3ha nhà anh.
Cộng với đó, sản lượng thu quả không đủ, chất lượng không đáp ứng yêu cầu nên cũng khó bán được giá cao như mong muốn. Bởi cam muốn bán được giá cao thì cần phải xây dựng thương hiệu trước.
Mấy năm gần đây, anh cho biết vườn nhà anh còn mở cửa cho khách du lịch ghé vào thăm và thưởng thức cam miễn phí để mọi người biết đến nhiều hơn. Mỗi năm, anh đều đón hàng trăm lượt khách từ học sinh, người đi làm, khách nước ngoài… tới thưởng thức cam và sử dụng các dịch vụ trong vườn.
Anh cũng chia sẻ dự định trong thời gian tới sẽ mở rộng diện tích trồng cam. Đồng thời, anh sẽ đưa quả cam giòn Hà Tĩnh ra thủ đô Hà Nội, tiếp cận khách hàng và mở rộng thêm thị trường tiêu thụ.