Loại củ mệnh danh thực phẩm chống cảm cúm mùa đông, làm được quá nhiều món ngon
Thời tiết ngày đông dễ khiến cơ thể suy giảm miễn dịch, cảm cúm. Bà nội trợ nên lựa chọn các rau củ sẵn có trong mùa này vừa giá rẻ lại tốt cho sức khỏe, giúp tăng sức đề kháng, chống cảm cúm cực tốt.
sống, Thực phẩm chống cảm cúm mùa đông
Thêm loại củ chỉ có ở mùa đông là su hào vào thực đơn bữa cơm gia đình sẽ góp phần bồi bổ cơ thể, tăng sức đề kháng bởi thời tiết lạnh giá dễ khiến cho cơ thể bị suy giảm miễn dịch, cảm cúm.
Ngoài việc giữ ấm cơ thể, chế độ ăn uống làm ấm cơ thể, nâng cao miễn dịch là điều mà ai cũng cần quan tâm.
Các nghiên cứu đã chỉ ra ở trong củ su hào có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như vitamin C, chất xơ, canxi, phốt pho, anbumin, sắt, axit nicotic…
Lương y Vũ Quốc Trung cũng cho biết, theo đông y, su hào được dùng cả củ và lá như một vị thuốc. Su hào có vị ngọt hơi đắng, tính mát tác dụng giải độc, hóa đờm, lợi thủy, tiêu viêm và tốt cho dạ dày.
Với lượng vitamin C nhiều hơn 1,4 lần so với nhu cầu cơ thể cần mỗi ngày, bổ sung su hào trong chế độ ăn uống hàng ngày sẽ làm tăng khả năng miễn dịch, chống cảm cúm cực tốt mùa đông.
Vào mùa đông, sức đề kháng kém có thể dễ bị ho, ho có đờm, có thể dùng su hào để tiêu đờm.
Theo đó dùng lá hoặc củ su hào rửa sạch cắt miếng, cho dầu vừng vào xào rồi nấu canh, ăn ngày 1 - 2 lần hoặc lấy su hào giã nát rồi cho thêm mật ong.
Những món ăn hàng ngày được chế biến từ củ su hào cũng góp phần hỗ trợ tiêu hóa, hỗ trợ trị viêm loét dạ dày, tá tràng…
Một số món ngon chế biến từ su hào
Nộm su hào cà rốt
Chỉ cần bào nhuyễn su hào và cà rốt và sơ chế các nguyên liệu khác, rồi tiến hành trộn cùng nước sốt nữa là bày biện ra dĩa thưởng thức.
Từng sợi su hào, cà rốt giòn ngọt khó cưỡng, đã thế còn đậm đà gia vị vừa ăn, rắc thêm ít đậu phộng rang và ngò rí nữa là hết chỗ chê
Su hào phơi khô
Bởi vì su hào không được bày bán rộng rãi quanh năm như các loại rau củ khác mà chỉ được bán theo mùa, cho nên đây đúng là vấn đề nan giải đối với các "tín đồ" của su hào.
Chỉ cần sơ chế su hào sạch sẽ, cắt từng miếng vừa ăn rồi phơi khô. Ấy vậy khi su hào đã chuyển sang màu vàng nâu, không còn ẩm nữa thì bạn bảo quản trong các hũ đựng thực phẩm được đến 6 tháng luôn đó!
Thế là từ giờ, bất kể khi nào muốn dùng, bạn đem ra ngâm nước từ 15 - 20 phút là sẽ chế biến như các món xào, món nước... thông thường ngay
Su hào xào mực
Đây là món ăn vừa bổ dưỡng, mà lại còn vừa dễ dàng để chế biến nữa.
Cùng với sự góp mặt của cà rốt, cần tây... món su hào xào mực chắc chắn sẽ thơm ngon lắm đây! Đầu tiên, màu sắc của món su hào thật bắt mắt, kế đến là mực cùng su hào giòn ngon đậm vị, đúng là không thể đợi chờ thêm được nữa mà phải bới ngay bát cơm trắng ăn cùng.
Canh su hào thịt bò
Nếu bữa cơm của bạn quá "khô khan", không đủ chất dinh dưỡng thì hãy xem qua món canh su hào thịt bò này để lập tức bổ sung vào danh sách thực đơn của gia đình mình thôi nhé!
Nước dùng được nấu từ thịt bò cho nên ngọt thanh vô cùng, đã thế còn có sự góp mặt từ su hào và cà rốt mềm mềm, rắc thêm ít hành lá nữa thì... khỏi nói!
Su hào kho thịt
Ngày đông các món kho ăn vừa ngon vừa đưa cơm. Món su hào kho thịt vừa dễ làm vừa ngon.
Thịt lợn rửa sạch cắt miếng vừa ăn rồi ướp với hành tím, hạt nêm, đường, bột ngọt, nước mắm, tiêu và nước màu trong 20 phút cho thấm vị. Su hào gọt vỏ, rửa sạch với nước rồi cắt thành miếng nhỏ vừa ăn.
Cho dầu ăn vào nồi đảo thịt đã ướp săn lại. Sau đó cho thêm nước xâm xấp mặt thịt, nước sôi hạ lửa nhỏ rồi nêm gia vị vừa ăn kho trong khoảng 15 phút. Tiếp đó cho su hào vào kho cùng tới khi chín su hào là được. Ngày đông, có thể cho thêm chút hạt tiêu vào.
Lưu ý khi ăn su hào
Su hào rất tốt cho sức khỏe và có thể chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng. Tuy nhiên, theo chuyên gia mọi người không nên ăn quá nhiều su hào trong một ngày dễ dẫn tới bị hao tổn khí huyết. Bởi su hào có thể giải độc, lợi tiểu nên việc ăn nhiều làm cho quá trình thanh lọc diễn ra quá nhanh.
Ngoài ra, su hào được nhiều người lựa chọn cách ăn sống. Tuy ăn sống hàm lượng các chất sẽ cao hơn, nhưng có thể gây đau bụng cho người khó tiêu hóa. Đặc biệt là với trẻ nhỏ, người bị đau dạ dày nên lưu ý và cũng hạn chế ăn món sống như nộm su hào, su hào dầm chua ngọt, su hào trộn...