Loại đặc sản xưa ít người dám ăn, nay giá nửa triệu đồng/kg vẫn đắt như tôm tươi
Nhìn vẻ ngoài, nhiều người sẽ e ngại khi thưởng thức món ăn được chế biến từ loài đặc sản này. Tuy nhiên, ai đã được một lần trải nghiệm chắc có lẽ khó mà quên được.
Ở Cà Mau, có một sản vật được xem là đệ nhất đặc sản xứ U Minh, đó chính là nhộng ong (ong non).
Rừng U Minh Hạ (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) gắn liền với những câu chuyện tiếu lâm về bác Ba Phi hay những cánh rừng tràm xanh bạt ngàn cùng vô số món ăn ngon.
Từ nhiều năm qua, ong mật ở xứ U Minh Hạ (Cà Mau) đem về nguồn thu nhập ổn định cho hàng nghìn gia đình theo nghề gác kèo. Ngoài nguồn lợi mật ong nổi tiếng khắp nơi, nhiều hộ còn có thêm nguồn thu từ việc chế biến các món đặc sản từ nhộng ong.
Trước đây, thợ ăn ong (dân phong ngạn - PV) chủ yếu lấy mật và số ít mang tàn chứa nhộng ong về chế biến thức ăn để nhâm nhi cùng bạn nghề. Những năm gần đây, các món ăn được chế biến từ nhộng ong dần trở thành đặc sản, chinh phục nhiều thực khách khó tính nên các nhà hàng, quán ăn tìm đến tận nhà để thu mua. Nhờ đó, nhiều hộ dân mưu sinh dưới tán rừng tràm có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống, theo Người lao động.
Thông thường, để chế biến nhộng ong thành các món ăn, người làm phải trải qua quá trình sơ chế khá kỹ.
Cụ thể, phần tàng ong chứa nhộng ong sẽ được luộc bằng nước sôi. Lúc này, người làm phải đảo đều vừa để ong chín mà không nát, vừa làm phần sáp tan chảy. Sau đó, tùy vào các món ăn khác nhau sẽ có thêm các bước chế biến nhộng ong.
Chính sự sáng tạo của người dân đã giúp các món ăn từ nhộng ong trở nên rất đặc biệt. Đặc sản nhộng ong làm nên nét đặc trưng trong ẩm thực của xứ U Minh Hạ. Từ đó làm nên sự độc đáo, hấp dẫn cho du khách khi đặt chân đến Cà Mau, theo VietNamNet.
Các món đặc sản nổi tiếng từ nhộng ong có thể kể đến như mắm nhộng ong, cháo nhộng ong, gỏi nhộng ong và lá bầu cuốn nhộng ong hấp...
Để có món ngon trứ danh này, đầu bếp sẽ cho tàn chứa nhộng ong vào nước luộc khoảng 5 phút để phần sáp tan chảy rồi đổ vào rổ lược lấy ong non. Sau đó, cho bắp chuối xắt mỏng vào hỗn hợp nước giấm, đường rồi nêm lại vừa ăn. Công đoạn kế tiếp, trộn nhộng ong non vào và để khoảng 15 phút là có thể thưởng thức.
Anh Nguyễn Thành Đạt (29 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận) cho biết anh chọn U Minh làm điểm đến đầu tiên khi đặt chân đến Cà Mau. Tại đây, anh và các thành viên trong đoàn được người dân địa phương giới thiệu món gỏi bắp chuối nhộng ong.
"Vợ tôi nghe tên món ăn đã e sợ nhưng cha con tôi vẫn quyết định kêu 2 phần để thưởng thức cho biết hương vị món đặc sản U Minh. Thấy cha con tôi khen ngon, bà xã cũng bấm bụng ăn thử và cái kết là hỏi luôn cách làm từ chị đầu bếp" - anh Đạt cười nói.
Món ăn hấp dẫn nhất khi nhắc đến nhộng ong là mắm nhộng ong. Sau khi sơ chế, nhộng ong được để ráo nước. Sau đó, bỏ nhộng ong vào keo cùng một ít muối, đậy nắp lại đem ra phơi nắng. Khi thấy nhộng ong và muối ngấm đều, đổ ong ra trộn đều cùng thính và cho lại vào keo, tiếp tục nắng phơi khoảng 3-4 ngày. Nhộng ong ngả màu vàng nhạt là ăn được.
Cách ăn mắm ong cũng dân dã như cách làm ra nó. Người dùng có thể ăn theo cách đơn giản nhất là gắp từng con một ăn kèm với cơm nguội, ổi, me… Nhưng muốn thưởng thức mắm ong đúng điệu thì phải chuẩn bị những “nguyên liệu” ăn kèm như chuối chát, khóm, rau ngò om, ớt, lá sung…
Ngoài mắm nhộng ong với cách làm khá cầu kỳ, còn có món nhộng ong gói lá bầu hấp.
Ông Trần Văn Nhì (ngụ xã Nguyễn Phích, huyện U Minh), một người thợ ăn ong với kinh nghiệm, cho hay nhộng ong có thể được chế biến thành nhiều món ăn ngon, nhưng món ăn giữ được hương vị đặc trưng nhất của nhộng ong là món nhộng ong gói lá bầu hấp.
Cách chế biến món nhộng ong gói lá bầu hấp khá đơn giản. Chỉ cần lưu ý, do nhộng ong là ong non còn ở trong tổ nên khi chế biến phải thật nhẹ. Sau khi sơ chế, nhộng ong được để ráo nước rồi nêm nếm gia vị vừa ăn. Kế đến, người làm dùng cho nhộng ong vào lá bầu (có thể thay bằng lá mướp, lá khổ qua) gói lại miếng vừa ăn, rồi đem hấp.
KHÁNH LINH (t/h Người lao động, )