Loài động vật bảo vệ gần một phần tư kho dự trữ hạt nhân của Mỹ
Bangor, Washington, hiện là nơi đặt vũ khí hạt nhân lớn nhất trên thế giới và cần được bảo vệ từ mọi phía.
Nằm cách Seattle chỉ hơn 32 km, căn cứ Hải quân Kitsap sở hữu những vũ khí răn đe bí mật và mạnh mẽ nhất của Mỹ. Một trong số đó là tuyến phòng thủ đầu tiên với an ninh quốc gia của nước này: Cá heo.
Kể từ năm 1967, hải quân Mỹ đã huấn luyện cá heo và sư tử biển (và có thể là các sinh vật biển khác) cho các nhiệm vụ quân sự như rà phá bom mìn, bảo vệ và cứu hộ. Chương trình Động vật có vú trên biển của hải quân Mỹ đã triển khai cá heo quân sự từ thời chiến và gần đây là trong cuộc xung đột ở Iraq năm 2003.
Khi bảo vệ bến cảng và tàu thuyền khỏi mìn, cá heo sử dụng sóng siêu âm sinh học đặc biệt để phát hiện các mối nguy hiểm dưới nước, cho dù những nguy hiểm này nằm sâu dưới đáy biển hay bị chôn vùi dưới các lớp trầm tích.
Nếu phát hiện có mìn hoặc vũ khí khác, cá heo quay trở lại nhận một chiếc phao từ người phụ trách để đánh dấu vị trí của thiết bị trên mặt nước. Các tàu đi qua khu vực sẽ tránh những điểm đánh dấu này trong khi các thợ lặn xử lý vật liệu nổ, vô hiệu hóa mối đe dọa bên dưới.
Để bảo vệ lực lượng khỏi các thợ lặn phía đối thủ, cá heo sẽ bơi đến gần "kẻ xâm nhập", dùng miệng va vào và đặt một thiết bị phao lên lưng hoặc chân tay đối thủ. Sau đó, phao sẽ kéo người lặn nổi lên trên mặt nước để quân đội bắt giữ. Đối với sư tử biển, chúng sử dụng một loại còng để gắn phao.
Tại Bangor, Washington, hiện là nơi đặt vũ khí hạt nhân lớn nhất trên thế giới và cần được bảo vệ từ mọi phía, cá heo và sư tử biển của Hải quân Mỹ đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ từ phía biển. Người phát ngôn của Hải quân Chris Haley cho biết, những loài động vật này đã bảo vệ vùng biển xung quanh kho dự trữ hạt nhân từ năm 2010. Tại nơi này có khoảng 25% trong tổng số 9.962 đầu đạn hạt nhân của Mỹ.
Mỹ không phải là quốc gia duy nhất được biết đến với việc đào tạo động vật biển cho những nhiệm vụ kiểu như trên. Tuy nhiên, các nhiệm vụ sử dụng động vật có vú trên biển tại Mỹ mới chỉ được công chúng biết đến vào những năm 1990.
Liên Xô cũng từng huấn luyện cá heo để bảo vệ bến cảng. Sau khi Liên Xô tan rã, chương trình được cho là trong tình trạng lấp lửng và những con cá heo do Liên Xô huấn luyện có thể đã được bán cho Iran vào năm 2000. Còn Nga được cho là đang tìm cách cập nhật chương trình huấn luyện của mình.
Trong khi đó, hình ảnh vệ tinh gần thành phố Nampo của Triều Tiên đã tiết lộ "vật giống cá heo" ở sông Taedong. Nếu điều này được xác nhận, nghĩa là Triều Tiên có một kế hoạch phòng thủ sử dụng cá heo của riêng mình.