Loại hóa chất gây ung thư thường có trong ghế xe hơi
Theo nghiên cứu, hợp chất này không thể loại bỏ bằng cách lau chùi, dọn rửa thông thường. Tiếp xúc với nó có thể gây ung thư, vô sinh, rối loạn nội tiết.
TDCIPP (Trisphosphate) là hợp chất organophosphate clo hóa, thường được sử dụng nhiều để làm chất chống cháy, chậm cháy, thuốc trừ sâu, chất hóa dẻo, khí gas. TDCIPP có cấu trúc tương tự một số chất chống cháy organophosphate khác như tris phosphate và trisphosphate. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra ảnh hưởng của chất này với cơ thể, đặc biệt là trẻ em.
Hợp chất gây ung thư
Trước năm 2013, TDCIPP rất được ưa chuộng. Các hợp chất chống cháy thường được thêm vào một số sản phẩm tiêu dùng như đệm bọc ghế nội thất ôtô, thậm chí thảm ngủ trưa của trẻ em.
Theo Dự luật 65 của bang California, Mỹ và Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Mỹ, TPCIPP bị liệt kê vào danh sách những chất gây ung thư, hóa chất độc cho môi trường, ngăn cản phôi cá ngựa vằn phát triển. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra nó liên quan tình trạng vô sinh ở phụ nữ, thay đổi nội tiết tố, nhiễm độc thần kinh và phát triển độc tính.
Theo Safer Chemicals, nhiều thử nghiệm khoa học cũng cho thấy những hóa chất này tồn tại lâu trong môi trường, tích tụ trong cơ thể người và có thể làm rối loạn đường truyền dẫn tín hiệu nội tiết. Trẻ em tiếp xúc các hợp chất này nhiều hơn người lớn bởi nó ngấm từ đồ đạc vào bụi nhà, đọng lại trên sàn – nơi các bé chơi đùa.
Đầu tháng 8/2014, các thử nghiệm của Đại học Duke, Mỹ, phát hiện 26 trẻ em trong nghiên cứu khi tiếp xúc với TDCIPP có liên quan ung thư và rối loạn nội tiết. Mức độ tiếp xúc của trẻ cao gấp 5 lần mức trung bình được tìm thấy ở mẹ. Đặc biệt, một bé có mức tiếp xúc cao gấp 23 lần mẹ của em.
Nhóm chuyên gia kiểm tra 102 mẫu đệm ghế và phát hiện chất TDCIPP trong hơn một nửa số ghế sofa. Các nhà khoa học cũng tìm thấy vết tích của chất làm chậm cháy này trong hơn 1/3 trong số 101 ghế xe hơi, xe con, nệm di động và các sản phẩm đệm dành cho trẻ em khác được lấy mẫu.
Hợp chất này cũng gây béo phì, phá vỡ cân bằng nội môi glucose - chất giúp duy trì mức đường huyết - ở động vật thí nghiệm. Nguyên nhân là các thành phần của hỗn hợp này còn được gọi là triphenyl photphat và isopropyl triphenyl photphat, hay TPhP và ip-TPhPs, làm tăng hoạt động của protein PPARγ. Protein này đóng một vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất, từ đó góp phần gây ra bệnh tiểu đường và béo phì. TPhP cũng được sử dụng để sản xuất nhựa và có thể tìm thấy trong nhiều loại hàng gia dụng.
Không thể loại bỏ sạch khỏi xe hơi
Một số công trình cho rằng loại bỏ bụi, làm sạch phần bọc đệm của ghế xe hơi có thể giúp chúng ta ít tiếp xúc hóa chất TPCIPP hơn. Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới của nhóm chuyên gia tại Đại học California tại Riverside, California, Mỹ, hóa chất gây ung thư TDCIPP không thể bị loại bỏ sạch khỏi ôtô. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environmental Research ngày 26/1.
Các chuyên gia thực hiện nghiên cứu trên 50 tình nguyện viên, chia thành 4 nhóm và theo dõi trong hai tuần. Một nhóm không lau bụi trong ôtô, nhóm khác lau thường xuyên trong suốt 2 tuần và hai nhóm còn lại chỉ lau một tuần.
Tất cả người tham gia đều được phát vòng tay đeo bằng silicon liên tục trong thời gian thực hiện thử nghiệm. Cấu trúc phân tử của vòng giúp nó dễ dàng hút lại các chất gây ô nhiễm trong không khí như TDCIPP.
Giả thuyết ban đầu của nhóm nghiên cứu là những người không lau dọn xe hơi sẽ có mức độ TDCIPP cao nhất, nhóm lau thường xuyên trong hai tuần sẽ thấp nhất và nhóm còn lại ở giữa. Tuy nhiên, kết quả cho thấy về cơ bản không có bất kỳ sự khác biệt nào giữa ba nhóm. Điều này đồng nghĩa với việc ngay cả khi lau dọn, chùi rửa ôtô thường xuyên, chúng ta vẫn không thể loại bỏ được hóa chất gây ung thư TDCIPP ra khỏi xe.
Để giải thích cho điều này, các tác giả cho rằng có thể TDCIPP không đến từ phần bụi có thể làm sạch. Thay vào đó, nó có thể di chuyển trực tiếp từ ghế ngồi xe hơi sang thiết bị đeo tay dưới dạng khí hoặc khí dung (aerosol). Khả năng khác là hợp chất này đi vào qua các lỗ thông hơi từ ngoài xe, tuy nhiên, trường hợp này rất khó xảy ra.
Trước khi có câu trả lời chính xác, GS David Volz, tác giả chính của nghiên cứu, khuyến cáo chúng ta nên đeo khẩu trang trong xe hơi. Biện pháp này tương tự việc đeo khẩu trang để giảm nguy cơ lây truyền nCoV. Nếu TDCIPP phát tán với cơ chế qua dạng khí hoặc khí dung như virus, khẩu trang vẫn sẽ có hiệu quả ngăn ngừa, hạn chế lượng hóa chất mà bạn có thể hít phải.