Loại nhà thầu yếu, đưa 361km cao tốc Bắc - Nam về đích
Bộ GTVT rốt ráo chỉ đạo các công trường tăng tốc, sẵn sàng thay thế các nhà thầu yếu để 4 dự án thành phần về đích trong năm 2022 đúng kế hoạch.
Với tinh thần “không có đường lui”, Bộ GTVT rốt ráo chỉ đạo các công trường tăng tốc, sẵn sàng thay thế các nhà thầu yếu để 4 dự án thành phần tiếp theo thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam về đích trong năm 2022 đúng kế hoạch.
Nỗi lo “mưa trời”
Tháng 2/2022, công trường gói thầu XL03 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây như trút bỏ gánh nặng khi nguồn đất đắp nền đường (hơn 3 triệu m3) được khơi thông.
Thế nhưng, nỗi lo này mới dứt, rào cản khác lại tới khi hiện tại, toàn công trường gần như phải “chơi dài” bởi những ngày mưa triền miên.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc điều hành gói thầu XL3 cho biết, tính đến nay, trong tổng số 35,33km đường do liên danh Vinaconex - Trung Chính đảm nhận đã thảm nhựa được 15km. Sản lượng thi công toàn gói thầu đạt khoảng 52% giá trị hợp đồng.
Mục tiêu đặt ra, đến ngày 30/10/2022, việc thi công đất tuyến chính gói XL3 sẽ hoàn thiện và cơ bản hoàn thành thảm nhựa vào cuối năm 2022. Để đạt được mốc tiến độ này, hơn 300 đầu máy thiết bị cùng hơn 500 kỹ sư, công nhân đã được Vinaconex huy động trên công địa.
Song, từ đầu tháng 7/2022 đến nay, tất cả gần như bất động bởi mưa từ sáng đến tối. Nhà thầu đang phải canh nắng, mưa từng giờ để tổ chức phương án thi công hợp lý.
Tại dự án thành phần Mai Sơn - QL45, ông Vũ Khắc Điệp, Giám đốc Ban điều hành thi công cầu Vĩnh An thuộc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cũng đứng ngồi không yên khi từ đầu tháng 7 tới nay có 12 ngày thì đến 7 ngày mưa, cả gói thầu XL13 gần như không thể tạo ra sản lượng mới.
“Nếu thời tiết thuận lợi, sản lượng thi công trung bình tại công trình đạt khoảng 6 - 7%/tháng thì 10 ngày đầu tháng 7/2022, tỷ lệ giải ngân của gói thầu chưa đạt nổi 2%”, ông Điệp nói.
Theo ông Điệp, công trình cầu Vĩnh An dự kiến sẽ hợp long nhịp chính trong tháng 7/2022, cơ bản hoàn thành cầu chính vào tháng 9/2022, hoàn thiện các hạng mục phụ trong tháng 10/2022. Song, nếu mưa vẫn tiếp tục kéo dài như hiện nay, dời lộ trình thực hiện là điều khó tránh.
“Từ đầu năm đến nay, khu vực thi công dự án thành phần Cam Lộ - La Sơn có gần 70 ngày mưa”, ông Lê Văn Sáu, Phó giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh thông tin.
Có thể hiểu được ưu tư của vị cán bộ này khi theo kế hoạch, tháng 6/2022, một số gói thầu của dự án Cam Lộ - La Sơn có thể xong, tháng 10/2022 toàn dự án sẽ về đích. Thế nhưng, mưa liên tục khiến thời gian hoàn thành dự án phải tiếp tục thay đổi sang tháng 11/2022.
Hiện, dự án có gói thầu XL5 và XL6 và một phần gói XL9 đang thi công nền. Đây cũng là hai gói có sản lượng thấp nhất dự án.
Nguyên nhân do trước Tết, thời tiết thuận lợi nhưng cả hai gói thầu đều thiếu đất đắp (khoảng 520.000m3). Sau Tết, nguồn đất đắp được giải quyết thì “ông trời” không ủng hộ.
Quyết loại nhà thầu yếu, đưa dự án cán đích
Đáng lo ngại nhất ở thời điểm này trong 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phải về đích trong năm 2022 là dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết.
Theo báo cáo mới nhất của Ban QLDA 7, tính đến ngày 7/7, sản lượng xây lắp cả dự án đạt 44,37% giá trị hợp đồng, vẫn chậm 0,62% so với kế hoạch.
Bên cạnh nguyên nhân liên quan đến thời tiết (mùa mưa đến sớm), biến động giá cả, ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc Ban Điều hành dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết cũng đề cập đến công tác tổ chức thi công của các nhà thầu.
Theo thống kê, sản lượng thi công 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam về đích năm 2022 gồm: Mai Sơn - QL45 đạt 66,81% giá trị xây lắp theo hợp đồng; Cam Lộ - La Sơn 90,27% (tính đến ngày 7/7); Vĩnh Hảo - Phan Thiết 44,37% (tính đến ngày 7/7); Phan Thiết - Dầu Giây 49,77% (tính đến ngày 6/7/2022).
Hiện, các nhà thầu đã huy động tổng số 88/91 dây chuyền thi công.
Trong đó, dây chuyền thi công nền đường mới đạt 45/46, cấp phối đá dăm gia cố xi măng có 12/13 dây chuyền, bê tông nhựa có 13/13 dây chuyền.
Theo kế hoạch, giai đoạn từ tháng 7 - 9/2022, tổng giá trị sản lượng thi công của dự án trung bình 8,1%/ tháng.
Giai đoạn từ tháng 10 - 12/2022 hoàn thành toàn bộ khối lượng thi công còn lại tổng giá trị sản lượng dự án phải đạt 100%.
Để đạt được mục tiêu trên, Ban QLDA 7 đã yêu cầu các nhà thầu phải huy động đầy đủ dây chuyền theo yêu cầu và bố trí máy móc thiết bị dự phòng thay thế ngay khi bị hư hỏng. Thời gian qua, Ban cũng thực hiện nhiều biện pháp mạnh để duy trì hiệu quả trên công trường.
Trong đó, Ban đã xử lý, điều chuyển 16,5km thi công của 3 nhà thầu chính, phụ và 4 tổ đội thi công yếu kém để yêu cầu các nhà thầu chính, nhà thầu trong liên danh thi công thực hiện.
“Hiện, các nhà thầu: Tổng công ty Thăng Long (XL01), Liên danh gói thầu XL02 (Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi - Công ty TNHH Nhạc Sơn - Công ty CP Hải Đăng), Cienco 8 (XL03) đang được Ban đưa vào diện theo dõi. Nếu các nhà thầu không tích cực triển khai thi công, Ban QLDA 7 sẽ tiếp tục xử lý, cắt chuyển khối lượng chậm trễ”, ông Huy thông tin.
Đối với dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây, một lãnh đạo ban điều hành cho biết, thời gian qua cũng liên tục nhắc nhở một số nhà thầu có biểu hiện yếu kém, nguy cơ làm ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Đơn cử, tại gói thầu XL01 là hai nhà thầu Cienco8 và Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc không chủ động năng lực tài chính, máy móc thi công cũ.
Tại gói thầu XL04 là nhà thầu Cienco6 bị xáo trộn ban điều hành. Đối với các trường hợp này, Ban đã có văn bản đôn đốc.
Đến nay, tình hình thi công đã có phần cải thiện. Tuy nhiên, Ban vẫn đưa vào diện theo dõi, đánh giá. Trường hợp nhà thầu tiếp tục chậm trễ, Ban sẽ báo cáo Bộ GTVT xem xét, điều chuyển khối lượng và bổ sung thầu phụ.
Theo đại diện Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Cục QLXD&CLCTGT - Bộ GTVT), nhằm đáp ứng yêu cầu thời gian về đích năm 2022 của 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT đã yêu cầu các nhà thầu lập tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án; bố trí lãnh đạo, tăng cường cán bộ có năng lực, kinh nghiệm thường xuyên có mặt tại hiện trường để giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh.
Đặc biệt, chủ đầu tư/Ban QLDA được yêu cầu quản lý chặt chẽ hợp đồng, kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm. “Đối với các nhà thầu vi phạm, không có khả năng hoàn thành hợp đồng sẽ xem xét chấm dứt hợp đồng, bị loại trong đấu thầu từ 3 - 5 năm đối với dự án do Bộ GTVT quản lý”, đại diện Cục QLXD&CLCTGT thông tin.
Khủng hoảng vì giá vật liệu
Đảm nhận thi công 6 cầu tại gói thầu XL14 dự án thành phần Mai Sơn - QL45, tính đến nay, sản lượng thi công của Công ty CP Xây dựng và lắp máy Trung Nam đã đạt 81,13%. Trong đó, cầu Núi Đọ là hạng mục cầu lớn nhất với chiều dài khoảng 1,6km tới nay đã hoàn thiện đến 95%.
Tiến độ thi công luôn bám sát, song đại diện Ban điều hành gói thầu thuộc Trungnam E&C không khỏi sốt ruột khi ở giai đoạn hoàn thiện, giá vật liệu không ngừng leo thang.
“Nếu giá trị Trungnam E&C tham gia thi công tại gói thầu là 682 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí dự phòng) thì hiện giá trị thực tế thi công gói thầu đã tăng hơn 25%. Trong khi đó, tỷ lệ bù trượt giá theo chỉ số giá địa phương ban hành chỉ được 7%.
Chúng tôi kiến nghị Bộ GTVT có phương án thuê tư vấn căn cứ biến động giá vật liệu thực tế tại địa phương, đến chân công trình để xây dựng chỉ số giá riêng cho từng gói thầu thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam.
Cơ quan có thẩm quyền xây dựng và công bố đơn giá nhân công sát với biến động thực tế hiện nay; Bổ sung vật liệu đất đắp nền đường vào công thức điều chỉnh giá hợp đồng do trượt giá...”, đại diện Trungnam E&C đề xuất.