Loại quả ở Phú Thọ trước có giá rẻ bèo, giờ thành đặc sản, có tiền khó mua
Với giá từ 100-150 nghìn đồng/kg, loại quả này cứ đến mùa là lại lên 'cơn sốt', nhiều người lùng mua về ăn cho đỡ thèm.
Cây cọ là loại cây quen thuộc gắn liền với vùng đất trung du Phú Thọ. Mọi người thường biết đến cây cọ với những tán lá xanh um, được khai thác để lợp mái nhà, quạt, chổi quét nhà, thậm chí là áo che mưa cho những người đi làm đồng ruộng ngày xưa.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, quả cọ mới là loại quả được coi là đặc sản nơi đây, với vị bùi, béo đặc trưng được sử dụng như một loại lương thực, chống đói xưa kia. Ngày nay, quả cọ thành đặc sản, được nhiều người tìm mua với giá đắt đỏ.
Quả cọ có màu tím đen, bên trong có lớp cùi vàng, béo và ngậy. (Ảnh: Linh Nguyễn).
Rao bán quả cọ với giá 100 nghìn đồng/kg, chị Lương Lệ Thủy, trú tại xã Bắc Sơn (Tam Nông, Phú Thọ) cho biết, trước đây, xã chị có rất nhiều đồi cọ với hàng nghìn cây trồng rải rác.
Tuy nhiên, hiện tại, diện tích cây cọ ngày càng bị thu hẹp do nhu cầu trồng cây ăn quả khác và xây dựng nhà cửa. Ngoài ra, năm nay cọ mất mùa, để có cọ bán, chị phải đặt mua ở một số huyện bên cạnh mới đủ giao cho khách.
“Trước đây, nhà nào ở xã tôi cũng trồng cọ trong vườn. Quả cọ vì thế cũng rẻ lắm, chỉ vài nghìn một cân. Nhưng vài năm gần đây thì cọ ngon ngày càng ít, giá ngày càng đắt. Năm ngoái, quả cọ ngon nhất tôi bán cũng chỉ 50-60 nghìn đồng/kg. Năm nay, cọ ngon hiếm lắm. Mỗi lần tôi lấy chỉ được vài chục cân, giá 100 nghìn đồng/kg mà cũng không đủ bán”, chị Thủy nói.
Những quả cọ nếp sau khi cạo bớt vỏ ngoài, mang đi chế biến trở thành món ngon đặc sản Phú Thọ. (Ảnh: Hải Yến).
Như mọi năm, đến thời điểm này, chị Hải Yến, trú tại Việt Trì (Phú Thọ) đã bán cả chục chuyến quả cọ từ Cẩm Khê mang xuống nhưng năm nay chị vẫn chưa được ăn quả cọ nào “ra hồn”.
“Giờ đang đúng mùa cọ chín nhưng năm nay cọ mất mùa, nhà tôi không có mà ăn thì nói gì cọ bán. Hôm trước tôi thèm quá, ra chợ Trung tâm Việt Trì mua được một ít, giá 100 nghìn đồng/kg nhưng vẫn không ưng ý. Giờ có tiền cũng khó mua được cọ ngon”, chị Yến cho hay.
Theo chị Yến, cây cọ cả năm mới ra trái một lần và chín vào cuối năm. Quả cọ có màu xanh, khi chín sẽ chuyển sang màu tím đen. Cọ chín nếu hái sớm quá, khi chế biến sẽ bị chát, nếu hái muộn quá sẽ bị sâu ăn hết. Nhìn quả cọ đen đen, xấu xấu nhưng khi ỏm lên sẽ thấy những lớp dầu cọ nổi vàng óng, ăn ngậy như bơ.
Thấy mọi người ở quê đăng ảnh những quả cọ cùi vàng óng, chị Hồng, trú tại Đống Đa (Hà Nội) cũng thấy thèm, liền lên chợ mạng để tìm người bán cọ tại Hà Nội. Tuy nhiên, suốt cả ngày, chị vẫn không tìm được hàng bán quả cọ nào ưng ý.
“Tôi thấy có cả một nhóm bán quả cọ nếp với hàng chục nghìn thành viên liền vào đó, tìm người bán quả cọ tại Hà Nội. Bất ngờ thấy có người ở Cầu Giấy tên là Ngọc Anh đăng ảnh quả cọ rất ngon, cùi dày và vàng, giá chỉ 45 nghìn đồng/kg. Tôi liền vào đặt mua, gửi địa chỉ, số điện thoại xong thì họ yêu cầu tôi trả tiền trước rồi mới giao. Khi tôi đề nghị đặt ship cod (giao hàng nhận tiền) thì họ chặn tôi luôn”, chị Hồng nói.
Tương tự, hỏi thêm 2-3 người nữa bán cọ khác, chị Hồng đều nhận được chiêu thức tương tự, đó là bên bán hàng luôn yêu cầu phải chuyển tiền trước rồi mới gửi hàng. Nếu không đồng ý, họ lập tức chặn tài khoản của người mua và tiếp tục rao bán cọ giá rẻ.
“Thèm quá, tôi phải đặt mua tại quê với giá 100 nghìn đồng/kg, thêm cước xe 50 nghìn đồng/bọc 2kg cọ để ăn. Đắt một tí nhưng an toàn, vừa được ăn cọ ngon vừa đỡ lo bị lừa đảo”, chị Hồng nói.
Quả cọ ngon hiện tại có giá trên 100 nghìn đồng/kg. (Ảnh: Hải Yến).
Theo chị Hồng, quả cọ mua về sẽ được cạo sạch vỏ, rửa sạch và cho cọ vào nồi cùng với nước, cho lên bếp đun. Khi nước được khoảng 80 độ, sờ nóng tay, có một vài bọt khí nổi lăn tăn ở mép nồi thì tắt bếp. Đậy vung khoảng 20 phút là cọ mềm. Để cọ ngon hơn thì sau khi vớt ra sẽ cho thêm một chút đường. Cọ có thể tách cùi ăn luôn hoặc đồ xôi, kho thịt, kho cá hoặc ngâm mắm.
“Quả cọ gắn với tôi từ thời thơ bé. Ngày nhỏ, nhà nghèo, không có gì ăn, mẹ tôi toàn mang cọ kho với chút mỡ, chút muối, mì chính ăn với cơm. Cọ cũng được mẹ làm dưa chua, chung với dưa cải hoặc dưa hành để ăn hàng ngày. Tết đến, đủ các món ngon nhưng bố tôi lúc nào cũng bảo mẹ lấy cho bát cọ muối dưa hành ăn cho đỡ ngán. Giờ của ngon vật lạ đều ăn qua, nhưng đến mùa cọ là lại thèm thứ quả tuổi thơ nghèo khó”, chị Hồng bộc bạch.