Loại tên lửa Đức cân nhắc viện trợ Ukraine
Hãng tin AP giới thiệu loại tên lửa được nhắc đến trong đoạn âm thanh ghi lại từ cuộc thảo luận của các sĩ quan Đức lan truyền trên mạng tuần trước.
Vào ngày 1.3, Tổng biên tập đài Russia Today (Nga) Margarita Simonyan đăng tải lên Telegram một đoạn ghi âm dài gần 40 phút về cuộc thảo luận giữa các sĩ quan Đức về khả năng chuyển giao tên lửa hành trình Taurus cho Ukraine, công tác huấn luyện binh sĩ Ukraine và kế hoạch tấn công cầu dẫn đến bán đảo Crimea.
Vụ rò rỉ thông tin làm dấy lên lo ngại trong quân đội tồn tại lỗ hổng an ninh. Phía Nga tức giận đe dọa “sẽ có hậu quả hậu quả thảm khốc đến với nước Đức”.
Trên thực tế, khả năng chuyển giao Taurus chỉ mới là lý thuyết. Đến nay, Đức vẫn chưa viện trợ dù Ukraine gây áp lực suốt nhiều tháng.
Tên lửa Taurus
Được trang bị công nghệ tàng hình và có tầm bắn lên đến 500km, Taurus sẽ giúp Ukraine gây áp lực với Nga ở Biển Đen cũng như ở nhiều mặt trận khác. Vũ khí do Đức - Thụy Điển hợp tác sản xuất này đủ sức tiêu diệt mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga.
Kyiv liên tục kêu gọi Berlin viện trợ Taurus để bổ sung cho tên lửa Storm Shadow của Anh và tên lửa Scalp của Pháp.
Mùa xuân năm ngoái, Anh tuyên bố viện trợ Storm Shadow tầm bắn hơn 250km giúp Ukraine tăng cường năng lực tấn công mục tiêu cách xa tiền tuyến. Thời điểm đó Kyiv cam kết không dùng chúng đánh mục tiêu trên lãnh thổ Nga. Pháp hưởng ứng bằng cách chuyển giao Scalp tầm bắn hơn 500km.
Lập trường của Đức
Đức là nước viện trợ quân sự số hai cho Ukraine, sau Mỹ. Tuy nhiên, Thủ tướng Olaf Scholz từ chối viện trợ Taurus do lo ngại việc này sẽ khiến Berlin dính líu trực tiếp cuộc chiến.
Một số chính trị gia phe đối lập, thậm chí cả thành viên liên minh cầm quyền, muốn chuyển giao tên lửa, nhưng ý tưởng không được người dân đồng tình. Truyền thông Đức nhận định ông Scholz đang cố gắng xây dựng hình tượng “Thủ tướng hòa bình” trước thềm bầu cử Nghị viện châu Âu tháng 6 tới.
“Nhiều người lo ngại chiến tranh lan rộng. Thủ tướng từ lâu đã nắm bắt được tâm lý này. Ông muốn thể hiện bản thân hiểu về những lo lắng của người dân”, theo tờ Der Spiegel.
Giới phân tích chỉ ra một nỗi lo khác. Nhà nghiên cứu Gustav Gressel (Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu) chỉ ra trong khi Anh và Pháp đều đã phát triển tên lửa mới thay thế Storm Shadow và Scalp, Taurus hiện tại vẫn chưa có vũ khí “kế nhiệm”.
Ông cảnh báo viện trợ Ukraine sẽ làm cạn kiệt kho dự trữ Taurus, hơn nữa, việc sử dụng chúng ngoài chiến trường đem lại cho Nga cơ hội tìm hiểu năng lực chiến đấu lẫn đặc tính kỹ thuật của tên lửa, từ đó xây dựng chiến thuật đối phó.
Nội dung đoạn ghi âm
Trong đoạn ghi âm, tư lệnh không quân Ingo Gerhartz cùng 3 đồng nghiệp thảo luận một loạt kịch bản triển khai Taurus đến Ukraine trước lúc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius. Họ bàn về cách Kyiv có thể sử dụng tên lửa như thế nào cũng như Đức cần hỗ trợ kỹ thuật ra sao.
Sau đó, 4 người bắt đầu lập phương án trình bày trước ông Pistorius, nói sâu từng khía cạnh gồm công tác chuyển giao, lộ trình, chương trình huấn luyện. Họ nêu chi tiết Ukraine cần Taurus để làm gì, chẳng hạn như tấn công kho đạn dược hoặc “một cây cầu ở phía đông”.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/loai-ten-lua-duc-can-nhac-vien-tro-ukraine-214792.html