Loại vaccine ngừa COVID-19 nào trên thế giới đang mang lại kết quả khả quan nhất?
Vaccine Sputnik V của Nga theo kết quả phân tích lần thứ hai về thử nghiệm lâm sàng phòng dịch COVID-19 đã cho hiệu quả lên tới 95%. Vaccine của Pfizer và BioNTech cùng phát triển cũng cho hiệu quả tương tự.
Vaccine Sputnik V của Nga cho hiệu quả lên tới 95%
Theo kết quả phân tích lần thứ hai những dữ liệu về thử nghiệm lâm sàng, vaccine Sputnik V phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Nga đã cho hiệu quả lên tới 95%.
Cụ thể, trong thông báo đưa ra ngày 24/11, Bộ Y tế Nga, Viện nghiên cứu dịch tễ và vi trùng học Gamaleya và Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) cho biết đánh giá trên được đưa ra dựa vào những cơ sở dữ liệu sơ bộ có được 42 ngày sau khi liều vaccine Sputnik V đầu tiên được tiến hành thử nghiệm.
Trước đó, vaccine Sputnik V cho hiệu quả 92% trong đợt phân tích sơ bộ trước đó.
Theo các cơ quan trên, dữ liệu thử nghiệm lâm sàng mới được công bố dựa trên kết quả 39 trường hợp được xác nhận nhiễm virus và trong số 18.794 bệnh nhân được tiêm cả hai mũi, vaccine Sputnik V có hiệu quả lên tới 91,4% vào ngày thứ 28 và hơn 95% hiệu quả vào ngày thứ 42.
Cùng ngày, Giám đốc điều hành RDIF, ông Kirill Dmitriev cho biết quốc gia này sẽ bán vaccine Sputnik V thấp hơn các nước khác, trong bối cảnh Moskva đặt mục tiêu sản xuất hơn 1 tỷ liều trong và ngoài nước vào năm 2021.
Chi tiết về giá chính xác của vaccine dự kiến được đưa ra vào cuối ngày 24/11, tuy nhiên ông Kirill Dmitriev cho hay Sputnik V sẽ được định giá thấp hơn đáng kể so với các đối thủ khác cùng có hiệu quả tương tự.
Vaccine của Pfizer cùng BioNTech phát triển cho thấy hiệu quả đến 95%
Trước đó, hôm 8/11 vừa qua, Pfizer thông báo kết quả thử nghiệm cuối cùng loại vaccine ngừa COVID-19 cùng BioNTech phát triển cho thấy hiệu quả đến 95% và không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào.
Cụ thể, 94 trong hơn 43.500 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được chia thành hai nhóm: tiêm vaccine và dùng giả dược.
Vaccine đạt hiệu quả phòng ngừa 95% số người tham gia. Tác dụng được xác nhận chỉ 7 ngày sau mũi tiêm thứ hai. Nói cách khác, cơ thể con người có thể được bảo vệ khỏi nCoV 28 ngày sau lần tiêm phòng đầu tiên.
Kết luận cuối cùng về mức độ hiệu quả của vaccine Pfizer có thể thay đổi khi các nhà khoa học tiếp tục thu thập dữ liệu trong thời gian tới.
Với tỷ lệ hiệu quả đạt tới 95%, nhân loại đang tiến gần hơn một bước trên con đường mang lại đột phá cho người dân, kết thúc cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.
Vaccine COVID-19 của Pfizer ứng dụng công nghệ vật liệu di truyền, sử dụng mRNA thông tin để "hướng dẫn" hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng chống lại mầm bệnh. Hãng dược này đang lên kế hoạch xin Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng vaccine khẩn cấp ngay khi dữ liệu được thu thập đầy đủ vào tuần thứ ba của tháng 11.
Moderna thông báo vaccine thử nghiệm mRNA-1273 phát huy hiệu quả tới 94,5%
Đúng một tuần sau, tập đoàn Moderna thông báo vaccine thử nghiệm của hãng này đã phát huy tới 94,5% hiệu quả trong việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Cụ thể, vào ngày 16/11, tập đoàn công nghệ sinh học Moderna Inc của Mỹ thông báo vaccine thử nghiệm mRNA-1273 của hãng này đã phát huy hiệu quả tới 94,5% trong việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Một trong những ưu điểm lớn nhất của vaccine Moderna là không cần bảo quản cực lạnh như vaccine của Pfizer. Moderna hy vọng vaccine có thể ổn định ở nhiệt độ tủ lạnh tiêu chuẩn từ 2-8 độ C trong 30 ngày và có thể được bảo quản đến 6 tháng ở nhiệt độ - 20 độ C.
So sánh với mRNA-1273, vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược Pfizer được công bố thử nghiệm thành công vào tuần trước chỉ có thể bảo quản trong 5 ngày với nhiệt độ từ -70 đến -103 độ C.
Theo các nhà phân tích của Barclays, tính ổn định của vaccine mRNA-1273 sẽ có khả năng giúp loại thuốc này được phân phối rộng rãi hơn so với vaccine BNT162b2 của Pfizer. Các nhà phân tích cũng lưu ý rằng Pfizer đang nghiên cứu một phiên bản vaccine dạng bột, ổn định ở nhiệt độ phòng.
Vaccine của Pfizer kết hợp sản xuất cùng BioNTech và vaccine của Moderna hiện đang là 2 loại vaccine tiềm năng nhất tại Mỹ với hiệu quả sau khi thử nghiệm lâm sàng đều đạt trên 90%. Mới đây, hãng dược Pfizer và BioNTech đã đệ đơn lên Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ FDA yêu cầu khẩn cấp cấp phép sử dụng vaccine COVID-19 BNT162b2.
AstraZeneca thông báo vaccine phát triển cùng với Đại học Oxford có thể đạt hiệu quả tới 90%
Tiếp đó, ngày 23/11, hãng dược phẩm liên doanh AstraZeneca thông báo vaccine ngừa bệnh COVID-19 do hãng phát triển cùng với Đại học Oxford có thể đạt hiệu quả tới 90% chỉ với một liều sử dụng.
Cụ thể, Viện Jenner, cơ quan phát triển vaccine thuộc Đại học Oxford (Anh), cho biết Anh sẽ đưa vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vào sử dụng đại trà trước mùa Xuân năm tới.
Nhận định trên được đưa ra sau khi hãng dược AstraZeneca, liên doanh Anh-Thụy Điển, thông báo vaccine mà hãng này phối hợp với Đại học Oxford phát triển cho hiệu quả ngăn ngừa bệnh trung bình 70% khi thử nghiệm trên 23.000 tình nguyện viên.
Đây là loại vaccine thứ 3 thu được kết quả thử nghiệm khả quan sau các vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna. Ưu điểm của loại vaccine này là có thể vận chuyển dễ dàng với nhiệt độ máy lạnh thông thường, tiện lợi hơn vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna cần phải được bảo quản trong điều kiện cực lạnh.
AstraZeneca thông báo kế hoạch sản xuất tối đa 3 tỷ liều vaccine trong năm 2021 nếu vaccine được giới chức quản lý cấp phép.