Loạt cán bộ Cục ATTP dính bê bối nhận hối lộ, trách nhiệm của Bộ Y tế ở đâu?

Vụ án 'Đưa hối lộ' và 'Nhận hối lộ' liên quan đến ông Nguyễn Thanh Phong – nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cùng thuộc cấp đang gây chấn động dư luận cả nước. Với cáo buộc nhận hối lộ lên tới 75 tỷ đồng, ông Phong cùng đồng phạm không chỉ đối mặt với chế tài hình sự, mà còn làm dấy lên những lo ngại sâu sắc về cơ chế giám sát của Bộ Y tế.

Thao túng cả hệ thống cấp phép

 Ông Nguyễn Thanh Phong, thời điểm còn làm Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

Ông Nguyễn Thanh Phong, thời điểm còn làm Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

Ngày 14/7, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 18 bị can và lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 25 địa điểm.

Kết quả điều tra của Bộ Công an cho thấy, từ năm 2015 đến 2024, một đường dây gồm nhiều cán bộ tại Cục An toàn thực phẩm đã câu kết với doanh nghiệp để cấp khống hơn 10.000 hồ sơ công bố sản phẩm thực phẩm chức năng. Nhiều sản phẩm được hợp thức hóa bằng con dấu và giấy tờ của cơ quan quản lý nhà nước, trong khi nguyên liệu thực chất mua trôi nổi, phần lớn có xuất xứ từ Trung Quốc, chất lượng không đảm bảo, hàm lượng hoạt chất chỉ đạt dưới 30% so với công bố.

Đáng chú ý, các sản phẩm này lại được dán nhãn "nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu", nhắm đến các đối tượng dễ tổn thương như người cao tuổi và người bệnh, khiến hậu quả không chỉ nằm ở thiệt hại kinh tế mà còn đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

Trao đổi với Tiền Phong, Tiến sĩ, Luật sư Ngô Ngọc Diễm nói: "Tôi không thể tưởng tượng Cục An toàn thực phẩm, cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế lại trở thành "ổ" tội phạm với hàng chục bị can bị khởi tố".

Luật sư Diễm cũng đánh giá, hành vi của ông Nguyễn Thanh Phong, cựu Cục trưởng Cục ATTP và các bị can khác có dấu hiệu rõ ràng của tội “Nhận hối lộ” theo khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt cao nhất có thể đến tù chung thân hoặc tử hình.

Tiến sĩ Ngô Ngọc Diễm nhấn mạnh: “Đây không đơn thuần là hành vi tham nhũng cá nhân, mà là một chuỗi sai phạm có tổ chức, mang tính hệ thống, được 'duy trì' trong gần một thập kỷ”. Theo ông Diễm, vụ án cho thấy sự thất bại của cả ba lớp phòng vệ pháp lý, gồm, thiết chế pháp luật nội dung, cơ chế tổ chức thực hiện và hệ thống kiểm soát quyền lực.

Tiến sĩ Diễm cho rằng, Luật An toàn thực phẩm hiện hành chưa quy định rõ trách nhiệm cá nhân trong từng bước thẩm định hồ sơ, từ đó tạo điều kiện để người đứng đầu có thể “một tay ký duyệt” hàng nghìn sản phẩm sai phạm. Hơn nữa, cơ chế hậu kiểm hiện nay phần lớn mang tính hình thức, không có yêu cầu kiểm tra ngẫu nhiên, định kỳ, khiến những sản phẩm đã “qua cửa” gần như miễn nhiễm với trách nhiệm truy xuất.

“Cần lưu ý rằng, quyền lực mà không có kiểm soát độc lập là mầm mống cho tham nhũng”, ông Diễm nói.

Ông Diễm cũng đề xuất sớm thiết lập cơ chế giám sát độc lập và minh bạch, chẳng hạn qua bên thứ ba là các tổ chức chuyên môn hoặc cơ chế thanh tra định kỳ do Quốc hội hoặc Mặt trận Tổ quốc giám sát.

Thiếu trách nhiệm hay buông lỏng?

Nêu quan điểm cá nhân, Luật sư Bùi Phan Anh – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, một vấn đề quan trọng đặt ra đó là trách nhiệm của Bộ Y tế với tư cách cơ quan chủ quản. Vụ án xảy ra trong suốt thời gian dài nhưng không bị phát hiện từ nội bộ cho thấy sự buông lỏng trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cán bộ. Câu hỏi được đặt ra là: Các báo cáo chuyên môn hàng năm có bị bỏ qua hay cố tình làm ngơ? Vì sao một đơn vị sự nghiệp như Trung tâm Đào tạo và Ứng dụng an toàn thực phẩm lại có thể trở thành nơi “hợp thức hóa” cho hàng chục nghìn bộ hồ sơ vi phạm?

Theo Luật sư Phan Anh, điều này chứng tỏ quy trình kiểm tra nội bộ thiếu cả chiều sâu lẫn tính độc lập, đồng thời không có kênh tố cáo hiệu quả để các cán bộ chân chính phát hiện, phản ánh sai phạm.

Vụ việc không chỉ dừng lại ở khía cạnh hình sự. Nó là lời cảnh báo rõ ràng về nhu cầu cải cách toàn diện Luật An toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm liên quan.

Luật sư Phan Anh và Tiến sĩ Diễm cùng đồng thuận rằng: Cần quy định trách nhiệm cá nhân rõ ràng trong toàn bộ quy trình cấp phép từ chuyên viên, trưởng phòng, phó cục trưởng cho đến cục trưởng; Thiết lập hệ thống hậu kiểm bắt buộc đối với sản phẩm sau khi được công bố, đi kèm chế tài nặng nếu phát hiện sai lệch; Áp dụng công nghệ số hóa, mã truy xuất nguồn gốc, dữ liệu công khai, giúp người tiêu dùng, báo chí, các tổ chức xã hội có thể tham gia giám sát; Tăng cường vai trò quốc hội và kiểm toán nhà nước trong thanh tra định kỳ các hoạt động cấp phép của cơ quan quản lý chuyên ngành.

Khi quy trình cấp phép có thể bị mua bán, thì niềm tin của người dân, nhất là người bệnh, sẽ sụp đổ theo từng viên thuốc và lọ thực phẩm chức năng giả. Đã đến lúc không chỉ trừng trị cá nhân vi phạm, mà còn phải xây lại một hệ thống pháp luật và quản lý đủ mạnh, đủ minh bạch và đủ bản lĩnh để ngăn ngừa từ gốc những thảm họa tương tự trong tương lai, ông Ngô Ngọc Diễm nói.

Minh Đức - Tuyết Mai

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/loat-can-bo-cuc-attp-dinh-be-boi-nhan-hoi-lo-trach-nhiem-cua-bo-y-te-o-dau-post1760429.tpo