Loạt 'đại gia' địa ốc Trung Quốc bán tháo tài sản ở Mỹ
Chìm trong nợ nần, nhiều 'đại gia' bất động sản lớn ở Trung Quốc đang cố gắng bán tài sản ở Mỹ để có tiền mặt trả nợ.
China Oceanwide Holdings Ltd. (Oceanwide) đã tìm được người mua tiềm năng cho khu phức hợp đang bị đình trệ ở Los Angeles (Mỹ), theo Bloomberg. Oceanwide không tiết lộ danh tính đối tác, đồng thời bỏ ngỏ khả năng thành công của thỏa thuận.
Thành lập từ năm 1985, Oceanwide là một trong những tập đoàn Trung Quốc nổi bật trong làn sóng đầu tư hàng trăm tỉ USD vào các tài sản ở nước ngoài.
Khoản đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc không chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư vào bất động sản ở Mỹ nhưng được cho là có tầm ảnh hưởng lớn tới thị trường.
Khi các công ty Trung Quốc trả những khoản tiền lớn để mua các tòa nhà nổi tiếng ở Manhattan, những giao dịch này thường trở thành tiêu chuẩn cho các bất động sản ở gần đó và khuyến khích những người bán khác yêu cầu mức giá cao tương tự, theo Jim Costello – chuyên gia kinh tế trưởng tại MSCI Real Assets.
'Khẩu vị' của nhà đầu tư Trung Quốc thường là các tòa nhà văn phòng, địa điểm phát triển và khách sạn lâu đời ở Mỹ. Trong đó, có thể kể tới việc tập đoàn bảo hiểm Anbang mua lại khách sạn Waldorf Astoria nổi tiếng tại New York vào năm 2015 với giá 1,95 tỉ USD. Thương vụ tạo nên kỷ lục mới dành cho mức giá của một khách sạn tại Mỹ.
“Họ dường như có số tiền không giới hạn", Doug Harmon, Trưởng bộ phận thị trường vốn của công ty môi giới Cushman & Wakefield, cho hay.
Tuy nhiên, xu hướng đầu tư này bắt đầu suy giảm khi chính quyền Trung Quốc có những động thái 'siết' dòng vốn đầu tư ra nước ngoài.
Theo MSCI Real Assets, các công ty Trung Quốc đã bán ròng 23,6 tỉ USD bất động sản thương mại tại Mỹ kể từ đầu năm 2019, đảo ngược so với trạng thái mua ròng gần 52 tỉ USD trong giai đoạn từ năm 2013 – 2018.
Lạm dụng việc sử dụng đòn bẩy tài chính, một số tập đoàn Trung Quốc rơi vào tình cảnh nợ nần chồng chất khi thị trường bất động sản quốc gia này chìm trong khủng hoảng.
Sau khi rót 3,5 tỉ USD cho các dự án ở Mỹ, Oceanwide đã phải vật lộn với các khoản nợ ở nước ngoài trong khi tìm cách khôi phục các hoạt động ở thị trường trong nước. Được biết, trước khi tìm được đối tác mua lại dự án 1,2 tỉ USD ở Los Angeles, Oceanwide từng bị các chủ nợ thu hồi một dự án khác tại San Francisco, Mỹ.
Tương tự, HNA Group và Greenland Holding Group cũng tìm cách bán các dự án bất động sản ở Mỹ để có nguồn tiền trả nợ.
HNA Group và một đối tác đã bán tòa nhà 1180 Sixth Avenue tại Manhattan cho Northwood Investors với mức giá 305 triệu USD, theo CoStar Group. HNA Group cũng bán cổ phần tại tòa nhà 245 Park Avenue cho SL Green Realty Corp. HNA Group từng mua tòa tháp này với giá 2,2 tỉ USD.
Như VietTimes từng đề cập, Greenland Holdings Group (Greenland Group) đã hoàn tất việc bán tòa tháp căn hộ hạng sang THEA tại Los Angeles cho Northland – nhà phát triển bất động sản tại Mỹ - với mức giá 504 triệu USD. 'Đại gia' bất động sản Trung Quốc từng rao bán tòa tháp THEA với mức giá 695 triệu USD.
Greenland Group chính là cái tên thâu tóm SPG Land của doanh nhân Vương Vĩ Hiền (Wang Weixian), người được biết đến rộng rãi ở Việt Nam với vai trò Chủ tịch Alpha King – tập đoàn bất động sản từng tạo nên cơn sốt ở thị trường bất động sản Tp. HCM./.
Nguồn tham khảo: WSJ, Bloomberg