Loạt doanh nghiệp phản đối điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu
9 doanh nghiệp trong ngành tôn mạ và ống thép đã có công văn, bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu Trung Quốc.
Doanh nghiệp tôn mạ và ống thép phản đối
Liên quan tới việc một doanh nghiệp Việt Nam gửi hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (“HRC”) nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam, ngày 26/3, 9 doanh nghiệp trong ngành tôn mạ và ống thép đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ thương mại, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Thép Việt Nam bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về hành động này.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Trực Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen cho biết, thép cán nóng là nguyên liệu đầu vào được sử dụng để sản xuất tôn mạ, ống thép, thép kết cấu và các sản phẩm thép khác dùng trong xây dựng, bất động sản, công nghiệp sản xuất.
Vì vậy, hành động khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tác động rất mạnh tới các ngành nghề trên. Trong đó, “ngấm đòn” nặng nhất là các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép.
Ông Thanh bày tỏ rất khó hiểu về hành động khởi xướng điều tra chống bán phá giá HRC nhập khẩu Trung Quốc. Bởi lẽ, giá HRC “nội” cao hơn rất nhiều so với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 10 – 20 USD/tấn, thậm chí có thời điểm cao hơn 40 – 50 USD/tấn so với hàng nhập khẩu.
Mặc dù có giá cao, song thị phần HRC được 2 doanh nghiệp Việt Nam sản xuất chiếm tới 80% HRC nội địa, chỉ có 20% còn lại là HRC từ các công ty thương mại. Điều này chứng tỏ rằng, HRC “nội” vẫn áp đảo so với hàng nhập khẩu.
Giải thích về hiện tượng này, ông Thanh cho biết: Các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, Mexico phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ để không bị áp thuế chống lẩn tránh và phù hợp với các quy định của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Tương tự, xuất khẩu sang Qatar, Oman hay Đài Loan cũng yêu cầu sử dụng nguyên liệu HRC được sản xuất tại Việt Nam. Vì vậy, HRC nhập khẩu Trung Quốc “không có cửa” so với hàng nội.
Ông Thanh lo ngại, trong trường hợp xấu nhất, Việt Nam áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu Trung Quốc sẽ đạt toàn bộ gánh nặng lên vai người tiêu dùng cuối cùng và chỉ đem lại lợi ích cho 2 doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen, thuế chống bán phá giá bị áp cho HRC Trung Quốc sẽ khiến các công ty Trung Quốc chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác và không xuất sang Việt Nam, dẫn đến việc 2 doanh nghiệp Việt Nam trở thành độc quyền nguồn cung, từ đó tăng giá bán HRC theo ý chí của họ, dẫn đến giá thành phẩm tăng tương ứng.
“Nếu giá HRC tăng, chúng tôi buộc phải tăng giá sản phẩm. Đương nhiên, người phải gánh khoản tăng chênh lệch này chính là người tiêu dùng cuối cùng”, ông Thanh nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Văn Trượng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tôn Pomina cho biết, khi xuất khẩu sang một số thị trường như Mỹ và Mexico, các công ty tôn mạ và ống thép chấp nhận phải mua giá cao sản phẩm HRC có nguồn gốc xuất xứ Việt Nam để làm nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu vào 2 thị trường này.
Quan trọng hơn, sản lượng xuất khẩu sang 2 thị trường này chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng sản lượng xuất khẩu của các công ty tôn mạ và ống thép Việt Nam.
“Do vậy, 2 doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam đang hưởng lợi rất lớn từ việc bán HRC cho các công ty tôn mạ và ống thép xuất khẩu sang 2 thị trường Mỹ và Mexico. Tuy nhiên, việc một trong 2 công ty sản xuất HRC khởi xướng điều tra HRC nhập khẩu chính là hành động tự làm lợi cho chính mình, nhưng lại “bóp nghẹt” các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác”, ông Trượng thẳng thắn bày tỏ quan điểm.
Ông Lê Việt, Phó Tổng giám đốc Công ty Tôn Phương Nam cũng tiết lộ: Có một thực tế tồn tại trong nhiều năm qua, đó là việc sản lượng sản xuất trong nước không đủ cung ứng cho nhu cầu và luôn trong tình trạng không đủ HRC để bán. Vì vậy, nếu áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu, có thể khiến việc nguồn cung trở nên thiếu hụt trầm trọng hơn.
“Mặc dù luôn trong tình trạng cung không đủ cầu, giá bán cao ngất ngưởng, thời gian giao hàng chậm, nhưng các doanh nghiệp tôn mạ, trong đó có chúng tôi vẫn chấp nhận mua”, ông Việt nói.
Thất thu trầm trọng ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng tiêu cực đến FDI và đầu tư công
Theo quan điểm của các doanh nghiệp tôn mạ, nếu Việt Nam quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ không đem lại bất kỳ lợi ích nào cho nhà nước, đồng thời tạo ra áp lực tiêu cực đối với ngành tôn mạ và ống thép Việt Nam.
Hành động này có thể khiến ngành tôn mạ và ống thép Việt Nam mất khả năng cạnh tranh tại thị trường nội địa lẫn thị trường xuất khẩu, doanh thu, lợi nhuận giảm dần cho đến khi phá sản. Khi đó, các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép sụp đổ, Nhà nước sẽ thất thu nhiều khoản thuế, như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân và các khoản thu khác.
Ngoài ra, nếu ngành tôn mạ và ống thép Việt Nam không tồn tại sẽ ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và đầu tư công.
Thứ nhất, tôn, thép dày, ống thép là những thành phẩm chính để xây dựng nhà xưởng trong các khu công nghiệp. Khi giá bán các sản phẩm tăng do cơ chế “độc quyền”, chắc chắn chi phí xây dựng nhà xưởng sẽ tăng theo. Điều này có thể làm mất sự cạnh tranh quốc gia trong đó có việc thu hút vốn FDI.
Thứ hai, việc giá tôn, thép dày, ống thép, thép kết cấu tăng lên sẽ khiến chi phí đầu tư công tăng lên tương ứng, dẫn đến những tác hại khôn lường. Khi chi phí đầu tư công tăng lên, Nhà nước có thể tăng mức vay để chi trả cho các dự án đầu tư công, điều này có thể dẫn đến nợ công, làm tăng chi phí trả lãi và tăng gánh nặng nợ về Ngân sách Nhà nước trong tương lai.
Vì vậy, việc áp thuế phòng vệ thương mại hoặc xây dựng bất kỳ rào cản thuế quan nào khác đối với HRC nhập khẩu đều làm giảm khả năng cạnh tranh của rất nhiều doanh nghiệp, trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là đối với ngành tôn mạ và ống thép, gây ảnh hưởng cực kỳ tiêu cực và trầm trọng đối với công ăn việc làm của hàng chục nghìn người lao động và gia đình sau lưng họ, và chắc chắn nền kinh tế Việt Nam sẽ không thể phát triển nếu ngành thép lâm nguy.
9 doanh nghiệp trong ngành tôn mạ và ống thép đã có công văn phản đối khởi xướng điều tra chống bán phá giá HRC nhập khẩu bao gồm: Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, Công ty CP Thép TVP, Công ty CP Tôn Đông Á, Công ty CP Thép Nam Kim, Công ty Tôn Phương Nam, Công ty CP Tôn Pomina, Công ty CP sản xuất thép Vina One,...