Loạt dự án tỷ đô gặp khó tại Quảng Trị

Hàng loạt dự án quy mô đầu tư tỷ USD về năng lượng, cảng biển, khu công nghiệp tại đang gặp khó khăn về thủ tục và vốn.

Nhiều dự án tỷ đô tại khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đều đang gặp khó khăn cần tháo gỡ

Nhiều dự án tỷ đô tại khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đều đang gặp khó khăn cần tháo gỡ

Khu bến cảng Mỹ Thủy (tại huyện Hải Lăng thuộc khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị). Với mục tiêu xây dựng và kinh doanh khu bến cảng chuyên dùng, bảo đảm tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 tấn, dự án có quy mô 675ha (gồm 10 bến, phát triển theo 3 giai đoạn).

Tổng mức đầu tư dự án 14.234 tỷ đồng (trong đó vốn góp để thực hiện 2.143 tỷ đồng), do Công ty CP liên doanh quốc tế cảng Mỹ Thủy thực hiện. Tiến độ dự án chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn 1 (từ năm 2018-2024) đầu tư 4 bến, tổng vốn 4.946 tỷ đồng, giai đoạn 2 (từ năm 2026-2031, đầu tư 3 bến, tổng vốn 4.980 tỷ đồng, giai đoạn 3 (từ năm 2032-2036) đầu tư 3 bến, tổng vốn 4.308 tỷ đồng.

Vướng mắc chính của dự án là nhà đầu tư khó khăn về tài chính, chậm hoàn thành các thủ tục liên quan như: lập thiết kế cơ sở, đánh giá tác động môi trường, giải phóng mặt bằng, ký quỹ đầu tư… Hiện tại, nhà đầu tư đang hoàn thiện theo ý kiến thẩm định của Bộ Giao thông vận tải. Đồng thời, Bộ Tài nguyên và môi trường đã thành lập hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM lần 2 (nhưng chưa tổ chức họp để thẩm định thông qua).

Về vướng mắc dự án này, Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Quảng Trị đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư hỗ trợ, kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước có đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm đầu tư cảng biển cùng tham gia hợp tác đầu tư dự án khu bến cảng Mỹ Thủy. Đồng thời, do dự án có quy mô lớn, trong đó phần hạng mục dùng chung của dự án là kè chắn sóng chiếm tỷ trọng vốn lớn và khả năng sinh lời thấp, nên đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư xem xét, hỗ trợ tỉnh về ngân sách xây dựng kèm chắn sóng tại dự án.

Dự án nhà máy điện Tuabin khí hóa hơi (TBKHH) Quảng Trị do Gazprom International (Công ty con của Tập đoàn Gazprom – Liên bang Nga) đang gặp vướng mắc trong triển khai, do chưa hoàn thành việc lập, trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo quy định, chưa tiến hành đàm phán và ký kết hợp đồng dự án PPP theo quy định.

Nguyên nhân, là nhà đầu tư chưa quan tâm thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định. Cơ quan chức năng địa phương đang đề nghị nhà đầu tư quan tâm thực hiện các thủ tục liên quan để triển khai dự án, cam kết lộ trình hoàn thành các công việc đảm bảo tiến độ vận hành theo quy định.

Nhà máy điện TBKHH Quảng Trị được thực hiện bởi 100% vốn đầu tư của nhà đầu tư đến từ Liên bang Nga, hình thức hợp đồng BOT. Tổng vốn đầu tư dự án là khoảng 297 triệu USD, tiến độ vận hành thương mại năm 2023-2024. Mới đây, chủ đầu tư Gazprom International kiến nghị xem xét hàng loạt điều kiện bảo lãnh từ Chính phủ.

Cụ thể, chủ đầu tư kiến nghị tạo cơ chế thuận lợi tối đa từ phía Chính phủ để đầu tư dự án và đảm bảo hoàn vốn trong toàn bộ thời gian hoạt động của dự án;

Bảo lãnh nghĩa vụ của bên đại diện có thẩm quyền trong hợp đồng BOT từ phía Chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước thực hiện tiếp nhận, xây dựng và vận hành các công trình hạ tầng liên quan tới xây dựng nhà máy điện.

Bên cạnh đó, Gazprom kiến nghị bảo lãnh vấn đề tự do chuyển đổi doanh thu lợi nhuận thu được sang ngoại tệ và chuyển về nước các khoản tiền (trả cổ tức/tiền chuyển ra khỏi Việt Nam) mà không phải chịu thuế, phí và các khoản phải nộp bổ sung khác;

Bảo đảm bao tiêu toàn bộ sản lượng điện sản xuất được, giữ nguyên các điều khoản của các hợp đồng đã ký (không làm giảm chỉ số kinh tế của dự án) trong suốt thời hạn hiệu lực của dự án tích hợp trong trường hợp pháp luật Việt Nam có thay đổi, miễn thuế, phí hải quan và các khoản phải nộp khác bao gồm tiền sử dụng đất…

Một trường hợp vướng mắc liên quan tới thủ tục đầu tư là khu công nghiệp Quảng Trị (do các nhà đầu tư Công ty liên doanh TNHH khu công nghiệp Việt Nam – Singapore, Công ty CP đô thị Amata Biên Hòa và Sumitomo Corporation) thực hiện. Hiện tại, do thủ tục chấp thuận tập trung kinh tế chưa được giải quyết nên nhà đầu tư chưa đủ cơ sở để thành lập tổ chức kinh tế thực hiện dự án (Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương đang thụ lý, giải quyết hồ sơ).

Tại KCN Quảng Trị: Sumitomo Corporation (nhà đầu tư đến từ Nhật Bản) góp 20% vốn đầu tư, dự án có quy mô khoảng 481ha tại huyện Hải Lăng. Tổng vốn đầu tư khoảng 2.074 tỷ đồng, dự án có thời gian hoạt động 50 năm.

Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 công suất 1.500MW cũng đang gặp vướng mắc trong hướng dẫn thực hiện thủ tục về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện.

UBND tỉnh Quảng Trị cho biết đã có văn bản (hồi tháng 7/2021) xin ý kiến thống nhất của Bộ Kế hoạch và đầu tư về hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Hiện tại, tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài chưa xác định. Với quy mô gồm kho cảng LNG và trung tâm điện khí LNG, dự án dự kiến sử dụng diện tích 120ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 53.667 tỷ đồng, tiến độ vận hành thương mại vào 2026 - 2027.

Nguyễn Cảnh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/loat-du-an-ty-do-gap-kho-tai-quang-tri-1631463610036.htm