Loạt khó khăn bủa vây các dự án điện khí LNG

Điện khí LNG được xem là một trong những 'trụ cột' quan trọng trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng. Tuy nhiên, loại hình này đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, vướng mắc.

Tháng 10/2021, tỉnh Quảng Ninh có quyết định chấp thuận nhà đầu tư và khởi động dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh tại KCN Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả. Thời điểm khởi công, đây là dự án điện đầu tiên sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu tại miền Bắc.

Tuy nhiên sau hơn một năm, nhóm chủ đầu tư vẫn loay hoay hoàn thiện các thủ tục thành lập công ty liên danh và xin giấy phép phê duyệt dự án. Và đến quý III năm nay, dự án dự kiến mới có thể khởi công.

Thực tế, không chỉ dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh chậm trễ triển khai nhiều năm mà hàng loạt dự án điện khí LNG khác cũng chung tình cảnh này.

 Sau một năm diễn ra lễ khởi động và trao giấy chứng nhận đầu tư, khu đất thực hiện dự án điện khí LNG ở Quảng Ninh vẫn bỏ không, cỏ hoang mọc um tùm. Ảnh: Quốc Nam.

Sau một năm diễn ra lễ khởi động và trao giấy chứng nhận đầu tư, khu đất thực hiện dự án điện khí LNG ở Quảng Ninh vẫn bỏ không, cỏ hoang mọc um tùm. Ảnh: Quốc Nam.

Tiến độ ì ạch

Hiện nay, cả nước có 13 dự án điện LNG đã được Thủ tướng phê duyệt trong danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện tại Quyết định 500/QĐ-TTg. Theo đó, tới năm 2030 sẽ có 22.400 MW điện khí LNG, chiếm 14,9% tổng nguồn điện của cả nước với năng lực sản xuất 83 tỷ kWh.

Ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết tính đến cuối tháng 5, hầu hết dự án điện khí đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư vẫn chưa có nhiều tiến triển, đặc biệt là 3 dự án Cà Ná, Nghi Sơn, Quỳnh Lập với tổng công suất 4.500 MW vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư.

Các dự án điện khí LNG khác đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư như Hải Lăng giai đoạn 1, Quảng Ninh vẫn chưa hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) theo ý kiến thẩm định của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo để trình lại Bộ Công Thương thẩm định.

Dự án LNG Bạc Liêu, Hiệp Phước giai đoạn 1 chưa hoàn thành công tác đàm phán Hợp đồng mua bán điện (PPA); Dự án Long An I và II chưa hoàn thành công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư, chưa phê duyệt FS; hai dự án BOT Sơn Mỹ I và BOT Sơn Mỹ II cũng trong tình trạng chủ đầu tư chưa hoàn thiện FS theo quy định để đủ điều kiện phê duyệt.

Nếu nhìn vào các dự án này, có thể thấy điện khí LNG sẽ chưa thể hòa lưới điện, giúp giảm tình trạng thiếu điện trong ngày một ngày hai. Bởi lẽ, các dự án điện LNG từ lúc có quy hoạch đến khi vận hành thường mất 8-10 năm, thậm chí lâu hơn. Do đó, việc chậm tiến độ các nguồn điện, đặc biệt chậm phát triển nguồn điện nền như LNG có thể làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng.

Tại một cuộc họp cuối tháng 5, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh khí hóa lỏng LNG có vai trò đặc biệt quan trọng đối với tổng sơ đồ điện VIII đến năm 2030 và đặc biệt quan trọng đối với vấn đề an ninh năng lượng quốc gia, nhất là với phía Bắc.

"Nếu tình trạng chậm tiến độ còn tiếp tục tái diễn, vấn đề an ninh năng lượng quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bởi, đây là nguồn điện nền và cũng là nguồn điện có phát thải thấp", Bộ trưởng đánh giá.

Khó về cơ chế chính sách

Thực tế, những khó khăn của các doanh nghiệp triển khai dự án điện khí LNG xuất phát từ các cơ chế chính sách chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu LNG.

Ngoài ra, còn một số vướng mắc liên quan đến việc đàm phán ký kết các hợp đồng; tiến độ giải phóng mặt bằng tại các địa phương; một số địa phương chưa thể đàm phán, ký kết thỏa thuận đấu nối cho dự án do chưa xác định được chủ đầu tư; các đề xuất ưu đãi, đảm bảo đầu tư của nhà đầu tư chưa phù hợp...

Theo Tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) Phạm Văn Phong, hiện sự suy giảm nguồn khí nội địa đang diễn ra nhanh hơn so với dự báo, vì vậy PV GAS đang tập trung đầu tư cho các dự án kho khí LNG nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung khí cho sản xuất điện, sản xuất phân đạm và các ngành sản xuất công nghiệp khác.

"Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp vẫn gặp những vướng mắc về cơ chế chính sách trong đầu tư, sản xuất kinh doanh khí LNG nhập khẩu", ông Phong nhìn nhận.

 PV GAS vẫn gặp những vướng mắc về cơ chế chính sách trong đầu tư, sản xuất kinh doanh khí LNG nhập khẩu.

PV GAS vẫn gặp những vướng mắc về cơ chế chính sách trong đầu tư, sản xuất kinh doanh khí LNG nhập khẩu.

Lãnh đạo của PV GAS cho rằng các cơ chế chính sách liên quan đến LNG cần phải có là cơ chế bao tiêu, chuyển ngang sang giá điện, các quy định liên quan đến giá khí, cước phí...

Hiện tại, các cơ chế này chưa rõ ràng về thẩm quyền phê duyệt và cách thức xác định, nên gây khó khăn cho việc xác định giá phát điện đầu ra, cũng như đàm phán các thỏa thuận thương mại giữa các khâu.

Các chuyên gia cũng nhận định một trong những thách thức lớn nhất của phát triển điện khí là sự thiếu hụt nguồn khí trong nước. Việc tăng phụ thuộc nguồn LNG nhập khẩu không chỉ để cung cấp cho các dự án điện khí LNG mới mà còn là cấp thiết để bù đắp cho nguồn khí nội địa cung cấp cho các nhà máy điện khí hiện hữu.

"Rào cản lớn nhất hiện nay của nhà máy điện khí LNG vẫn là giá thành cao, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện phụ thuộc nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu có cơ chế rõ ràng, thì Việt Nam sẽ tiếp cận mức giá LNG chung theo thế giới như xăng dầu", một trong những chuyên gia trong lĩnh vực điện lực nói.

Theo các chuyên gia, với kinh nghiệm quốc tế, vướng mắc lớn nhất để các dự án điện LNG triển khai là việc cam kết tổng sản lượng điện mua hàng năm (Qc) từ phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và bao tiêu sản lượng khí hàng năm.

Việc cam kết sản lượng điện phát và tiêu thụ khí hàng năm được ví như đầu ra, là cơ sở để các tổ chức tài chính xem xét tài trợ tín dụng cho dự án, cũng như dự án mua được nguồn LNG giá tốt thông qua hợp đồng mua LNG dài hạn để giá điện rẻ hơn.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, PV GAS với vai trò là doanh nghiệp dẫn dắt ngành công nghiệp khí vẫn đang nỗ lực triển khai Chiến lược phát triển thị trường khí theo đúng định hướng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam).

Trong đó, Tổng công ty xây dựng các cơ chế nhằm ưu tiên nguồn khí nội địa cho chế biến, đồng thời chuyển đổi mô hình kinh doanh khí của PV GAS theo mô hình kinh doanh tích hợp nhằm tạo lợi thế và cơ chế cho phát triển kinh doanh LNG đối với các khách hàng công nghiệp.

Song song đó, Tổng công ty cũng chủ động đề xuất với cấp có thẩm quyền và tham gia vào quá trình xây dựng các cơ chế chính sách cần thiết cho việc đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và kinh doanh LNG, đặc biệt đối với việc kinh doanh LNG cho phát điện.

Lương Thanh

Nguồn Znews: https://znews.vn/loat-kho-khan-bua-vay-cac-du-an-dien-khi-lng-post1488492.html