Loạt Megastory: Đồng Nai đón vận hội đặc biệt từ các dự án hạ tầng giao thông (Kỳ 3)
Kỳ 3: Đã sẵn sàng tư thế "vươn mình"


Giao thông là mạch máu của nền kinh tế. Với hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại đang dần hoàn thiện, “cánh cửa” tăng tốc phát triển đã mở rộng với Đồng Nai.
Sân bay, cảng biển, các tuyến đường cao tốc, vành đai và hệ thống đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị sẽ tạo ra những xung lực phát triển chưa từng có cho Đồng Nai trong thời gian tới.


Sân bay Long Thành là dự án hạ tầng giao thông có tổng mức đầu tư lớn nhất của cả nước từ trước đến nay. Đồng Nai, với vị thế là địa phương “đóng chân” của “siêu” dự án này sẽ có được những thời cơ chưa từng có để tăng tốc phát triển kinh tế, xã hội.

Sân bay Long Thành sẽ hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác trong nủa đầu năm 2026 tạo ra những vận hội mới cho Đồng Nai phát triển kinh tế, xã hội. Ảnh: Phạm Tùng
Ngay trong quá trình triển khai xây dựng, Sân bay Long Thành đã bắt đầu lan tỏa những tín hiệu tích cực đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Minh chứng là sau những đề xuất của Đồng Nai, đến nay, Chính phủ đã ban hành hàng loạt các quyết định thành lập các khu công nghiệp xung quanh khu vực Sân bay Long Thành như: Long Đức 3; Bàu Cạn - Tân Hiệp giai đoạn 1; Xuân Quế - Sông Nhạn giai đoạn 1; Phước Bình 2 và Long Đức giai đoạn 2.
Tuy nhiên, với Đồng Nai, kỳ vọng về sự lan tỏa động lực phát triển từ Sân bay Long Thành còn lớn hơn. Trong đó, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của tỉnh là phải hình thành được mô hình đô thị sân bay nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Sân bay Long Thành đối với mục tiêu “vươn mình” trong kỷ nguyên mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đã nhiều lần nhấn mạnh: đô thị Sân bay Long Thành và hành lang sông Đồng Nai là 2 khu vực có vai trò động lực phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Với mục tiêu đã xác định, từ năm 2024, Đồng Nai đã tổ chức thi tuyến quốc tế ý tưởng quy hoạch đô thị Sân bay Long Thành và vùng phụ cận. Đến đầu năm 2025, tỉnh đã lựa chọn được phương án ý tưởng tốt nhất cho quy hoạch này. Theo phương án của Liên danh Viện Kiến trúc quốc gia - Công ty Nihon Sekkei, Inc (Nhật Bản), Công ty cổ phần công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng Coninco (liên danh VIAR-NS-Coninco), ý tưởng quy hoạch đô thị Sân bay Long Thành và vùng phụ cận lấy ý tưởng chủ đạo là mô hình thành phố song sinh với Thành phố Hồ Chí Minh và Long Thành Aerotropolis sẽ kết nối tạo nên khu vực cạnh tranh toàn cầu. Trong đó lấy Sân bay Long Thành làm trung tâm.

Ý tưởng phân vùng chức năng đô thị Sân bay Long Thành và vùng phụ cận của liên danh Viện Kiến trúc Quốc gia - Công ty Nihon Sekkei, Inc (Nhật Bản) - Công ty CP Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng Coninco (liên danh VIAR-NS-Coninco). Ảnh: Phạm Tùng
Theo thạc sỹ Phan Thị An, thành viên trong liên danh VIAR-NS-Coninco, Aerotropolis là một mô hình phát triển đô thị mang tính chuyển mình, đặt sân bay làm trung tâm phát triển kinh tế. Khác với các hình thức đô thị truyền thống, Aerotropolis tận dụng sự kết nối, logistics và công nghiệp để tạo ra các trung tâm đô thị phát triển mạnh mẽ, mở rộng ra ngoài phạm vi sân bay. “Kế hoạch tổng thể Long Thành Aerotropolis xác định Sân bay Long Thành là trung tâm của một tầm nhìn chuyển mình khu vực, kết nối và bổ sung hoàn hảo cho các khu vực đô thị xung quanh”, thạc sỹ Phan Thị An chia sẻ.
Trong khi đó, nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, kiến trúc sư Khương Văn Mười đánh giá, với một sân bay quốc tế lớn như Sân bay Long Thành sẽ thu hút một lượng du khách quốc tế rất lớn đến đây để kết nối với các địa phương tìm cơ hội đầu tư, làm việc, du lịch. Vì thế, có thể nói đây sẽ là một cực phát triển của Đồng Nai nói riêng và khu vực phía Nam nói chung.


Phối cảnh khu vực trọng đểm CBD (Central Business District là khu vực tập trung cao độ các hoạt động kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ và hành chính của một đô thị) đô thị Sân bay Long Thành của liên danh đơn vị tư vấn. Ảnh: Phạm Tùng
Bên cạnh định hướng phát triển mô hình đô thị sân bay, với Sân bay Long Thành, Đồng Nai cũng đã lên kế hoạch xây dựng một hệ sinh thái hàng không, mở ra những không gian phát triển mới cho tỉnh.
Theo đó, Đồng Nai đã kiến nghị trung ương cho phép tỉnh thành lập khu thương mại tự do gần Sân bay Long Thành để phục vụ nhu cầu giao thương quốc tế phù hợp với lợi thế vị trí địa lý chiến lược, lợi thế về ngành nghề, định hướng phát triển của tỉnh và của vùng Đông Nam Bộ. “Tỉnh đang xây dựng đề án thành lập khu thương mại tự do và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 5”, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết.
Cùng với đó, Đồng Nai cũng đang kiến nghị Chính phủ và đồng thời, xúc tiến thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung Long Thành để thúc đẩy hình thành hệ sinh thái công nghiệp công nghệ số.


Bên cạnh Sân bay Long Thành, để “đón đầu” những cơ hội phát triển khi hệ thống đường cao tốc, vành đai hoàn thành xây dựng, tỉnh Đồng Nai cũng đã quy hoạch và kêu gọi đầu tư đối với hàng loạt dự án về logistics; phát triển đô thị; khu, cụm công nghiệp gắn với không gian xung quanh các tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh.

Cảng biển Phước An là cảng biển lớn nhất trên địa bàn tỉnh hiện nay đã đi vào hoạt động khai thác. Ảnh: Phạm Tùng
Trong khi đó, với việc cảng Phước An, cảng biển lớn nhất của tỉnh đón chuyến tàu đầu tiên vào giữa tháng 2-2025, đánh “đánh dấu” bước đệm đưa cảng biển này tiến xa hơn trên bản đồ logistics khu vực và quốc tế.
Giáo sư, tiến sĩ Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viên Nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, Cảng biển Phước An là một trong những dự án hạ tầng giao thông, logistics trọng điểm không chỉ của Đồng Nai mà của khu vực phía Nam. Theo đó, cảng biển này có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phục vụ nhu cầu thông quan và lưu trữ hàng hóa cho các khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn huyện Nhơn Trạch cũng như các khu công nghiệp tại các huyện Long Thành, Thống Nhất và thành phố Biên Hòa. “Hàng hóa xuất nhập khẩu của tỉnh Đồng Nai sẽ được vận chuyển trực tiếp bằng đường biển, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí xếp dỡ, vận chuyển và vừa không chịu chi phí sử dụng cơ sở hạ tầng, cảng biển tại tỉnh, thành khác. Từ đó, tạo lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh đồng thời góp phần giảm áp lực giao thông đường bộ”- ông Vinh nói.
Lợi thế của Cảng biển Phước An sẽ càng được phát huy khi trước đó, tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị và được Chính phủ chấp thuận điều chỉnh chức năng đất tại phân khu dịch vụ hậu cần cảng và cảng Phước An sang đất công nghiệp, xây dựng mới Khu công nghiệp Phước An với quy mô diện tích 330 hécta. Đây là khu công nghiệp được định hướng phát triển theo hướng sinh thái, thu hút các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp có sử dụng công nghệ cao để phát huy, khai thác lợi thế đặc thù của cảng Phước An.

Việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị (TOD) mở ra cơ hội lớn cho Đồng Nai phát triển mô hình đô thị TOD. Ảnh: Phạm Tùng
Đồng thời, với việc quy hoạch và đang lên kế hoạch phát triển mạng lưới đường sắt đô thị (metro), cũng sẽ mở ra cho Đồng Nai thêm hướng phát triển mới, nhất là phát triển mô hình đô thị gắn kết với giao thông công cộng TOD (Transit Oriented Development).
Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đánh giá, nếu Đồng Nai đầu tư xây dựng hệ thống metro cho trục thành phố Biên Hòa - Thành phố Hồ Chí Minh; thành phố Thủ Đức - Sân bay Long Thành thì đây sẽ là khu vực rất thuận lợi để phát triển đô thị theo mô hình TOD.
Tại các buổi làm việc liên quan đến việc triển khai thực hiện các dự án metro, nhất là tuyến kết nối với metro Bến Thành - Suối Tiên, đại diện Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (TEDI South) cũng cho rằng, Đồng Nai có tiềm năng lớn để phát triển mô hình đô thị TOD. Do đó, tỉnh phải có quy hoạch sớm các khu vực sẽ phát triển TOD. “Phải tăng giá trị sử dụng đất, quy hoạch để giữ được đất phát triển TOD thì mới phát huy được tối đa hiệu quả của mô hình TOD”, đại diện TEDI South chia sẻ.

