Loạt ồn ào của lễ hội âm nhạc Coachella: Từ nụ hôn của Madonna đến 'biển đen' khiến nghệ sĩ phẫn nộ
Coachella là một trong những lễ hội âm nhạc lớn nhất hành tinh mà bất kỳ nghệ sĩ nào cũng mong muốn được biểu diễn.
Năm nay, Coachella mang đến đội hình nghệ sĩ chính cực kỳ ấn tượng: Lady Gaga, Travis Scott, Post Malone và Green Day – bốn cái tên đủ sức đốt cháy bất kỳ sân khấu nào. Dù vậy, bên cạnh những màn trình diễn huy hoàng, Coachella cũng không ít lần khiến khán giả “dở khóc dở cười” bởi các sự cố đáng nhớ. Hãy cùng nhìn lại những khoảnh khắc hỗn loạn nhất từng khuấy đảo Thung lũng Coachella.

Grimes (2024): Khi công nghệ “đâm sau lưng” nghệ sĩ
Một trong những sự cố ồn ào nhất năm ngoái thuộc về Grimes – nghệ sĩ người Canada nổi tiếng với phong cách tương lai và âm nhạc độc đáo. Xuất hiện tại sân khấu Sahara trên lưng một con nhện cơ khí khổng lồ, Grimes hứa hẹn một show diễn đậm chất viễn tưởng.
Nhưng rồi mọi thứ nhanh chóng trượt khỏi quỹ đạo. Hệ thống âm thanh gặp lỗi nghiêm trọng khiến các bản nhạc được phát với nhịp độ gấp đôi, khiến cô không thể kiểm soát tiết tấu. Giữa chừng, Grimes giải thích với khán giả: “Tất cả các bản nhạc đều bị tăng tốc, tôi không thể phối chúng lại được".
Cô liên tục hét lên vì thất vọng, một cảnh tượng khiến người xem cảm thấy lo lắng hơn là giải trí. Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ sự thông cảm, nhưng cũng không ít ý kiến chỉ trích sự thiếu chuẩn bị của cô. Một tài khoản thậm chí mỉa mai: “Đây là cơn ác mộng tồi tệ nhất của DJ – khi mọi người cười còn răng bạn thì rơi ra".

Drake & Madonna (2015): Nụ hôn không ai mong đợi
Lật lại ký ức Coachella 2015, không thể không nhắc đến khoảnh khắc gây sốc khi Madonna bất ngờ trao cho Drake một nụ hôn cháy bỏng ngay trên sân khấu. Nữ hoàng nhạc Pop xuất hiện như một vị khách không mời trong màn trình diễn của Drake, hát một đoạn ca khúc “Hung Up” rồi tiến đến… khóa môi đàn em.
Drake lộ rõ vẻ bối rối và ngay sau buổi diễn, mạng xã hội dậy sóng với câu hỏi: “Đó là thật sao?”. Sau đó, Drake lên tiếng trấn an: “Tôi không bị sốc vì nụ hôn mà vì mùi son môi của cô ấy". Nhưng dù lý do là gì, khoảnh khắc đó đã trở thành huyền thoại – theo cả nghĩa tích cực lẫn tiêu cực.

Blur (2024): Khi khán giả không chịu hát
Là một trong những biểu tượng của dòng Britpop, Blur từng được kỳ vọng sẽ tạo nên một đêm nhạc bùng nổ tại Coachella 2024. Tuy nhiên, sự thật lại khác xa tưởng tượng. Dù trình diễn 13 bản hit, khán giả dường như không mấy hào hứng, đặc biệt gần như tạo nên "biển đen im lặng" là trong phần hát chung của ca khúc "Girls & Boys".
Damon Albarn, thủ lĩnh ban nhạc, không giấu được sự bực bội: “Các bạn sẽ không bao giờ thấy chúng tôi biểu diễn ở đây nữa. Nên hát đi, được chứ?”.
Sau đó, trong một cuộc phỏng vấn, nghệ sĩ guitar Graham Coxon thẳng thắn chia sẻ: “Nếu tôi thấy khán giả chán nản, tôi sẽ chỉ chơi cho bản thân mình". Một câu nói đầy châm biếm, nhưng cũng cho thấy khoảng cách văn hóa giữa khán giả Mỹ và những nghệ sĩ Anh quốc.

Cee-Lo Green (2011): Đến muộn, bỏ diễn
Cee-Lo Green đã có một trong những màn trình diễn “ngắn ngủi” nhất lịch sử Coachella. Xuất hiện trễ 25 phút, anh chàng không ngần ngại trách móc ban tổ chức vì xếp lịch biểu diễn quá sớm.
“Không phải lỗi của tôi", anh nói trước khi bị... cắt mic sau 5 bài hát. Khi đang thể hiện bản hit “Don’t Stop Believin’”, âm thanh bị ngắt và Cee-Lo – đầy tức giận – đã rời sân khấu. Đó là một trong những lần hiếm hoi mà khán giả Coachella không thể... tin vào mắt mình.

LE SSERAFIM (2024): Kỳ vọng lớn, thất vọng nhiều
LE SSERAFIM, nhóm nhạc nữ Hàn Quốc được ví như “hậu duệ BLACKPINK”, có màn ra mắt đầy tham vọng tại Coachella năm ngoái. Tuy nhiên, thay vì ấn tượng, nhóm lại vướng phải làn sóng chỉ trích vì phần hát live yếu và thiếu chuyên nghiệp.
Sân khấu kéo dài 40 phút nhưng để lại dư âm không mấy tích cực. Trên các diễn đàn Hàn Quốc, nhiều người cho rằng họ đã “không sẵn sàng về kỹ thuật và bản lĩnh”. Thành viên Sakura sau đó chia sẻ: “Đây là sân khấu tốt nhất của chúng tôi tính đến hiện tại, dù chưa hoàn hảo. Nhưng không ai là hoàn hảo cả".

Frank Ocean (2023): Màn tái xuất đáng quên
Sau 6 năm “ở ẩn”, Frank Ocean trở lại Coachella với sự kỳ vọng tột đỉnh. Nhưng đáng tiếc, đó lại là một màn trình diễn... đáng quên. Chương trình bắt đầu trễ một tiếng, có những đoạn remix không liên quan, và đáng thất vọng nhất: Frank hầu như không xuất hiện trên sân khấu.
Một người hâm mộ đã tóm gọn tâm trạng chung: “Anh ấy đến trễ, rời đi sớm, không hát nhiều và rồi đùa rằng không có nhạc mới. Thật quá thất vọng.” Thậm chí, sân trượt băng được dựng riêng cho tiết mục còn không được sử dụng. Một pha “phá đảo kỳ vọng” theo đúng nghĩa đen.

Tạm kết
Coachella vẫn là một biểu tượng văn hóa – nơi hội tụ của thời trang, âm nhạc và sự sáng tạo. Nhưng ẩn sau ánh hào quang và những dàn âm thanh hoành tráng, đôi khi là những cú trượt dài, những sự cố khiến cả thế giới phải bàn tán.
Dẫu vậy, chính những khoảnh khắc không hoàn hảo ấy lại khiến Coachella trở nên sống động hơn, người thật – việc thật hơn. Vì nếu tất cả đều suôn sẻ, thì có lẽ Coachella đã chẳng còn là Coachella nữa.