Loạt trọng tâm đáng chú ý của Diễn đàn Kinh tế phương Đông 2023
Diễn đàn Kinh tế phương Đông 2023 (EEF) diễn ra từ ngày 10-13/9 tại thành phố Vladivostok, vùng Viễn Đông của Liên bang Nga.
Chuyên trang phân tích Modern Diplomacy nhận định, theo truyền thống, hầu hết các cuộc thảo luận đều tập trung vào các vấn đề thương mại, kinh doanh và đầu tư có lợi cho Nga và thế giới. Nhưng với tình hình địa chính trị hiện tại, Nga phần lớn đang chuyển hướng sang khu vực Âu Á, châu Á và Thái Bình Dương.
Quan tâm hơn đến châu Á – Thái Bình Dương
Mười năm trước, nhà lãnh đạo Vladimir Putin đã coi việc phát triển vùng Viễn Đông là ưu tiên quốc gia trong toàn bộ thế kỷ 21 và Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) đã trở thành một trong những kênh quan trọng và hiệu quả nhất để phát triển khu vực này, theo Modern Diplomacy.
Tại diễn đàn, nhiều quyết định được đưa ra đều có tầm quan trọng lớn không chỉ đối với vùng Viễn Đông mà còn đối với nhiều khu vực khác, cùng với đó là nhiều hợp đồng đầu tư trị giá hàng triệu đô la được ký kết. Với chiến lược xoay trục về phía Đông của Nga, vai trò của EEF đã tăng lên và Viễn Đông là một trong những khu vực trọng điểm.
Phó Thủ tướng Nga Yury Trutnev, Đặc phái viên toàn quyền tại vùng Viễn Đông cho biết: "Về chương trình, chúng tôi đã điều chỉnh định hướng cho phù hợp với tình hình quốc tế hiện nay, giải quyết cả những thách thức hiện tại và vai trò của Viễn Đông đối với đất nước".
Với mô hình kinh tế và chính trị mới đang phát triển trên khắp thế giới, và nền kinh tế Nga đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt của phương Tây và châu Âu, ông Yury Trutnev khẳng định trong một tuyên bố trước diễn đàn rằng Nga cũng đang phát triển các công cụ mới và định dạng mới để kết nối.
Chủ đề chính của diễn đàn năm 2023 là 'Con đường dẫn đến quan hệ đối tác, hòa bình và thịnh vượng' và chương trình kinh tế được xây dựng xoay quanh sáu hướng: 'Hợp tác quốc tế trong một thế giới đã thay đổi', 'Hậu cần (Logistics) cho sự thay đổi', 'Vùng Viễn Đông trong thập kỷ qua: những gì đã thành công và những gì cần phải làm?', 'Phát triển công nghệ như một sự đảm bảo cho chủ quyền', 'Vùng Viễn Đông của tương lai', và 'Giáo dục và nuôi dưỡng là nền tảng của sự tự chủ'.
"Diễn đàn này thường đưa ra các giải pháp chiến lược cho sự phát triển toàn diện của vùng Viễn Đông. Sự tham gia chung của đại diện chính phủ và doanh nghiệp, cộng đồng chuyên gia và các nhà kinh tế hàng đầu giúp chúng ta có thể tìm ra những cách tiếp cận mới nhằm giải quyết những thách thức hiện tại," theo Anton Kobykov, Cố vấn của Tổng thống Nga kiêm Thư ký Điều hành Ban tổ chức EEF 2023.
Đa dạng chương trình thảo luận
Phần đầu tiên – 'Hợp tác quốc tế trong một thế giới đã thay đổi' –thảo luận về vị trí của vùng Viễn Đông Nga trong nền kinh tế Đại Âu Á, triển vọng của khối SCO và BRICS, các vấn đề trọng tài thương mại quốc tế, việc thiết lập ngoại giao mang tính khoa học ở châu Á và triển vọng kinh doanh của Trung Quốc ở Nga.
Phần 'Logistics cho thay đổi' bao gồm các cuộc thảo luận về những giải pháp hậu cần mới ở Viễn Đông, cũng như sự phát triển bền vững của Tuyến đường biển phía Bắc như một huyết mạch vận tải toàn cầu mới. Các phiên họp tập trung về các chủ đề như hợp tác xuyên biên giới, hậu cần hàng hải và đường sắt, các giải pháp số cho hậu cần nội địa và quốc tế cũng như sự phát triển của một hãng hàng không Viễn Đông.
Các đại biểu tham gia các phiên thảo luận của chuyên đề "Viễn Đông trong thập kỷ qua: những gì đã thành công và những việc cần làm?" tổng hợp những kết quả hiện tại và nói về triển vọng phát triển của Đặc khu Liên bang Viễn Đông.
Phần 'Phát triển công nghệ như một sự đảm bảo chủ quyền' giải quyết các vấn đề an ninh nhà nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin và việc mở rộng sử dụng máy bay không người lái trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Các chuyên gia đề cập đến việc phát triển các mô hình tương tác mới giữa các doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư và công ty công nghệ.
Phần "Vùng Viễn Đông của tương lai" thảo luận về việc triển khai các dự án tạo diện mạo mới cho vùng Viễn Đông, trong đó có hơn 20 quy hoạch tổng thể. Các chủ đề khác bao gồm cung cấp cho người dân nhà ở chất lượng cao và giá cả phải chăng, tạo điều kiện phát triển nhà cho thuê, hệ thống chăm sóc sức khỏe và bảo tồn lối sống truyền thống của các dân tộc thiểu số bản địa phía Bắc.
Chương trình diễn đàn cũng có nhiều cuộc đối thoại kinh doanh với các đối tác nước ngoài đến từ Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Mông Cổ và ASEAN.
Năm nay, ban tổ chức đặc biệt chú trọng đến việc phát triển hợp tác song phương và đa phương ở nhiều cấp độ. Theo các báo cáo chính thức, Nga có truyền thống sẵn sàng hợp tác với tất cả các quốc gia quan tâm ở châu Á-Thái Bình Dương và sẵn sàng đưa ra các hình thức hợp tác, có tính đến lợi ích quốc gia của tất cả các đối tác.